Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gỡ ‘điểm nghẽn’ do quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) - Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu các ý kiến phản ánh liên quan đến những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ quy định pháp luật trong các văn bản luật và nghị định, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật trong thời gian tới.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ17/07/2025

Gỡ ‘điểm nghẽn’ do quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đã chủ trì Hội thảo “Phản ánh khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật qua thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và đề xuất phương án xử lý”.

Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến rộng rãi và thực chất từ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong thời gian tới.

Nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo

Tại hội thảo, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp nêu các ý kiến về những khó khăn, vướng mắc lớn theo 3 nhóm vấn đề: Quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong cùng một VBQPPL hoặc giữa các VBQPPL; Quy định của VBQPPL không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau, không hợp lý, không khả thi, gây khó khăn trong áp dụng, thực hiện pháp luật; Quy định của VBQPPL tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, chưa có quy định hoặc có quy định của VBQPPL nhưng hạn chế việc đổi mới sáng tạo, phát triển động lực tăng trưởng mới, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế.

Đồng thời, hiến kế, đề xuất phương án xử lý những khó khăn, vướng mắc trên theo những hướng mà Nghị quyết số 206/2025/QH15 đã quy định.

Nêu những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật qua hoạt động thực tiễn của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Đại tá Phan Thị Loan, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Viettel cho hay, vẫn còn nhiều quy định của VBQPPL không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến khó khăn trong áp dụng, thực hiện pháp luật.

Chẳng hạn hiện nay, Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn không có định nghĩa về "mục tiêu chính" cũng như cách xác định "mục tiêu chính" của dự án đầu tư ra nước ngoài, không có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài trước ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực (01/01/2021) mà chưa thực hiện xác định, phân chia rõ "mục tiêu chính" và "mục tiêu không phải là mục tiêu chính" trong giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thì khi nhà đầu tư triển khai mục tiêu mới sẽ phải làm những gì, trình tự, thủ tục như thế nào?

Hiện Viettel có 07/10 thị trường có giấy chứng nhận đầu tư được cấp phép trước năm 2020, trong giấy chứng nhận chỉ ghi là "Mục tiêu", điều này khiến Viettel gặp khó khăn khi xác định trách nhiệm đăng kỳ điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Do đó, đề xuất nghiên cứu, ban hành nội dung hướng dẫn về mục tiêu chính của dự án đầu tư ra nước ngoài để các doanh nghiệp có căn cử triển khai trên thực tế.

Gỡ ‘điểm nghẽn’ do quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp- Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Hay như về hoạt động đặt trạm BTS trên đất công còn bất cập. Mặc dù Nghị định 114/2024/NĐ-CP và Nghị định 50/2025/NĐ-CP đã tháo gỡ được vướng mắc của Viettel, tuy nhiên một số quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hóa đơn, mức thu nộp vẫn gây khó khăn, vướng mắc…

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) cho rằng, có sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các quy định pháp luật. Qua rà soát, PVN nhận thấy nhiều quy định ở các lĩnh vực trọng yếu có ảnh hưởng đến hoạt động của PVN như quy định về quản trị doanh nghiệp, xác định hoạt động dầu khí, quy trình mua bán điện với đối tác nước ngoài, ký quỹ đối với dự án doanh nghiệp nhà nước được giao thực hiện đầu tư, đánh giá tác động môi trường đối với dự án dầu khí..., còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu sự liên thông giữa các luật và văn bản dưới luật.

Do đó, đại diện Tập đoàn PVN đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như sớm có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về tiêu chuẩn, thủ tục, thẩm quyền trong các lĩnh vực đầu tư, quản trị doanh nghiệp, chuyển giao dự án, để doanh nghiệp chủ động triển khai dự án, giảm rủi ro tranh chấp pháp lý; xây dựng, hoàn thiện khung chính sách ưu đãi đặc thù cho các lĩnh vực mới, ngành nghề trọng điểm (dầu khí phi truyền thống, LNG, hydrogen, năng lượng tái tạo...), tạo động lực cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh…

Phối hợp rà soát, gỡ vướng các quy định pháp luật

Gỡ ‘điểm nghẽn’ do quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp- Ảnh 3.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Cũng tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành đã trả lời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Đồng thời cho biết, sẽ tiếp tục có những sửa đổi, góp ý, thẩm định để hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đánh giá cao các ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, cho rằng đây sẽ là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật, trình Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật trong thời gian tới.

Trên cơ sở các phản ánh từ thực tiễn, có thể nhận thấy rằng việc chỉ đạo công tác rà soát, xác định những khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật trong thời gian qua là hết sức kịp thời, đáp ứng trúng nhu cầu của người dân và cộng đồng doanh nghiệp chúng ta.

Mặc dù đây là nhiệm vụ rất lớn và thách thức, Bộ Tư pháp sẽ phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần thiết thực vào việc tháo gỡ "điểm nghẽn" do quy định pháp luật trong thời gian tới.

Từ các ý kiến phản ánh từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, có thể thấy rằng nhiều bất cập, vướng mắc được các doanh nghiệp phản ánh không chỉ xuất phát từ nội dung quy định pháp luật mà còn nằm ở cả khâu tổ chức thực thi pháp luật. Không ít quy định pháp luật tuy đã được ban hành đầy đủ nhưng việc triển khai áp dụng lại chưa đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các cấp, các ngành… Do vậy, cùng với việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, bản thân khâu tổ chức thực thi pháp luật cũng cần tiếp tục được nghiên cứu để cải thiện.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị, sau hội thảo, các tập đoàn, doanh nghiệp rà soát, chọn lọc các kiến nghị để gửi lại Bộ Tư pháp qua Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý hoặc qua Cổng Pháp luật quốc gia trong tuần này để Bộ Tư pháp kịp thời tổng hợp vào báo cáo.

Đồng thời, đề nghị các đơn vị xây dựng pháp luật và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến phản ánh liên quan đến những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ quy định pháp luật trong các văn bản luật và nghị định, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật trong thời gian tới…

Diệu Anh


Nguồn: https://baochinhphu.vn/go-diem-nghen-do-quy-dinh-cua-phap-luat-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-10225071713443243.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm