Không đơn thuần là những thay đổi cơ học trên bản đồ hành chính, việc sắp xếp một cách khoa học, kỹ lưỡng đã đem đến hy vọng về không gian và thời cơ phát triển mới.
Hồng Hà - tương lai của đô thị sông Hồng
Từ bao đời nay, sông Hồng đã là mạch nguồn sự sống, là chứng nhân cho bao thăng trầm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Dải đất bồi ven sông, với những đặc trưng địa hình, cảnh quan riêng biệt, mang trong mình tiềm năng phát triển to lớn nhưng cũng không ít thách thức trong công tác quản lý. Sự manh mún về địa giới hành chính, sự chồng chéo trong quản lý giữa các quận nội thành đã phần nào kìm hãm sự phát triển đồng bộ, gây ra những bất cập về hạ tầng, trật tự xã hội và đời sống dân sinh.
Giờ đây, triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp, Hà Nội đã mạnh dạn thực hiện một cuộc "tái cấu trúc" không gian hành chính đầy táo bạo.
Phường Hồng Hà, một tên phường mới hoàn toàn nhưng rất ý nghĩa được hình thành gồm toàn bộ diện tích và dân số các phường: Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); Phúc Xá (quận Ba Đình); một phần diện tích và dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ); Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên). Phường có quy mô 16,61 km² và dân số 126.000 người.

Việc hợp nhất các khu vực dân cư, diện tích tự nhiên dọc theo trục sông Hồng thành phường Hồng Hà là một minh chứng sống động cho tư duy quy hoạch đột phá, đặt yếu tố địa lý tự nhiên, trục giao thông huyết mạch làm nền tảng cho sự phát triển. Sông Hồng không còn là ranh giới chia cắt, mà trở thành sợi chỉ đỏ kết nối, là trung tâm của một không gian đô thị mới, năng động và giàu tiềm năng.
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội sắp xếp không gian hành chính để phục vụ cho mục tiêu phát triển. Trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã nhiều lần thay đổi địa giới, sáp nhập, chia tách để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, lần này, chúng ta chứng kiến một bước tiến về chất, khi việc sắp xếp không chỉ dừng lại ở việc "gom" hay "chia", mà còn hướng đến việc kiến tạo một không gian phát triển mới, dựa trên những lợi thế sẵn có về địa lý và quy hoạch.
Việc hình thành phường Hồng Hà, với quy mô diện tích và dân số đáng kể, không chỉ giải quyết những bất cập trong quản lý hành chính, mà còn mở ra một không gian phát triển đầy hứa hẹn. Khu vực ngoài đê sông Hồng, vốn có nhiều dư địa phát triển về đô thị, dịch vụ, du lịch và văn hóa, giờ đây sẽ được quản lý một cách thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Hãy hình dung về một tương lai không xa, khi phường Hồng Hà vươn mình trở thành một khu đô thị hiện đại, năng động, với những công trình kiến trúc hài hòa bên dòng sông lịch sử, với những tuyến giao thông kết nối thuận tiện, với những không gian xanh mát, những tiện ích công cộng văn minh. Nơi đây không chỉ là nơi an cư lạc nghiệp của hàng chục nghìn người dân, mà còn là một điểm đến hấp dẫn về văn hóa, du lịch, góp phần làm phong phú thêm diện mạo của Thủ đô.
Tuân thủ nguyên tắc, phát huy sáng tạo
Với 526 phường, xã, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã, Hà Nội là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã nhiều thứ hai cả nước, chỉ sau tỉnh Thanh Hóa. Thực tế này cho thấy phần nào sự khó khăn trong việc sắp xếp; bởi yêu cầu mà Trung ương đề ra không đơn thuần là giảm khoảng 60-70% số đơn vị hiện có, mà thông qua sắp xếp, mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, chủ động hướng về nhân dân để phục vụ tốt hơn; đồng thời, mở ra không gian phát triển mới.
Nhận thức rõ tính cấp thiết của vấn đề, ngay từ khi xây dựng Đề án và xem xét từng phương án sắp xếp cụ thể, Thành ủy, UBND thành phố đã phát huy trí tuệ tập thể, tổ chức thảo luận nhiều cấp, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để vừa bảo đảm thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, vừa phù hợp với thực tiễn Thủ đô và đem lại hiệu quả cao nhất.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh, thành phố luôn bám sát sự lãnh đạo của Trung ương và văn bản, kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tuân thủ Hiến pháp, trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.
Thành phố xác định rõ, các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp phải có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, Hà Nội đã tính đến yếu tố quy hoạch nhằm sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở mới được hình thành đi theo các trục đường giao thông chính, ranh giới tự nhiên như: Sông ngòi, đường phân thủy, đường tụ thủy...
Trao đổi vấn đề này với cử tri, lãnh đạo thành phố đều đã nêu rõ tinh thần nêu trên. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: Nguyên tắc cốt lõi của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính là hướng tới tương lai phát triển bền vững và vì lợi ích thiết thực của người dân. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ thống chính quyền cấp xã gần gũi với nhân dân, tạo dựng không gian phát triển tối ưu và nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại lịch sử, như tình trạng địa giới hành chính phức tạp, "cài răng lược"...
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nêu rõ, điểm nhấn trong phương án sáp nhập phường, xã lần này là việc tổ chức các khu vực trục động lực phát triển và các yếu tố đặc thù, đặc biệt nằm trọn trong một đơn vị hành chính cơ sở mới.

Phương án thuyết phục, hợp lòng dân
Trên các nguyên tắc và định hướng sắp xếp rõ ràng, khoa học, Hà Nội đã hình thành phương án sắp xếp từ 526 phường, xã, thị trấn để hình thành 126 phường, xã mới; giảm hơn 76% số đơn vị hành chính cấp xã. Trong các đơn vị hành chính mới, nơi có dân số đông nhất là phường Hồng Hà (126.000 người), còn nơi có diện tích rộng nhất là xã Ba Vì (81,29 km2).
Xã Minh Châu (huyện Ba Vì) là đơn vị hành chính nằm biệt lập được giữ nguyên nên có dân số nhỏ nhất (hơn 6.600 dân), còn phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) có diện tích nhỏ nhất với 1,65 km2. Xét riêng trong nội đô, phường có diện tích lớn nhất là Long Biên với 19,15 km2.
Nhìn tổng thể, việc sắp xếp không chỉ trong nội bộ mỗi quận, huyện, thị xã với nhau. Thành phố đã sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở mới bám sát quy hoạch, cũng như các trục đường giao thông và các ranh giới tự nhiên. Thông qua đó, việc sắp xếp đã giải quyết dứt điểm tình trạng "tréo ngoe" tồn tại bao năm qua khi “nhà ở một phường/xã, người lại thuộc phường/xã khác”.
Những phần diện tích hoặc dân cư nằm lẻ loi bên ngoài ranh giới các trục đường hay cây cầu đều được điều chỉnh để diện tích và dân cư các phường mới đều nằm trọn trong các vành đai là các trục đường giao thông. Đơn cử như phương án sắp xếp ở phạm vi quận Long Biên, một phần diện tích và dân cư của hai xã Cổ Bi và Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm đã được chuyển về các phường mới là Phúc Lợi và Long Biên.
Một điểm nhấn nữa trong phương án sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở của Hà Nội là đã bảo tồn các không gian có ý nghĩa chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa quan trọng như khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, Cổ Loa, Sơn Tây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
Khu vực phố cổ, nơi lưu giữ dấu ấn hình thành Thăng Long - Hà Nội với các quần thể di tích, kiến trúc đặc sắc hiện được bố trí nằm trọn trong phường Hoàn Kiếm, bảo đảm sự thống nhất. Không gian các làng nghề truyền thống tiêu biểu như Bát Tràng, Vạn Phúc; các khu vực di tích tâm linh lớn như chùa Hương, đền thờ Hai Bà Trưng; các thiết chế văn hóa lớn như khu Liên hợp thể thao quốc gia; các khu đô thị... cũng được tính toán chu toàn để bảo đảm không gian nhất quán, không bị chia cắt ảnh hưởng đến công tác quản lý, xây dựng và phát triển.
Đối với hồ Tây, hiện nay thuộc địa bàn nhiều phường cùng quản lý, sau sắp xếp, sẽ nằm trọn trong địa giới đơn vị hành chính cơ sở hồ Tây, nên có thể nói, sắp xếp lần này chính là cơ hội chuyển mình cho các địa phương, vừa khắc phục hạn chế, vừa mở ra cơ hội phát triển mới.
Những ngày qua, Hà Nội đã triển khai lấy ý kiến nhân dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Hầu hết các phương án ở 30 quận, huyện, thị xã đều được người dân đón nhận và đồng ý với tỷ lệ rất cao. Điều này cho thấy ý tưởng và sự dày công nghiên cứu xây dựng phương án sắp xếp của các cơ quan thành phố đã được đón nhận. Nhiều nơi như các quận, huyện: Tây Hồ, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ thậm chí đã hoàn thành bước thông qua phương án tại HĐND.
Có thể nói, sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Hà Nội trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cơ sở, gắn liền với các yếu tố địa lý, giao thông... không chỉ là một giải pháp quản lý hiệu quả, mà còn tạo ra năng lượng mới cho Thủ đô phát triển. Điều này còn cho thấy một Hà Nội năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ha-noi-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-tao-khong-gian-phat-trien-moi-700252.html
Bình luận (0)