Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển hơn 16.800 sản phẩm OCOP

Ngày 15/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn Cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa15/07/2025

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển hơn 16.800 sản phẩm OCOP

Lãnh đạo FAO toàn cầu và lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp châu Phi, châu Á thăm gian hàng triển lãm OCOP tại Diễn đàn cấp cao liên khu vực. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh diễn đàn kết nối các nỗ lực toàn cầu và khu vực nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (One Commune One Product - OCOP) của Việt Nam, cũng như sáng kiến toàn cầu của FAO hướng đến mục tiêu chung “Bốn tốt hơn”: Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tầm nhìn của Việt Nam về OCOP là xây dựng chuỗi giá trị bền vững, cạnh tranh và bao trùm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân. OCOP không chỉ là thương hiệu mà là mô hình tích hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng trong hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực, kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường.

Đến tháng 6/2025, Việt Nam đã có 16.855 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,8% sản phẩm 3 sao, 26,7% sản phẩm 4 sao, 126 sản phẩm 5 sao. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường, qua đó góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển hơn 16.800 sản phẩm OCOP

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Môi trường)

Tại diễn đàn, lần đầu tiên một sự kiện trao đổi kiến thức giữa các quốc gia châu Phi và Việt Nam về chương trình OCOP đã được tổ chức, mở ra một không gian hợp tác mới giữa các nước đang phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định việc thiết lập mạng lưới và cơ chế chia sẻ thông tin về chính sách, công nghệ và thị trường giữa các quốc gia Nam - Nam sẽ hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP một cách bền vững.

“Để cùng nhau phát triển Chương trình OCOP gắn với mục tiêu ‘Bốn tốt hơn’ của FAO, các quốc gia cần tăng cường hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cho các nhà quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, đặc biệt chú trọng đến nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ, người lớn tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, tôi khuyến khích thí điểm mô hình hợp tác công - tư - cộng đồng nhằm huy động các nguồn lực tài chính, kỹ thuật và tri thức bản địa phục vụ phát triển nông thôn và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Với những kinh nghiệm thực tiễn, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thúc đẩy kết nối Nam-Nam, chia sẻ cách làm, công nghệ và chính sách để nâng cao giá trị sản phẩm nông thôn, hướng đến mục tiêu “Bốn Tốt hơn” vì người dân, vì hành tinh, vì sự thịnh vượng và vì hòa bình.

Đánh giá cao chương trình OCOP của Việt Nam, bà Beth Bechdol, Phó Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh sáng kiến này không chỉ là động lực phát triển kinh tế địa phương mà còn là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Việc đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng chống chịu và thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa các quốc gia là chìa khóa để châu Á và châu Phi cùng hành động, cùng tiến về phía trước.

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển hơn 16.800 sản phẩm OCOP

Các đại biểu quốc tế tham dự Diễn đàn Cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Môi trường)

Ở châu Á-Thái Bình Dương, các văn phòng FAO đang tích cực hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP, nâng cao năng lực địa phương và đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ra thị trường toàn cầu. OCOP đang dần trở thành một trụ cột chiến lược trong phát triển kinh tế nông thôn khu vực.

Thông qua sáng kiến Sáng kiến Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên (phiên bản OCOP quốc tế), tổ chức FAO đang thúc đẩy phát triển 56 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân và phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa từng địa phương.

“Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ các quốc gia châu Phi trong cuộc chiến chống đói nghèo và suy dinh dưỡng. Thông qua hợp tác ba bên, chúng ta có thể cùng nhau biến những thách thức tại châu Phi thành cơ hội phát triển, cùng nhau xây dựng mạng lưới lương thực thực phẩm xanh, minh bạch và bền vững,” Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh trong video thông điệp tại diễn đàn./.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/viet-nam-chia-se-kinh-nghiem-xay-dung-va-phat-trien-hon-16-800-san-pham-ocop-254924.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm