Hậu quả nặng nề
Năm 2024 được xem là một trong những năm hạn hán khốc liệt nhất tại tỉnh Đắk Nông trong vòng nhiều năm qua. Ngay từ đầu năm, tình trạng thiếu mưa kéo dài khiến hàng ngàn ha cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi nguồn nước sinh hoạt ở nhiều địa phương dần cạn kiệt, gây khó khăn lớn cho đời sống người dân.
Tại các huyện như Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil và Đắk R’lấp, nhiều diện tích cây trồng bị khô hạn dẫn đến giảm năng suất từ 30 - 70% so với các năm trước. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là cà phê, kế đến là các loại cây ngắn ngày.

Ông Đặng Xuân Đoài, thôn 15, xã Đắk D'rông, huyện Cư Jút cho biết, hàng năm trên địa bàn đều xảy ra hạn hán nhưng năm 2024 là khốc liệt nhất từ trước tới nay.
Hơn 30 năm sống tại địa phương, chưa năm nào ông chứng kiến vườn cây sầu riêng và cây trồng ngắn ngày của gia đình lại phát triển kém và giảm năng suất đến như vậy. Bước vào mùa khô, hạn hán lại xảy ra và cả 2 giếng khoan phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt của gia đình ông đã cạn nước hoàn toàn.
Theo ông Đoài, mùa mưa kết thúc từ tháng 9/2023, kéo dài đến cuối năm 2024 mới xuất hiện một vài cơn mưa nhỏ, không đủ để cải thiện độ ẩm cho đất. Trong khi đó, nhiệt độ cao liên tục trong nhiều ngày khiến cây trồng càng khó chống chịu.

Đắk Nông có hơn 131.000ha cà phê trong giai đoạn thu hoạch. Do hạn hán, nên năng suất cà phê năm 2024 giảm rõ rệt so với năm trước, đặc biệt tại một số xã thuộc huyện Đắk R’lấp và Cư Jút với mức giảm từ 4 - 7 tạ/ha. Do năng suất sụt giảm, sản lượng cà phê toàn tỉnh năm 2024 chỉ đạt khoảng 343.000 tấn, giảm hơn 16.400 tấn so với năm 2023.
Không chỉ ảnh hưởng đến nông nghiệp, hạn hán cũng khiến nguồn nước mặt và nước ngầm trên toàn tỉnh suy giảm nhanh chóng. Hàng trăm giếng đào, giếng khoan và nhiều công trình cấp nước tập trung tại các địa phương đã cạn kiệt. Theo báo cáo tại cuộc họp của UBND tỉnh ngày 22/4/2024, toàn tỉnh có khoảng 500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
.jpg)
Tại huyện Krông Nô, khoảng 350 hộ dân ở các thôn Lương Sơn (xã Nam Xuân), bon Đắk Pri và thôn Nâm Giao (xã Nâm N'đir) rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Trong khi đó, tại bản Si Át, xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức), khoảng 150 hộ dân cũng gặp khó khăn vì chưa có công trình nước sạch hoặc công trình đã xuống cấp, hư hỏng. Tình trạng cạn kiệt nguồn nước khiến giếng đào, giếng khoan tại nhiều nơi không còn sử dụng được.
Mùa khô năm 2024 còn khiến nguy cơ cháy rừng tăng cao do nền nhiệt độ cao và độ ẩm trong rừng giảm mạnh. Theo thống kê từ cơ quan chức năng, năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng 30 vụ so với năm 2023.
Trong đó, 8 vụ cháy rừng với diện tích hơn 2ha; 34 vụ cháy cây trồng chưa thành rừng, với diện tích hơn 41ha. Các địa phương có số vụ cháy rừng nhiều nhất là huyện Đắk Glong, Tuy Đức và TP. Gia Nghĩa.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho thấy, năm 2024, hơn 10.721ha cây trồng của tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, gây thiệt hại ước tính khoảng 430 tỷ đồng.
Đến mùa khô lại lo hạn hán
Bước sang năm 2025, tình hình khô hạn tiếp tục ở mức nghiêm trọng. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, đầu tháng 4/2025, thời tiết mùa khô năm nay phổ biến khô hạn, nhiệt độ trung bình từ 15 - 34 độ C, độ ẩm dao động từ 70 - 78%.
Khu vực phía Bắc tỉnh như Cư Jút, Krông Nô dự báo sẽ xuất hiện từ 1 - 3 đợt nắng nóng cục bộ từ nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 5/2025, dẫn đến khô hạn gay gắt.
.jpg)
Mùa khô năm nay, lượng nước trên các sông, suối tiếp tục suy giảm. Đến nay, sông, suối, ao, hồ nhiều nơi đã cạn kiệt nước. Trữ lượng nước tại các hồ chứa thủy lợi cũng giảm nhanh chóng.
Mặc dù cuối tháng 3 và đầu tháng 4, một số khu vực phía Nam tỉnh có xuất hiện mưa nhỏ (dưới 5mm) nhưng không đủ để cải thiện tình hình hạn hán. Trong khi khu vực phía Bắc như Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil vẫn chưa có mưa, khiến khô hạn và thiếu nước càng nghiêm trọng.

Tổng dung tích các hồ đập trên toàn tỉnh hiện chỉ còn khoảng 55%. Đặc biệt, đã có 17 công trình hồ đập do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý bị cạn kiệt nước, tăng 8 công trình so với cuối tháng 3/2025.
Các công trình như hồ Đội 35, hồ Đội 40, hồ Đắk Mbai, hồ Tăng Gia (xã Đắk Lao), đập Hợp tác xã Mạnh Thắng, hồ Đội 3 (xã Đức Mạnh), hồ Xu Đăng (xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song) hiện đều đã hết nước.
Tại "rốn hạn" Đắk Mil diện tích cây trồng gặp hạn hán, thiếu nước đã lên tới hơn 4.700ha. Ngoài ra, có khoảng 270 hộ gia đình đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô này.
Các xã chịu ảnh hưởng nặng nhất gồm: Đắk Gằn (950ha), Đắk Lao (900ha), Đức Mạnh (756ha), Đắk R’la (602ha) và Đắk N’Drót (500ha), với phần lớn diện tích là cà phê và hồ tiêu.
.jpg)
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, hạn hán tại Đắk Nông trong những năm qua diễn biến ngày càng khốc liệt, để lại hậu quả nặng nề cho sản xuất nông nghiệp.
Năm 2016, toàn tỉnh có 210ha lúa nước buộc phải ngừng sản xuất ngay từ đầu vụ, trong khi trên 20.000ha cây công nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến giảm mạnh năng suất do hạn hán.
Đến năm 2020, diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán ở Đắk Nông tăng vọt, lên đến khoảng 24.900ha, tập trung chủ yếu ở các vùng trồng cà phê và hồ tiêu - những cây trồng chủ lực, tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ dân.
Năm 2021, dù mức độ có giảm, nhưng vẫn ghi nhận 1.257ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng bởi khô hạn. Năm 2024, Đắk Nông có 10.721ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn. Năm 2025, dù chưa qua mùa khô, nhưng Đắk Nông đã có hơn 5.000ha cây trồng bị hạn hán, đe dọa tới năng suất.
Những con số này phản ánh rõ rệt mức độ nghiêm trọng và tính dai dẳng của hạn hán tại Đắk Nông, đặt ra yêu cầu cấp thiết về giải pháp ứng phó hiệu quả và bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, Đắk Nông có tổng cộng 10.721ha cây trồng bị hạn hán. Trong đó, Krông Nô 4.780ha; Đắk R’lấp 2.795ha; Đắk Mil 1.496ha; Tuy Đức 1.320ha; Gia Nghĩa 300ha; Cư Jút 25ha; Đắk Song 5ha.
Nguồn: https://baodaknong.vn/han-han-o-dak-nong-ngay-cang-khoc-liet-249070.html
Bình luận (0)