Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hạnh phúc từ “đất lửa”

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1973, chàng trai quê ở Quảng Bình và cô gái quê ở Nghệ An được điều động vào “đất lửa” Quảng Trị “gieo chữ, trồng người". Từ trong khó khăn, gian khổ, hai giáo viên trẻ đã gắn bó cuộc đời với nhau để xây dựng tổ ấm hạnh phúc, “đưa đò” cho nhiều thế hệ học trò lớn khôn. Đó là câu chuyện đẹp, đầy nhân văn của thầy giáo Đinh Duy Thiếp và cô giáo Nguyễn Thị Đào, ở xã Đồng Lê (trước đây là tiểu khu Đồng Văn, thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hóa).

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị03/07/2025

Hạnh phúc từ “đất lửa”

Mỗi khi nhớ học sinh, nhớ Quảng Trị, ông Đinh Duy Thiếp và bà Nguyễn Thị Đào lại lấy ảnh kỷ niệm với các thế hệ học trò ra xem.

Một thời gian khó

Theo lời kêu gọi của chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Trị, Trung ương huy động một đội ngũ giáo viên từ mọi miền đất nước chi viện cho ngành Giáo dục Quảng Trị khắc phục hậu quả chiến tranh, chăm lo sự nghiệp trồng người. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, năm 1973, chàng trai Đinh Duy Thiếp (xã Yên Hóa, Minh Hóa cũ) và cô gái xinh đẹp Nguyễn Thị Đào (Thanh Chương, Nghệ An) vừa tốt nghiệp Đại học Vinh (ông Thiếp học ngành sư phạm Sinh, bà Đào học sư phạm Toán) đã được Bộ Giáo dục điều động vào “đất lửa” Quảng Trị dạy học. Đó là những sinh viên ưu tú của nhà trường, có đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng.

Ông Thiếp được phân công dạy ở Trường phổ thông cấp 3 Vĩnh Linh A (nay là Trường THPT Vĩnh Linh). Ngôi trường nằm ở Hồ Xá, có 38 lớp học, 100 giáo viên và trên 1.000 học sinh (HS). Vĩnh Lĩnh thời đó khó khăn, thiếu thốn trăm bề khi người dân và HS cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Ông Thiếp kể: “Ngày đó, nhiệm vụ chính của người giáo viên trẻ như tôi là dạy học, phối hợp cùng phụ huynh, HS chặt tre, gỗ, lá về xây dựng trường lớp. Lúc rảnh thì đến nhà giúp đỡ HS, người dân sản xuất. Cuộc sống khó khăn, vất vả, thế nhưng chúng tôi vẫn yêu nghề, gắn bó keo sơn với vùng đất này”.

Bà Nguyễn Thị Đào dạy tại Trường phổ thông cấp 3 Vĩnh Linh B (nay là Trường THPT Cửa Tùng). Đó cũng là vùng đất nghèo, từng bị “bom cày, đạn xới” trong chiến tranh. Học trò nơi đây chủ yếu là con em nông dân, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Bà Đào nhớ lại: “Lương giáo viên thời đó chỉ được 51 đồng với 13,5kg gạo/tháng. Để vượt qua khó khăn, chúng tôi phải trồng thêm khoai lang, sắn để lấy rau, củ. Những ngày mưa lũ, HS nhà xa ở lại trường thì thầy cô phải nấu cơm cho các em ăn. Thấy quần áo các em rách, tôi đều phải vá lại. Có em không đủ áo quần đến lớp, tôi cũng phải xén bớt lương của mình để mua áo tặng”...

Trong khó khăn, vất vả nhưng tình thầy trò trên “đất lửa” Quảng Trị vẫn gắn bó keo sơn. Hạt gạo, củ sắn, củ khoai đều sẵn sàng chia nhau, ủ ấm tình người. Điều mà các thầy cô ngày đó vui nhất là tất cả HS đều chăm ngoan, ít bỏ học. Sau này, nhiều học trò của ông Thiếp, bà Đào thành đạt, trở thành những cán bộ đầu ngành của đất nước. Có người thành công trong ngành Công an, Quân đội hoặc kinh doanh... “Sau này, chúng tôi về Quảng Bình (cũ) công tác nhưng rất nhiều thế hệ HS Quảng Trị (cũ) về thăm hoặc mời chúng tôi trở lại trường cũ gặp mặt. Mỗi lần như thế, thầy trò lại hàn huyên chuyện xưa đến thâu đêm, suốt sáng”...

Theo số liệu thống kê, từ năm 1961-1974, có gần 3.000 giáo viên miền Bắc vượt Trường Sơn vào chi viện cho miền Nam, vừa dạy học vừa tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, Quảng Bình là một trong những tỉnh có số lượng giáo viên tham gia chi viện nhiều nhất. Hành trang của những người “đưa đò” chỉ vài bộ áo quần, thêm chiếc chiếu, tấm chăn, cây bút, cuốn sổ... Nhưng với lòng yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy cô đã cống hiến tuổi thanh xuân cho “đất lửa” Quảng Trị, cho các thế hệ học trò nghèo nơi đây lớn khôn...

Hạnh phúc

Mặc dù học cùng trường đại học, được tăng cường vào cùng một thời điểm nhưng cả ông Thiếp và bà Đào chưa hề biết nhau. Đến năm 1974, một cô giáo dạy cùng trường, ở chung phòng với bà Đào kết hôn với một đồng nghiệp. Sau khi cưới, cô giáo này có quyết định chuyển công tác lên Trường THPT Vĩnh Linh A. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đôi vợ chồng đồng nghiệp, bà Đào đã xin chuyển trường thay và được chấp nhận.

Hạnh phúc từ “đất lửa”

Các giáo viên từng dạy học tại tỉnh Quảng Trị trong một lần gặp mặt cựu học sinh.

Ngày về điểm trường mới, cô giáo trẻ xinh đẹp, quê ở Nghệ An còn nhiều bỡ ngỡ thì một đồng nghiệp nam, quê ở Quảng Bình ra chào đón, mang hành lý vào. Thời điểm đó, ông Thiếp, bà Đào đều nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh nên được bầu làm cán bộ Đoàn trường. Trong quá trình hoạt động chuyên môn, hoạt động Đoàn, hai người giáo viên trẻ đã có nhiều sự đồng cảm rồi yêu nhau lúc nào không biết.

Qua 2 năm yêu nhau, mặc dù được đồng nghiệp vun vén, ủng hộ nhưng gia đình hai bên đều phản đối. Bà Đào cho biết: “Khi chúng tôi yêu nhau, gia đình đều phản đối vì khoảng cách địa lý, nhà của chúng tôi lại neo người nên bố mẹ muốn con cái ở gần. Với lại, cuộc sống lúc ấy quá khó khăn, không có gia đình ở bên cạnh nên bố mẹ sợ chúng tôi không thể vượt qua. Để chứng minh cho quyết định của mình là đúng đắn, chúng tôi đã nỗ lực công tác, sản xuất, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, rồi từng bước vượt qua khó khăn để đi đến hôn nhân”.

Đám cưới của đôi vợ chồng trẻ được tổ chức ngay tại trường theo phong cách “đời sống mới”. Ông Thiếp nhớ lại: “Lúc đó, Ban Giám hiệu nhà trường huy động toàn bộ giáo viên tháo dỡ vách ngăn của 2 phòng học, xếp bàn ghế lại làm hôn trường. Khách đến, quà tặng đám cưới chỉ có cái bút, quyển sổ, khăn mặt. Một số HS cũng đến chung vui bằng những món quà quê, như: Cá khô, khoai lang, củ sắn... Còn chúng tôi mời khách bằng mấy đĩa bánh kẹo, nước chè, thuốc lá. Chỉ đơn sơ vậy, nhưng vợ chồng tôi cảm thấy ấm cúng, hạnh phúc vô cùng”.

Cũng trong năm 1976, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nhập lại thành tỉnh Bình Trị Thiên, đôi vợ chồng trẻ chuyển về quê công tác tại Trường THPT Tuyên Hóa. Ông Thiếp sau đó lên chức Hiệu trưởng, công tác tại một số trường THPT trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa (cũ). Nay ông bà tuổi cao, con cái đã khôn lớn thành đạt, nhưng mỗi khi nhắc lại những tháng năm công tác trên mảnh “đất lửa” Quảng Trị vẫn khiến ông bà xao xuyến, bồi hồi.

Xuân Vương

Nguồn: https://baoquangtri.vn/hanh-phuc-tu-dat-lua-195507.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm