Thỏa thuận Paris năm 2015 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng sau gần một thập kỷ, thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu với các lãnh đạo thế giới tại COP29 ở Baku, Azerbaijan, ngày 12/11/2024. (Nguồn: Getty Images) |
Vào tháng 12/2015, tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 của Liên hợp quốc (COP21) tổ chức tại Paris, Pháp, thế giới đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, lấy tên Thỏa thuận Paris.
Thỏa thuận Paris ra đời nhằm thay thế Nghị định thư Kyoto (1997), vốn chỉ ràng buộc các nước phát triển trong việc cắt giảm khí thải, bằng một cơ chế toàn diện hơn với sự tham gia của tất cả các quốc gia.
Những cam kết chính
Một trong những nội dung quan trọng nhất của Thỏa thuận Paris năm 2015 đặt ra mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5°C để giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Đây là mục tiêu trung tâm nhằm bảo vệ hệ sinh thái và sinh kế của con người trước các rủi ro môi trường ngày càng lớn.
Các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris cũng cam kết cắt giảm khí thải nhà kính thông qua các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs). Mỗi nước phải đưa ra kế hoạch hành động cụ thể và cập nhật cam kết năm năm một lần, với kỳ vọng ngày càng nâng cao tham vọng giảm phát thải.
Một yếu tố quan trọng khác là tăng cường thích ứng và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển. Các quốc gia phát triển cam kết huy động ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm nhằm giúp các nước nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đặt mục tiêu tăng mức đóng góp sau năm 2025. Khoản tài chính này đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Ngoài ra, Thỏa thuận Paris cũng đặt ra cơ chế minh bạch và đánh giá tiến trình nhằm theo dõi việc thực hiện các cam kết của các nước. Một hệ thống báo cáo định kỳ được thiết lập, giúp đánh giá mức độ tuân thủ và điều chỉnh chính sách kịp thời nếu cần thiết.
Tại COP26 (tháng 11/2021 ở Anh), Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050. |
10 năm cho tiến bộ
Sau gần một thập kỷ thực hiện Thỏa thuận Paris, thế giới đã chứng kiến những bước tiến đáng kể trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đã đặt ra các cam kết mạnh mẽ nhằm giảm phát thải và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Cam kết trung hòa carbon ngày càng gia tăng, như Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Trung Quốc tuyên bố sẽ đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2060. Nga đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 trong khi Ấn Độ cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2070 và đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Sự phát triển của năng lượng tái tạo là một điểm sáng trong hành trình này. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA, 2023), năng lượng mặt trời và gió đã có mức tăng trưởng kỷ lục, chiếm 80% công suất phát điện mới toàn cầu trong năm 2022. Chi phí lắp đặt năng lượng mặt trời đã giảm 89% kể từ năm 2010, trong khi chi phí điện gió giảm 70%, giúp nhiều quốc gia có cơ hội chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và đẩy nhanh quá trình giảm phát thải.
Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol: “Sự tăng trưởng vượt bậc của năng lượng tái tạo trong thập kỷ qua là một tín hiệu tích cực, nhưng để đạt được các mục tiêu khí hậu, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch”.
Về tài chính khí hậu, các tổ chức tài chính toàn cầu đã cam kết huy động hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các chương trình giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, Ngân hàng thế giới (World Bank) cam kết dành 200 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025 cho các dự án khí hậu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng triển khai Quỹ Khả năng chống chịu và bền vững trị giá 50 tỷ USD từ năm 2023 nhằm hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình đối phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, khu vực tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn cam kết đầu tư vào các dự án xanh, sử dụng năng lượng sạch và áp dụng công nghệ bền vững nhằm “giảm dấu chân carbon” của mình, như Amazon đã cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào Quỹ Khí hậu để hỗ trợ các công ty phát triển công nghệ giảm phát thải, hay Microsoft đặt mục tiêu trở thành công ty có lượng phát thải âm vào năm 2030 và đầu tư một tỷ USD vào sáng kiến Carbon Innovation Fund.
Tại Hội nghị COP29 (tháng 11/2024 tại Azerbaijan), các nước phát triển đã cam kết tăng gấp ba lần tài chính khí hậu, đặt mục tiêu huy động 300 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước đang phát triển. Mục tiêu tổng thể đầy tham vọng là huy động ít nhất 1.300 tỷ USD mỗi năm từ năm 2035, không chỉ từ các nước phát triển mà còn từ khu vực tư nhân.
Chống biến đổi khí hậu là “cuộc chiến dài hơi” và đòi hỏi sự đoàn kết của toàn cầu, song cộng đồng quốc tế cần bắt tay ngay để thực hiện các cam kết nhằm đảm bảo một tương lai bền vững. (Nguồn: Dreamstime) |
Khúc mắc nan giải
Dù đạt được nhiều tiến bộ, Thỏa thuận Paris vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Năm 2024, phát biểu với Tạp chí Nature Climate Change, Giáo sư Johan Rockström, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam nhận định: “Tốc độ cắt giảm phát thải hiện tại vẫn chưa đủ để duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 1,5°C”.
Một số quốc gia vẫn chưa đưa ra lộ trình rõ ràng hoặc chưa có những biện pháp cụ thể để đạt mục tiêu trung hòa carbon.
Vào năm 2025, các quốc gia được yêu cầu nộp NDC mới, gồm các mục tiêu giảm phát thải toàn nền kinh tế đầy tham vọng vào năm 2035, phù hợp với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C và tăng khả năng phục hồi trước các tác động của khí hậu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), đa số quốc gia vẫn chưa hoàn thành hạn chót nộp NDC (10/2/2025), gây ra sự thiếu minh bạch và làm suy giảm động lực toàn cầu trong việc thực hiện các cam kết.
Tài chính khí hậu tiếp tục là vấn đề nan giải khi các khoản hỗ trợ dành cho các nước đang phát triển vẫn chưa đạt mức cam kết. Theo báo cáo của UNFCCC tại COP29, các quốc gia phát triển chưa hoàn thành mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm theo Thỏa thuận Paris, gây khó khăn cho các nước dễ bị tổn thương trong việc thực hiện các dự án giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cam kết tăng cường tài chính lên 300 tỷ USD mỗi năm từ COP29 vẫn còn nhiều thách thức do thiếu sự phối hợp giữa các chính phủ và khu vực tư nhân.
Tờ Financial Times dẫn lời chuyên gia Nicholas Stern thuộc Học viện Kinh tế và chính trị London (Anh) nhận định: “Tài chính khí hậu hiện vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển và cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong cách huy động nguồn lực”.
Sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vẫn là một trở ngại lớn. Theo báo cáo của IEA năm 2024, sản lượng khai thác than toàn cầu đạt 8,3 tỷ tấn vào năm 2023, tiêu thụ dầu mỏ tiếp tục gia tăng, đạt mức 102 triệu thùng/ngày trong năm 2023, bất chấp các cam kết chuyển đổi sang năng lượng sạch. Bên cạnh đó, Financial Times đánh giá, khí đốt tự nhiên cũng được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng, với nhu cầu toàn cầu tăng 2% mỗi năm đến 2030, do nhiều nước coi đây là nhiên liệu chuyển tiếp trong quá trình giảm phát thải.
Đặc biệt, việc Mỹ, cường quốc hàng đầu thế giới, rút khỏi Thỏa thuận Paris vào năm 2017 ở nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donal Trump đã tạo ra sự gián đoạn đáng kể trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải. Theo báo cáo của Climate Action Tracker (2018), quyết định này đã khiến mức phát thải CO2 của Mỹ tăng thêm khoảng 3% vào năm 2019 so với kịch bản nếu nước này duy trì cam kết. Đồng thời, Viện Tài chính quốc tế (IIF) ước tính, Mỹ đã cắt giảm khoảng hai tỷ USD cam kết tài chính cho các sáng kiến khí hậu quốc tế, ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng sạch.
Dù Mỹ đã tái gia nhập Thỏa thuận Paris vào năm 2021 dưới thời Tổng thống Joe Biden, song đến năm 2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump một lần nữa ký sắc lệnh rút khỏi thỏa thuận, gây ra những lo ngại lớn về nguy cơ “lịch sử lặp lại” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tại COP29, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo: “Âm thanh bạn nghe thấy là tiếng đồng hồ tích tắc. Chúng ta đang trong giai đoạn đếm ngược cuối cùng để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Và thời gian không đứng về phía chúng ta”.
Chống biến đổi khí hậu là một “cuộc chiến dài hơi” và đòi hỏi sự đoàn kết của toàn cầu, song cộng đồng quốc tế cần bắt tay ngay để thực hiện các cam kết khí hậu “nhằm bảo đảm một tương lai bền vững” như lời Tổng thư ký UNFCCC Simon Stiell từng nói tại COP 29.
NDC là đóng góp do từng quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Mỗi nước phải đưa ra kế hoạch hành động cụ thể và cập nhật cam kết 5 năm một lần. NDC 2035 gồm các mục tiêu giảm phát thải toàn nền kinh tế vào năm 2035 có hạn chót là ngày 10/2 vừa qua, song theo dữ liệu UNFCCC cập nhật đến ngày 12/2, mới chỉ có 14 quốc gia đệ trình. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/hanh-dong-vi-khi-hau-duong-dai-chong-gai-304979.html
Bình luận (0)