Căn nhà chưa đầy 60m² và niềm tin lớn
Giữa ngổn ngang gạch đá và khung cột bê tông, ông K’Tôs (52 tuổi, thôn Kao Kuil, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) mỉm cười khi nhìn căn nhà đang dần hình thành. Căn nhà chưa đầy 60m², nhưng đủ để ông, vợ và 7 người con không còn phải che mưa bằng tấm bạt rách.
“Vui lắm. Có nhà rồi, yên tâm hơn nhiều. Giờ chỉ mong các con được học hành tới nơi tới chốn”, ông nói, mắt ánh lên niềm hy vọng.
![]() |
Dự kiến cuối tháng 5, căn nhà của gia đình ông K’Tôs được đưa vào sử dụng. |
Trước đây, ông K’Tôs từng có 8 sào cà phê nhưng đã chia hết cho các con theo phong tục. Không còn đất canh tác, ông đi làm thuê, thu nhập ngày vài trăm nghìn đồng. Gia đình sống tằn tiện để nuôi con ăn học. Căn nhà mới được dựng lên từ khoản vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội - một quyết định ông phải đắn đo rất lâu.
“Ở chòi tạm, mưa dột khắp nơi, sao mà tính chuyện lâu dài. Có nhà rồi, mới dám mơ tới tương lai”, ông chia sẻ.
![]() |
Căn nhà của gia đình ông K’Tôs hiện tại - nơi sinh sống của 9 người. |
Cách nhà ông K’Tôs không xa, chị K’Hes (30 tuổi, Bí thư chi đoàn thôn Duệ) vừa rửa rau vừa kể về mái nhà mới dựng được hơn 4 tháng. Trước kia, cả gia đình bốn người chen chúc trong căn nhà cấp bốn cũ nát, mùa mưa phải canh từng chậu nước vì dột tứ phía.
“Nhờ xã làm giúp sổ đỏ miễn phí, rồi được huyện hỗ trợ thêm 60 triệu đồng, mình mới dựng được nhà mới. Trẻ con có chỗ chơi, vợ chồng đỡ lo hơn nhiều”, chị nói, tay vẫn thoăn thoắt bên bồn nước inox mới lắp.
![]() |
Căn nhà của gia đình chị K’Hes cũng đang được gấp rút thực hiện. |
Nút thắt mang tên… pháp lý
Theo ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, trong năm 2024, toàn huyện đã xây mới và sửa chữa gần 300 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Tuy nhiên, đằng sau những căn nhà ấy là không ít câu chuyện chưa kể, đặc biệt là vấn đề pháp lý đất đai.
“Nhiều hộ nghèo, cận nghèo có đất ở nhưng không có sổ đỏ vì đất do cha mẹ, người thân cho lại, chưa tách thửa, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Không có sổ, họ không thể xây nhà hợp pháp, càng không thể tiếp cận các gói hỗ trợ nhà ở theo chính sách”, ông Nhuần lý giải.
![]() |
Năm 2025, huyện Di Linh đặt mục tiêu hoàn thành xây mới hoặc sửa chữa 102 căn nhà cho người dân khó khăn. |
Khó khăn hơn, các hộ cận nghèo lại không được miễn giảm chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khiến hành trình hợp thức hóa đất ở càng gian nan hơn. Trước thực trạng đó, Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện Di Linh đã chủ động tìm hướng tháo gỡ.
Ngoài các nguồn vốn trung ương và tỉnh, huyện Di Linh còn trích kinh phí vận động xã hội hóa để hỗ trợ người dân làm sổ đỏ. Mỗi hộ được hỗ trợ 10-15 triệu đồng để chi trả các thủ tục hành chính như tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, hợp thức hóa giấy tờ nhà đất.
“Chỉ khi có sổ đỏ, người dân mới đủ điều kiện để tham gia chương trình hỗ trợ nhà ở. Gỡ được nút thắt pháp lý, hành trình xóa nhà tạm mới không bị dở dang giữa chừng”, ông Nhuần nhấn mạnh.
![]() |
Năm 2025, huyện Di Linh đặt mục tiêu hoàn thành xây mới hoặc sửa chữa 102 căn nhà cho người dân khó khăn, trong đó hơn 60% đã được khởi công. Mục tiêu là hoàn thành toàn bộ trước tháng 6/2025 - thời điểm huyện chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp.
Hành trình giúp dân nghèo có mái nhà kiên cố, vì thế, không chỉ cần những viên gạch và bao xi măng, mà còn cần thêm cả những chính sách linh hoạt, thấu hiểu từ chính quyền để không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình an cư, lạc nghiệp.
Nguồn: https://tienphong.vn/go-nut-that-so-do-de-dan-ngheo-co-chon-an-cu-post1743850.tpo
Bình luận (0)