A Lưới là một huyện miền núi biên giới phía tây thành phố Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn bởi sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số nơi đây, như kiến trúc độc đáo của nhà cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số: nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa Cô, nhà Rông của người Tà Ôi, nhà Gươl của người Kơ Tu, cùng nhiều làng nghề truyền thống như nghề điêu khắc gỗ, nghề dệt Zèng, nghề gốm Nỏ, nghề đan lát thủ công.
Mỗi sản phẩm có giá trị vừa là vật dụng bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc nơi đây. Những hình ảnh đa sắc màu đó đã được các thành viên của nhóm Ký hoạ Đô thị Hà Nội và các nghệ sĩ, họa sĩ Huế chọn lọc để đưa vào tác phẩm.
Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội chia sẻ: “Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong chuyến ký họa A Lưới chính là nét văn hóa bản địa đặc sắc của các dân tộc Paco, Tà Ôi, Cơ Tu. Tôi bị cuốn hút bởi những ngôi nhà truyền thống mang đậm dấu ấn cộng đồng. Mỗi đường nét, mỗi hoa văn trên những tấm Zèng, hay sản phẩm mây, tre đan đều phản ánh câu chuyện và tâm hồn của người dân nơi đây. Đặc biệt, khoảnh khắc tôi được hòa mình vào các điệu múa truyền thống giữa âm thanh cồng chiêng vang vọng núi rừng, tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt và niềm tự hào của người dân đối với bản sắc văn hóa của họ. Chuyến đi không chỉ giúp tôi thu thập được nhiều tư liệu quý giá cho ký họa, mà còn để lại trong tôi những cảm xúc sâu lắng về vùng đất và con người A Lưới”.
Trong bối cảnh hiện đại hóa, các nghề truyền thống ở A Lưới đang đứng trước nhiều thách thức. Nhiều nét đẹp truyền thống đang dần bị mai một do sự du nhập của những xu hướng mới, kiến trúc nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ bị thay đổi, mai một. Vì vậy, việc chung tay bảo tồn, lưu giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống đang là vấn đề cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
“Hành trình A Lưới đã mang lại cho chúng tôi những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ. Chúng tôi mong muốn thông qua nghệ thuật ký họa để lan tỏa tình yêu di sản trong cộng đồng, từ đó cùng chung tay gìn giữ di sản”, kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội cho biết.
Trải dài ở nhiều độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau, nhưng điểm chung gắn kết giữa các thành viên đó là tình yêu với di sản và hội họa.
Chị Nguyễn Quỳnh Trang, thành viên nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội chia sẻ “Tôi đã ký họa 5 tác phẩm trong chuyến đi A Lưới lần này. Được chứng kiến và trải nghiệm các nghề truyền thống, chiêm ngưỡng nhiều công trình kiến trúc của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những trải nghiệm quý giá mà nếu không đến tận nơi, tôi sẽ không thể thấy hết được sự tinh tế và rực rỡ của văn hoá nơi đây. Tôi hi vọng rằng, những câu chuyện cùng những bức vẽ sẽ giúp lan toả vẻ đẹp của vùng cao A Lưới đến với bạn bè trong nước và quốc tế, từ đó gìn giữ, tôn tạo nét đẹp văn hóa ấy cho thế hệ sau”.
Một số tác phẩm trong hành trình ký họa A Lưới (Thừa Thiên Huế) của nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội:
|
||
![]() |
Tác phẩm "Phụ nữ Tà Ôi đan chiếu cói" của tác giả Nguyễn Thu Hằng. |
![]() |
Tác phẩm "Chợ A Lưới" của tác giả Phạm Anh Quân. |
![]() |
Tác phẩm "Nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa Cô" của tác giả Đinh Thế Anh. |
![]() |
Tác phẩm "Hình tượng các vị Thần - cột gỗ nhà Rông truyền thống của người Tà Ôi, A Lưới" của tác giả Nguyễn Anh Tú. |
![]() |
Tác phẩm "Phụ nữ Tà Ôi làm bánh Sừng trâu" của tác giả Nguyễn Quỳnh Trang. |
Nguồn: https://nhandan.vn/hanh-trinh-ky-hoa-a-luoi-chung-tay-gin-giu-di-san-post869240.html
Bình luận (0)