>> Phong Dụ Thượng - "tiên cảnh” nơi vùng cao Tây Bắc
>> "Áo mới” Phong Dụ Thượng
Để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, ông Triệu Tò Pú ở thôn Khe Mạng đã sử dụng toàn bộ diện tích đất đồi để phát triển kinh tế rừng. Theo đó, ông đã vận động vợ con tích cực trồng quế. Những năm đầu, khi quế còn nhỏ, để tăng thêm thu nhập, ông Pú trồng xen canh sắn, ngô theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài”.
Nhờ đó, hiện nay, gia đình ông Pú có trên 15ha quế với độ tuổi từ 3 đến trên 30 năm tuổi, bình quân cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhờ trồng quế, gia đình ông Pú có điều kiện làm nhà cửa khang trang, mua sắm được tiện nghi hiện đại đắt tiền.
Ông Triệu Tò Pú chia sẻ: "Phát huy truyền thống của cha ông, từ khi chưa lập gia đình, tôi đã bắt đầu trồng quế. Để nâng cao hiệu quả kinh tế đất đồi, đảm bảo canh tác bền vững, làm nương tới đâu, tôi đều trồng xen canh cây quế vào sắn, ngô tới đó. Làm hết đất của gia đình, khi thấy người dân trong thôn có nhu cầu bán đồi, tôi lại mua để trồng quế. Nhờ đó, cây quế đã giúp kinh tế gia đình khấm khá, có điều kiện nuôi con cái ăn học và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Cũng như hộ ông Pú, các thôn: Khe Mạng, Thượng Sơn, Làng Chạng, Làng Than có hàng trăm hộ có kinh tế khá, giàu nhờ phát huy hiệu quả thế mạnh đất đồi để trồng quế.
Ông Ngô Văn Trường, thôn Làng Chạng chia sẻ: "Là người bản địa nên tôi hiểu hơn ai hết về thế mạnh ở nơi đây. Bởi vậy, ngoài thâm canh ruộng vườn đảm bảo lương thực cho gia đình cũng như phát triển thêm chăn nuôi, thời gian còn lại, vợ chồng tôi tập trung vào trồng quế. Hơn 10 năm trở lại đây, giá quế trên thị trường tăng cao, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phát triển và quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn cũng được tăng cường. Nhờ đó, Phong Dụ Thượng duy trì tổng diện tích rừng trên 13.000ha; trong đó, rừng tự nhiên đặc dụng gần 2.500ha. Đồng thời, xã thực hiện tốt việc khoán bảo vệ gần 7.800ha rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng kinh tế với 4.490ha, chủ yếu là quế với trên 2.800ha, hàng năm cho khai thác từ 180 đến 200ha, với sản lượng quế vỏ đạt trên 600 tấn, tận thu trên 2.400 tấn cành, lá cùng hàng nghìn mét khối gỗ quế, mang lại nguồn thu trên 20 tỷ đồng cho nhân dân.
Ông Lương Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết: "Kinh tế chủ lực của địa phương dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp là chính, trong đó cây quế là chủ yếu. Bên cạnh đó, địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng vào mùa khô hanh luôn được địa phương chú trọng chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt. Đồng thời, nhân dân cũng tận dụng triệt để tiềm năng, thế mạnh về đất đồi và nguồn lao động tại chỗ tích cực trồng, chăm sóc, phát triển cây quế, đảm bảo duy trì diện tích hiện có và độ che phủ rừng của địa phương”.
Việc phát huy thế mạnh về kinh tế đồi rừng đã góp phần quan trọng giúp nhân dân từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Hết năm 2024, hộ nghèo của xã giảm còn 90 hộ, chiếm tỷ lệ 6,35%; hộ cận nghèo còn 22 hộ, chiếm 1,55%; hộ khá, giàu tăng lên nhanh giúp xã về đích xây dựng nông thôn mới.
Châu Á
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/349567/Ph111ng-Du-Thuong-phat-huy-the-manh-kinh-te-rung.aspx
Bình luận (0)