Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Tích cực phát huy vai trò cầu nối trong thực thi Nghị quyết

Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng và chất lượng. Khu vực này hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 80% tổng số lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tại địa bàn.
Kinh tế tư nhân là nguồn lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội tại Việt Nam. Nhiều công ty tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đã công nhận và đặt vị thế, vai trò của kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Cùng với đó, kinh tế nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Đây là sự thừa nhận và truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời, nhiều cơ chế hỗ trợ đã được đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng đã được đưa ra với những cải cách rất mạnh mẽ từ môi trường kinh doanh, cơ chế để tạo nguồn vốn, huy động nguồn lực rồi phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.
Nghị quyết số 68-NQ/TƯ có thể nói như một lệnh "mở đường" cho khu vực kinh tế tư nhân, nhưng để phát huy hiệu quả thực chất đối với doanh nghiệp và doanh nhân, điều quan trọng là khâu tổ chức thực hiện, thể chế hóa nghị quyết vào cuộc sống. Đó là khâu rất khó và phụ thuộc sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cũng như nhận thức của từng cán bộ trong quá trình thực thi nghị quyết.
Trong bối cảnh đó, vai trò của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp như VCCI là rất quan trọng. VCCI sẽ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Chính những hoạt động như nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đưa ra những góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương sẽ được VCCI tiếp tục thực hiện, nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Thời gian tới, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp sẽ phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng, tích cực phản ánh những ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi Nghị quyết số 68-NQ/TƯ, quyết tâm đưa Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đi vào cuộc sống thông qua việc lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Từ đó, các ý kiến sẽ được tổng hợp để kiến nghị với Đảng và Chính phủ nhằm kịp thời điều chỉnh, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TƯ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Giang, Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng:
Cắt giảm tối thiểu các quy định kinh doanh

Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nhận thức và hành động nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành “một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế tự chủ, bền vững”. Với mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, khu vực tư nhân đóng góp 55-58% GDP và 84-85% tổng việc làm, Nghị quyết thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tạo lập môi trường phát triển thuận lợi, công bằng và minh bạch cho khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng ấy, cần có hành động cụ thể và đồng bộ từ cả phía Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Trước hết, về phía Nhà nước, giải pháp quan trọng hàng đầu là hoàn thiện thể chế và khung pháp lý nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Việc sửa đổi các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh… cần được triển khai khẩn trương theo hướng minh bạch, loại bỏ rào cản pháp lý, giảm chi phí tuân thủ và bảo đảm an toàn pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tối thiểu các quy định kinh doanh và thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu, giảm sự can thiệp hành chính vào hoạt động kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, chính sách thuế và tín dụng cần mang tính chất hỗ trợ và khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo. Việc miễn thuế ba năm đầu cho doanh nghiệp mới, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho phép tính chi phí nghiên cứu - phát triển vào chi phí được trừ khi tính thuế… là những bước đi cần được thể chế hóa rõ ràng và nhất quán. Đồng thời, các chính quyền địa phương cần chủ động ban hành chương trình hành động riêng, cơ chế đặc biệt, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa bàn quản lý thông qua các trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối doanh nghiệp với các chương trình tín dụng
Về phía doanh nghiệp, sự chủ động và đổi mới tư duy quản trị là yếu tố quyết định. Doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động, chú trọng đầu tư vào công nghệ, thương hiệu và nguồn nhân lực. Việc hợp tác theo chuỗi, hình thành cụm liên kết ngành cũng là hướng đi tất yếu để gia tăng sức cạnh tranh và mở rộng quy mô phát triển.
Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mô hình tăng trưởng bền vững, khu vực kinh tế tư nhân được xác định không chỉ là lực lượng sản xuất, mà còn là tác nhân đổi mới sáng tạo, đồng hành cùng Nhà nước kiến tạo và phục vụ. Nghị quyết số 68-NQ/TƯ là lời hiệu triệu hành động, nhưng thành công chỉ đến nếu Nhà nước hành động quyết liệt, còn doanh nghiệp sẵn sàng bứt phá với tinh thần tự cường và khát vọng vươn lên.
Ông Phạm Đình Ngãi, Tổng Giám đốc và nhà sáng lập Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm):
Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển để cạnh tranh bình đẳng

Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong đội ngũ doanh nhân. Việc thay đổi tư duy, nhận thức sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi có điều kiện thuận lợi để phát triển. Với những cơ hội mới từ chính sách, trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân cũng ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Đó là cụ thể hóa các chính sách tiếp cận nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước…
Khi có sự liên kết, các khối kinh tế sẽ được thừa hưởng những tiến bộ khoa học, công nghệ, chia sẻ nguồn lực, thậm chí trở thành một phần chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng đỡ để cùng nhau phát triển. Có thể thấy, hơn 82% lao động làm việc trong khu vực tư nhân, trong khi 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải dựa vào tài sản thế chấp để vay vốn.
Vì vậy, việc tháo gỡ các rào cản về đất đai, tín dụng, dữ liệu và nhân lực chất lượng cao được cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi kỳ vọng lớn nhất. Nếu các cam kết "minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế" được luật hóa trong giai đoạn 2025-2028, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí tuân thủ.
Tuy nhiên, khi cải cách thể chế được cởi mở, mức độ cạnh tranh cao và khốc liệt hơn, doanh nghiệp nào không chủ động đổi mới, sáng tạo, kinh doanh... khả năng bị đào thải lớn hơn nhiều. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược thay đổi sản phẩm, mô hình kinh doanh, kỹ năng quản trị để sẵn sàng cạnh tranh trong bối cảnh tư duy quản lý thay đổi nhằm giúp các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, công bằng.
Ông Chu Thanh Tuyền, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 17, phường Xuân La, quận Tây Hồ:
“Bộ tứ chiến lược” của Đảng sẽ đưa khu vực tư nhân phát triển
.jpg)
Trong buổi sáng 18-5, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Xuân La đã theo dõi toàn bộ nội dung tại hội nghị quán triệt do Trung ương tổ chức. Chúng tôi đặc biệt tâm đắc với nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm, khẳng định 4 nghị quyết quan trọng, bao gồm: Nghị quyết số 68-NQ/TƯ, Nghị quyết số 66-NQ/TƯ, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ và Nghị quyết số 59-NQ/TƯ là “Bộ tứ chiến lược trụ cột” để đưa đất nước ta “cất cánh”, phát triển vững mạnh trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Đặc biệt, tại hội nghị lần này, các doanh nghiệp đã trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các vướng mắc, khó khăn và được Thủ tướng trực tiếp giải đáp ngay sau đó. Đây là điểm rất mới, góp phần củng cố thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào các cam kết cải cách của Chính phủ.
Tôi tin tưởng rằng, với những chủ trương đổi mới mạnh mẽ và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân sẽ phát triển vượt bậc, tạo ra động lực mới cho sự tăng trưởng của nền kinh tế khi các rào cản dần được gỡ bỏ.
Ngay sau khi hội nghị quán triệt kết thúc, tôi có gặp gỡ doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn phường Xuân La. Dù đây là những hợp tác xã có quy mô nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chè, song các doanh nghiệp rất phấn chấn trước những cam kết của Chính phủ, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào những quan điểm đổi mới mạnh mẽ sẽ được Chính phủ triển khai trong thực tiễn. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, bởi một chủ trương khi đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng tình, ủng hộ đông đảo từ các tầng lớp nhân dân sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào công cuộc phát triển Thủ đô và đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/hanh-dong-sau-lenh-mo-duong-702656.html
Bình luận (0)