Bài báo khoa học của nhóm tác giả người Việt bị chuyên san quốc tế gỡ bỏ
ẢNH: RETRACTION WATCH FOR VIETNAM
Liên quan đến vụ việc "Nghi ngờ 'tính xác thực', chuyên san quốc tế gỡ bài báo có học sinh đứng tên" mà Thanh Niên phản ánh vài ngày trước, trưa nay (22.5), bà Nguyễn Thị Bích Diệp, Giám đốc điều hành Công ty TNHH giáo dục Chặng Đường IVY (Ivycation) và là một trong hai tác giả liên hệ của bài báo vừa bị gỡ, đã có phản hồi với Thanh Niên qua email.
Email này cũng được bà Diệp đồng thời gửi tới PGS-TS Lê Quang Thảo, tác giả liên hệ còn lại của bài báo và cũng là tác giả đầu. Ông Thảo là giảng viên chính ở khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
"Vai trò của tôi là chia sẻ ý tưởng"
Trong email, bà Diệp cho biết bản thân mình không hề có liên quan đến những học sinh THPT có tên trong bài báo bị gỡ bỏ bởi chuyên san Hệ thống thông minh và mờ (Journal of Intelligent and Fuzzy Systems - JIFS). Bài báo có tên: "Ứng dụng học sâu vào mạng cảm biến không dây để giám sát cảm xúc của học sinh THPT", đã được đăng trực tuyến vào ngày 3.8.2023 và bị gỡ hồi tháng 4 mới đây.
"Tôi khẳng định rằng tôi không có bất kỳ mối liên hệ cá nhân hay học thuật nào với các học sinh được nêu tên trong bài báo. Tôi chưa từng làm việc trực tiếp, giảng dạy hay tư vấn gì cho các em. Đến thời điểm này, tôi cũng chưa có cơ hội được gặp hoặc trao đổi với các em", bà Diệp viết trong email, phủ nhận các đồn đoán trên mạng cho rằng những học sinh chung nhóm tác giả với bà trong các bài báo là khách hàng của bà.
Khi được hỏi về mức độ đóng góp của mình cho công trình này, bà Diệp chia sẻ vai trò của mình trong bài báo là "chia sẻ một số ý tưởng" và "quan sát thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục". Việc triển khai các ý tưởng này và các thao tác kỹ thuật như viết bài là do tập thể tác giả còn lại khai thác, thực hiện, theo bà Diệp. "Tôi không trực tiếp tham gia biên tập nội dung, phân tích dữ liệu hay gửi bài", bà khẳng định.
"Việc bài báo bị rút lại khiến tôi cũng hết sức bất ngờ và đang yêu cầu tác giả chính của bài báo (là PGS-TS Lê Quang Thảo - PV) liên hệ với ban biên tập để tìm hiểu rõ nguyên nhân", bà Diệp viết thêm.
"Tôi rất mong những chia sẻ trên sẽ phần nào giúp làm rõ những đồn đoán ác ý vào tập thể tác giả", bà Diệp nêu.
Trong email, nữ giám đốc cũng bày tỏ hy vọng PGS-TS Lê Quang Thảo hỗ trợ xác nhận những thông tin mà bà vừa đề cập nhằm "góp phần bảo vệ uy tín chung của các bên liên quan". Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Thảo vẫn chưa phản hồi email này. Thanh Niên cũng liên hệ ông Thảo từ hôm 19.5, thời điểm thông tin bài báo bị gỡ bỏ xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Thông báo gỡ bỏ bài báo khoa học và giải thích nguyên nhân của JIFS
ẢNH: JIFS
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, bà Diệp và ông Thảo là tác giả liên hệ của 3 bài báo đăng trên chuyên san JIFS. Trong đó, bài bị gỡ có sự tham gia của 3 tác giả lúc đó là học sinh THPT, gồm L.K.L tại Trường TH-THCS-THPT Reigate Việt Nam (Hà Nội), T.N.B.L tại Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội); N.V.L ở Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Nhóm tác giả còn có sự tham gia của sinh viên D.Đ.C ở khoa Toán-Cơ-Tin học với sinh viên N.C.B ở khoa Vật lý, cùng học ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nơi ông Thảo đang làm việc.
Trong thông báo đăng ngày 19.4, chuyên san JIFS thông tin bài báo bị gỡ xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu làm dấy lên nghi ngờ về "tính xác thực của nghiên cứu và quy trình bình duyệt đằng sau bài báo này".
Các dấu hiệu được liệt kê gồm: "Thao túng trích dẫn, bao gồm các trích dẫn không liên quan đến nội dung bài báo; có những đoạn rối rắm, thừa thãi và các cụm từ bị xuyên tạc (tortured phrases); khả năng có sự tham gia trái phép của bên thứ ba trong quá trình nộp bài; bằng chứng cho thấy có sự thông đồng giữa tác giả và người phản biện nhưng không bị phát hiện trước khi bài được xuất bản; trích dẫn những bài báo đã bị gỡ bỏ do có dấu hiệu can thiệp của bên thứ ba và quy trình bình duyệt bị thao túng".
Chuyên san JIFS không nêu rõ bài báo của nhóm tác giả người Việt có dấu hiệu vi phạm nào. Thanh Niên cũng đã liên hệ Nhà xuất bản Sage, đơn vị quản lý chuyên san JIFS và cũng là đơn vị chịu trách nhiệm gỡ bỏ bài báo, để hỏi về nguyên nhân gỡ bỏ bài báo của nhóm tác giả người Việt, nhưng tới nay cũng chưa nhận được phản hồi.
PGS Lê Quang Thảo nhiều lần nghiên cứu cùng học sinh
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, bài báo bị gỡ mới đây không phải là lần đầu tiên ông Lê Quang Thảo đứng tên cùng học sinh với vai trò tác giả đầu. Riêng trên chuyên san JIFS, nhóm tác giả của ông Thảo xuất bản thêm 3 bài khác nữa (trừ bài đã bị gỡ).
Trong đó, bài báo: "Chiến lược học sâu theo mô hình FightNet: Giải pháp đổi mới nhằm ngăn chặn bạo lực học đường" có nhóm tác giả là ông Thảo, bà Diệp, N.C.B và học sinh N.Đ.H.G từ Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), học sinh L.K.L (tác giả trong bài vừa bị gỡ - PV). Bài báo này xuất bản ngày 2.8.2023, một ngày trước khi bài báo mới bị gỡ được xuất bản.
Còn ở bài báo: "Tối ưu hóa việc làm sạch nhà vệ sinh trường học bằng mạng cảm biến không dây và mô hình LSTM", ngoài ông Thảo, bà Diệp, N.C.B, L.K.L thì còn có 2 học sinh khác: N.H.M.H ở Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và N.T.H.M ở TH School (Hà Nội). Nhóm tác giả còn có tiến sĩ N.D.T, nghiên cứu viên chung đơn vị ông Thảo; N.H.T.D, sinh viên ĐH Massachusetts (Mỹ); và D.Đ.C.
Bài báo này được xuất bản vào ngày 8.5.2023, cũng là bài báo đầu tiên mà ông Thảo, bà Diệp xuất bản trên chuyên san JIFS.
Ngoài ra, ông Thảo còn xuất bản bài báo "Bbcry: Mô hình học sâu nhẹ để phân loại tiếng khóc trẻ sơ sinh" trên chuyên san JIFS với vai trò tác giả đầu kiêm tác giả liên hệ, không còn đồng hành với bà Diệp. Bài báo khoa học này ông đứng tên chung với N.C.B, D.Đ.C và L.K.L, được xuất bản vào ngày 5.8.2023 - hai ngày sau khi bài báo mới bị gỡ được xuất bản.
Như vậy, chỉ trong năm 2023, học sinh L.K.L đã tham gia xuất bản tổng cộng 4 bài báo khoa học trên cùng một chuyên san. Theo trang tác giả trên ResearchGate, học sinh này cho biết đã nhập học vào một trường ĐH tại Hà Nội từ tháng 9.2024 và hiện đang là sinh viên trường này. Đồng nghĩa, học sinh L.K.L xuất bản 4 bài báo khi chỉ là học sinh lớp 10.
Nhiều bài báo khoa học do PGS-TS Lê Quang Thảo làm tác giả đầu có sự tham gia của học sinh THPT ở Hà Nội, Nghệ An...
ẢNH MINH HỌA: GEMINI
Ngoài chuyên san JIFS, ông Thảo còn là tác giả đầu của một bài báo khoa học đăng trên chuyên san Sensors and Actuators A: Physical (tạm dịch: Cảm biến và cơ cấu chấp hành A: Vật lý) thuộc nhà xuất bản Elsevier. Bài báo này có tên "Giám sát và cải thiện sự tập trung của học sinh sử dụng học sâu và mạng cảm biến không dây", đăng tháng 1.2024.
Trong danh sách nhóm tác giả cũng có nhiều cái tên quen thuộc gồm học sinh N.H.M.H, sinh viên N.C.B và sinh viên D.Đ.C. Bài báo cũng có hai tác giả khác là học sinh THPT, gồm P.X.B và L.P.M.H, cùng học ở Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam.
Theo dữ liệu từ các nhà xuất bản, PGS-TS Lê Quang Thảo còn nhiều bài báo khác đứng tên cùng học sinh THPT, như "Triển khai học sâu trên thiết bị biên để phát hiện và giảm tiếng ngáy" đăng tháng 11.2024 có hai tác giả là học sinh từ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Hà Nội); bài báo "Tăng cơ hội tái sử dụng linh kiện trên bảng mạch in bằng học sâu" có tới hai tác giả đều đang học ở Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, đăng tháng 12.2024...
Những bài báo này được đăng trên các chuyên san khác nhau.
Mặt khác, sinh viên N.C.B và sinh viên D.Đ.C từng được Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) trao giải nhất trong Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường vào năm 2023. Hai sinh viên này từng tham gia xuất bản nhiều bài báo khoa học cùng ông Thảo trong các kỷ yếu và chuyên san khác nhau, theo dữ liệu từ ResearchGate.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ông Thảo đạt chuẩn PGS ngành vật lý vào năm 2024 và hiện là giảng viên chính ở khoa Vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn PGS, ông Thảo cho hay đã công bố 31 bài báo khoa học, trong đó có 19 bài đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín, với hướng nghiên cứu chủ yếu là tối ưu hóa mạch điện phần cứng, kỹ thuật phần mềm trong các hệ thống điều khiển thích nghi và xử lý dữ liệu trong các hệ thống nhúng thông minh.
Trước đó, PGS Trần Quốc Bình, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nói với Thanh Niên rằng khi biết việc PGS Thảo có bài báo bị chuyên san JIFS rút, nhà trường đã nhắc nhở ông. Tuy nhiên, việc bị rút bài báo chỉ là dấu hiệu bên ngoài, còn bản chất sự việc như thế nào (vì sao bị rút, chất lượng bài báo ra sao...) thì nhà trường sẽ làm việc cụ thể với ông Thảo.
Cũng theo tìm hiểu của Thanh Niên, năm ngoái PGS Thảo đã bị lãnh đạo trường nhắc nhở gián tiếp (thông qua lãnh đạo các phòng, ban liên quan). Lý do là PGS Thảo đã có một số biểu hiện mà theo giới chuyên môn là "có vấn đề" như: xin đi nước ngoài nhiều để làm việc riêng mà thực chất là đưa học sinh đi dự thi các cuộc thi khoa học kỹ thuật, số lượng bài công bố quốc tế tăng nhanh, chủ đề nghiên cứu tản mạn...
Nguồn: https://thanhnien.vn/go-bai-bao-co-hoc-sinh-dung-ten-tac-gia-la-giam-doc-noi-khong-lien-quan-185250522140300981.htm
Bình luận (0)