Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất

Trong bối cảnh nông nghiệp ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và thích ứng với thị trường, việc thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ và nắm vững kỹ năng là yếu tố then chốt giúp người nông dân làm giàu bền vững. Các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đóng vai trò tích cực trong việc đưa kiến thức, công nghệ và cơ hội nghề nghiệp đến gần hơn với hội viên nông dân (HVND), mở ra những hướng đi mới trên chính mảnh ruộng, vườn đồi của mình.

Báo Hòa BìnhBáo Hòa Bình27/05/2025


Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong) sử dụng công nghệ cô đặc chân không hiện đại để sản xuất sản phẩm mứt cam.

Đến xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình), chúng tôi ấn tượng với mô hình kinh tế hiệu quả của ông Đỗ Văn Chiến - nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. Xuất phát từ mong muốn tìm hướng đi mới cho cây sắn, cây dong riềng quê nhà, ông Chiến đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất tinh bột, làm miến dong từ nguyên liệu địa phương. Ông chia sẻ: Nhờ sự đồng hành của các cấp HND, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật (KHKT) và quản lý sản xuất. Từ đó tôi áp dụng công nghệ vào chế biến, từng bước xây dựng thương hiệu miến dong Chiến Thọ. Sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và tiêu thụ rộng rãi trong, ngoài tỉnh.

Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận KHKT và tham gia học nghề được các cấp HND chú trọng. Trong quý I/2025, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 13 lớp dạy nghề cho trên 420 HVND tại các huyện Lạc Thủy, Lương Sơn và TP Hòa Bình. Những lớp học này cung cấp cho nông dân các kỹ năng cần thiết cho nhiều ngành nghề khác nhau, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn có thể mở rộng sang các lĩnh vực liên quan, hoặc ngành nghề phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn, giúp bà con đa dạng sinh kế, tăng cường khả năng thích ứng.

Song song với đào tạo, dạy nghề, việc chuyển giao KHKT được đẩy mạnh. 44 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về cây trồng, vật nuôi được tổ chức, thu hút sự tham gia của gần 1.800 lượt HVND. Cùng với đó, Hội hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử, với 43 sản phẩm OCOP do HVND sản xuất được giới thiệu, giúp nông sản Hòa Bình từng bước vươn xa hơn. Việc cung ứng phân bón, giống cây trồng chất lượng cũng được Hội quan tâm, trong quý đầu năm đã cung ứng 518 tấn phân bón và 3,4 tấn giống lúa, trị giá hơn 4,2 tỷ đồng, đảm bảo bà con có vật tư tốt để sản xuất theo kỹ thuật mới. Những nỗ lực này, cùng với việc hỗ trợ xây dựng các mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu đang dần thay đổi diện mạo nông thôn và cách nghĩ của người làm nông.

Bên cạnh đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ HND tỉnh đặt thành mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tại các địa phương, nhiều HVND dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tìm tòi, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con, lĩnh vực mới nhằm đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ kinh tế nông thôn. Đến nay, trong toàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả do nông dân làm chủ như: trồng rau hữu cơ, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp an toàn sinh học, trồng cây ănquả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mô hình homestay...

"Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHKT vào sản xuất còn hạn chế ở một số nơi. Nguyên nhân một phần do nông dân cha mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Điều này cho thấy việc hỗ trợ không chỉ dừng lại ở mở lớp tập huấn, mà quan trọng hơn là làm sao để nông dân thực sự tin tưởng, dám thay đổi tư duy sản xuất cũ, mạnh dạn áp dụng cái mới vào thực tế”, đồng chí Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết.

Để khắc phục hạn chế này và thúc đẩy sự thay đổi tư duy, HND các cấp tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ. Trong đó, thúc đẩy thành lập các tổ, nhóm nông dân cùng sở thích, mô hình phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để mở rộng kênh tiêu thụ, hay tư vấn cải tạo vườn tạp. Qua đó cung cấp kiến thức và kỹ năng, tạo môi trường để nông dân trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, cùng làm kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững hơn.

Thu Hằng


Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/12/201449/Giup-nong-dan-thay-doi-tu-duy-san-xuat.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm