Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giữ tiếng Tày giữa dòng chảy hội nhập

Giữa dòng chảy giao thoa văn hóa mạnh mẽ của thời đại mới, việc bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số đối diện không ít thách thức. Tại thôn Gốc Báng, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, ông Sa Công Hòa - một nhà giáo đã nghỉ hưu đang lặng lẽ góp sức mình để giữ gìn tiếng mẹ đẻ của dân tộc Tày, thứ ngôn ngữ đang đứng trước nguy cơ mai một ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Báo Yên BáiBáo Yên Bái29/04/2025

>> 
Là người có uy tín trong cộng đồng, gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp "trồng người", ông Hòa luôn vun đắp cho thế hệ học trò niềm tự hào về bản sắc dân tộc mình. Khi về hưu, những tưởng sẽ được thảnh thơi an dưỡng tuổi già nhưng một lần tình cờ trò chuyện với vài cháu nhỏ trong thôn, ông không khỏi day dứt khi nghe các cháu dù là người Tày, lại không nói được tiếng mẹ đẻ. "Tôi xót lắm!" - ông chia sẻ với giọng trầm buồn, chất chứa nỗi niềm: "Người dân tộc mà không biết tiếng dân tộc thì khác nào cây không có rễ". 
Nỗi trăn trở ấy không dừng lại ở vài trường hợp cá biệt. Thấm thía tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng nói cội nguồn, ông quyết định thực hiện một cuộc khảo sát thực trạng tại thôn Gốc Báng, với sự hỗ trợ từ các trường học và chính quyền địa phương. Kết quả khảo sát khiến ông thêm đau đáu: gần 70% học sinh tiểu học và hơn 40% học sinh THCS tại thôn không biết nói hoặc không biết chữ Tày. 
Một trong những nguyên nhân chính là tâm lý của nhiều phụ huynh mong muốn con em sớm thành thạo tiếng phổ thông để thuận lợi cho việc học tập. Từ thực trạng ấy, ông Hòa nhận thấy mình cần phải hành động. Ông mạnh dạn đề xuất Chi bộ thôn ban hành nghị quyết chuyên đề về trách nhiệm của đảng viên trong việc giữ gìn và truyền dạy tiếng Tày cho thế hệ trẻ. Với sự nhất trí cao của Chi bộ và đồng thuận của bà con, lớp học tiếng Tày miễn phí do ông đứng lớp đã ra đời, duy trì đều đặn vào thứ Bảy hàng tuần. 
Không chỉ truyền dạy theo những gì mình biết, ông còn không ngừng tự học, trau dồi vốn từ, tìm hiểu sâu hơn về chữ Tày từ những người am hiểu để bài giảng thêm phong phú, chuẩn xác. Thiếu thốn giáo trình chuẩn, ông Hòa cặm cụi "biên soạn" bài giảng từ chính vốn sống phong phú của mình - những ký ức tuổi thơ, những câu hát sli lượn ngọt ngào, những truyện cổ Tày ông bà truyền lại. Ông vừa là người thầy tận tụy vừa là người bạn lớn, kiên nhẫn chỉ bảo từng chữ, từng câu cho học trò đủ mọi lứa tuổi, từ các em nhỏ đang chập chững để cả những phụ huynh muốn học lại tiếng mẹ đẻ. 
Không dừng lại ở việc dạy ngôn ngữ, ông Hòa còn khôi phục và đưa vào lớp học các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc như trò chơi dân gian, hát then, hát lượn - những nét đẹp văn hóa đang dần mai một. Từ tâm huyết ban đầu của một người thầy, lớp học nhỏ đã dần trở thành một điểm hẹn văn hóa ý nghĩa, nơi cả cộng đồng cùng nhau kết nối, sẻ chia và gìn giữ "hồn cốt" dân tộc mình. 
Tuy nhiên, hành trình "giữ lửa" đầy ý nghĩa ấy chỉ có thể duy trì được vỏn vẹn ba tháng. Những khó khăn về kinh phí hoạt động tối thiểu, thiếu thốn tài liệu giảng dạy chính thống cùng sự hỗ trợ chuyên môn cần thiết đã trở thành rào cản lớn. Thêm vào đó, việc duy trì sĩ số lớp học cũng không hề dễ dàng khi các em học sinh và cả phụ huynh còn bận rộn với việc học văn hóa chính khóa và gánh nặng mưu sinh hàng ngày. Sức lực và nguồn lực cá nhân của một thầy giáo đã về hưu, dù tâm huyết đến mấy cũng không đủ để gánh vác một công việc đòi hỏi sự đầu tư và hỗ trợ liên tục từ nhiều phía. 
Vì lẽ đó, lớp học tiếng Tày của ông Sa Công Hòa đành phải tạm dừng hoạt động. Lớp học không còn sáng đèn mỗi thứ Bảy nhưng nỗi trăn trở trong lòng ông Hòa thì chưa bao giờ tắt. Ba tháng ngắn ngủi ấy có thể chưa tạo ra sự thay đổi đột phá về khả năng sử dụng tiếng Tày trong cộng đồng nhưng đã đánh thức mạnh mẽ nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ. Điều đó cũng chứng minh rằng, nhu cầu học tiếng Tày trong cộng đồng là có thật, chỉ là cần có phương thức, tài liệu và nguồn lực hỗ trợ phù hợp, bền vững hơn. 
Nhìn về tương lai, ông Sa Công Hòa vẫn không nguôi hy vọng về một giải pháp lâu dài, bền vững hơn cho tiếng Tày. Ông vẫn bày tỏ mong mỏi tha thiết các cấp chính quyền cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Ông đề xuất những giải pháp cụ thể: cần đầu tư vào việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc một cách bài bản, có chuyên môn sâu; nghiên cứu đưa nội dung tiếng dân tộc vào chương trình giáo dục chính khóa hoặc ít nhất là hoạt động ngoại khóa tại các trường học vùng đồng bào dân tộc và thường xuyên tổ chức các sân chơi văn hóa, các cuộc thi hát, kể chuyện, đọc thơ bằng tiếng dân tộc trong trường học và cộng đồng để tạo môi trường thực hành, khơi dậy niềm yêu thích và tự hào cho thế hệ trẻ.
  
Tấm lòng và sáng kiến của thầy giáo về hưu Sa Công Hòa là một minh chứng sống động cho thấy tâm huyết, trách nhiệm của những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một của bản sắc văn hóa. Câu chuyện của ông không chỉ là về một lớp học đã dừng lại mà là lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của các giá trị văn hóa truyền thống trước dòng chảy hiện đại và là lời kêu gọi khẩn thiết về sự chung tay, góp sức không ngừng nghỉ của cả cộng đồng và đặc biệt là các cấp quản lý, để những "ngọn lửa" tâm huyết như ông Hòa có thể cháy sáng, lan tỏa mạnh mẽ, góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc cho muôn đời sau.
Văn Thông

Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/16/349566/Giu-tieng-Tay-giua-dong-chay-hoi-nhap.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm