Chênh lệch lớn
Điểm chuẩn vào lớp 10 trường công ở Hà Nội năm nay ghi nhận mức độ chênh lệch lớn nhất trong nhiều năm qua giữa trường top đầu ở nội thành và một số trường ngoại thành.
Sự phân hóa điểm chuẩn giữa các trường, cùng với những thay đổi về cách tính điểm, chương trình học và cơ cấu chỉ tiêu cùng sự phân bố của mạng lưới trường công lập khiến kỳ thi vào lớp 10 ở thủ đô vẫn là thử thách lớn với học sinh và phụ huynh.
Điểm chuẩn đầu vào các trường công lập ở Hà Nội năm nay có mức chênh lệch cao nhất trong các năm trở lại đây
Ảnh: Tuấn Minh
Đ.H.V là một học sinh thuộc diện xuất sắc ở trường THCS và mức điểm vào lớp 10 cũng rất cao, với 25,25 điểm (ngữ văn 7,75, tiếng Anh 8,75, toán 8,75) nhưng vẫn không đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông vì năm nay trường này có mức điểm chuẩn là 25,5.
Trung bình gần 8,5 điểm/môn là mức điểm quá cao nhưng vẫn không được vào trường mơ ước, nên dù an ủi cách nào cũng không thể không buồn và tiếc nuối.
Bà Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (P.Hoàn Kiếm, Hà Nội), chia sẻ cứ vào dịp báo điểm thi tuyển sinh lớp 10, tâm trạng của bà lại "chia hai nửa". Nửa vui với các con đạt được như ý, nửa chùng xuống với những con kém may mắn.
"Có phụ huynh gọi điện đến nhờ cô động viên con em. Bạn ấy vẫn khóc vì thiếu 0,25 điểm vào Trường THPT Việt Đức", bà Hà nói.
Thực tế, mùa tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội năm nào cũng vậy, cũng có hàng trăm học sinh "trượt" vì 0,25 điểm tức tưởi như thế.
Dữ liệu điểm thi cho thấy, nếu hạ 0,25 điểm chuẩn, sẽ có thêm hàng trăm em trúng tuyển. Do vậy, nhiều năm nay, Hà Nội tính toán kỹ phương án điểm chuẩn để hạn chế tối đa tuyển bổ sung.
Năm nay, ghi nhận áp lực vào trường công nói chung đã giảm hơn so với nhiều năm trở lại đây do chỉ tiêu vào lớp 10 công lập được giao tăng khoảng hơn 3% so với năm trước. Dù vậy, tâm trạng căng thẳng vẫn xảy ra ở các trường top đầu.
Theo bảng điểm chuẩn vào lớp 10 trường THPT công lập năm học 2025 - 2026 do Sở GD-ĐT Hà Nội công bố, trong số 115 trường công lập không chuyên, có hơn 90 trường điểm chuẩn giảm so với năm học trước.
Mức giảm dao động từ 0,3 đến 8,4 điểm, tùy trường. Trường giảm nhiều nhất là Trường THPT Thọ Xuân, với tổng điểm đầu vào chỉ còn 10 điểm, tương đương trung bình 3,33 điểm/môn - trong khi năm trước là 30,75 điểm.
Các trường THPT như Ứng Hòa A, Phúc Lợi, Thạch Bàn… cũng giảm trên 4 điểm. Nhiều trường nhóm giữa như Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan hay Vạn Xuân giảm từ 2 - 3 điểm.
Đáng chú ý là có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm trường. Điểm chuẩn cao nhất là 25,5 điểm (trung bình 8,5 điểm/môn) thuộc về các trường THPT Kim Liên và Lê Quý Đôn - Hà Đông.
Ngoài ra, để trúng tuyển vào nhóm 11 trường tốp đầu khác (điểm từ 23,75 trở lên), thí sinh phải đạt trung bình gần 8 điểm mỗi môn.
Dù điểm chuẩn tăng hay giảm, vị trí điểm chuẩn "khủng" từ hàng chục năm nay vẫn gọi tên các trường như THPT Yên Hòa, Việt Đức, Phan Đình Phùng, Nguyễn Gia Thiều.
Trong khi đó, nhóm trường có điểm chuẩn thấp nhất chỉ là 10 điểm. Như vậy, chênh lệch giữa trường cao nhất và thấp nhất lên tới 15,5 điểm, khoảng cách lớn nhất nhiều năm qua.
Trong nhóm 11 trường có điểm chuẩn dưới 13,5 điểm, phần lớn thuộc khu vực ngoại thành. Có tới 28 trường lấy điểm chuẩn dưới mức trung bình (dưới 15 điểm), cho thấy cơ hội vào lớp 10 công lập đã mở rộng, nhưng cũng đặt ra bài toán về sự chênh lệch chất lượng đầu vào giữa các trường.
Trường phải tuyển nguyện vọng "tràn" nói gì?
Năm nay, Trường THPT Lưu Hoàng được Sở GD-ĐT Hà Nội giao tuyển 495 học sinh lớp 10 nhưng nguyện vọng 1 chỉ có 447 em đăng ký.
Trong khi đó, số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng thường được gọi là nguyện vọng dự phòng lên tới 5.000 em.
Tương tự, Trường THPT Minh Quang (Ba Vì) hằng năm luôn có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển tất cả các nguyện vọng lên con số hàng nghìn nhưng luôn chật vật để tuyển sinh đủ chỉ tiêu.
Nhiều học sinh phải chọn học xa nhà để được vào trường công lập
Ảnh: Tuấn Minh
Năm nay, trường này có điểm trung bình môn 3,33 và năm trước cũng có mức điểm chuẩn trung bình là 3,4 điểm/môn, phải tuyển đến nguyện vọng "tràn" mới đủ chỉ tiêu.
Một số học sinh đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 ở những trường này để đảm bảo an toàn để "chắc suất" vào trường công.
Do vậy, không ít trường hợp ở nội thành, cách trường gần 100 km nhưng vẫn đăng ký nguyện vọng 3 ở những trường này, thậm chí phải thuê trọ gần trường để học.
Lý giải điểm chuẩn thấp, thầy Hoàng Chí Sỹ, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng, cho rằng do đặc thù dân cư tại khu vực, trường nằm ở phía nam H.Ứng Hòa (cũ), nơi có đặc thù dân cư thưa thớt, số lượng học sinh ít trong khi số lượng trường THPT lại tăng lên.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh trong khu vực thường làm ăn xa hoặc sinh sống tại nội thành, kéo con em đi theo, khiến lượng học sinh còn lại trên địa bàn cũng giảm đi.
Điều này dẫn đến thực tế các trường trong khu vực như Trường THPT Lưu Hoàng thường thiếu chỉ tiêu so với nhu cầu, nên vẫn có thể tuyển đủ học sinh thông qua các nguyện vọng bổ sung (nguyện vọng 2, nguyện vọng 3).
Thầy Nguyễn Mạnh Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường, đánh giá điểm chuẩn vào 10 của trường dù thấp nhưng chưa hẳn phản ánh chất lượng thực sự.
Năm 2024, Trường THPT Đại Cường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 450 học sinh lớp 10, nhưng chỉ có 294 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.
Vì vậy, nhà trường phải trông chờ thêm vào học sinh từ nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 không chỉ trong huyện mà còn từ các khu vực khác như Thường Tín, Hoàng Mai, Thạch Bàn, Gia Lâm…
Dù vậy, điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2025 - 2026 ghi nhận xu hướng giảm ở nhiều trường, song không hẳn là dấu hiệu cho thấy áp lực kỳ thi giảm.
Việc điểm chuẩn quá cao vào những trường nội thành khiến học sinh ở khu vực này phải chọn trường xa cách nhà tới gần trăm cây số và phải trọ học, miễn là học tại trường công lập đã cho thấy phần nào thực tế trên.
Việc chỉ được đăng ký 3 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 phải cộng thêm 1 đến 2 điểm để xét, khiến phần lớn học sinh chỉ có một cơ hội "thực sự" để vào trường mong muốn.
Sự phân bố chỉ tiêu, mạng lưới trường học và chất lượng dạy học vẫn còn khoảng cách giữa các khu vực. Đây là nguyên nhân khiến áp lực thi vào lớp 10 khó có thể giảm trong thời gian ngắn.
Giải pháp hữu hiệu nhất, không có cách nào khác, vẫn là phải xây thêm trường THPT công lập ở khu vực nội đô và những nơi có tốc độ đô thị hóa và dân số tăng cơ học quá nhanh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hai-thai-cuc-diem-chuan-dau-vao-lop-10-o-ha-noi-185250715200125371.htm
Bình luận (0)