Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hát Soọng cô, niềm tự hào của người Sán Dìu

Từ nghìn đời nay, hát Soọng cô là niềm tự hào của đồng bào người dân tộc Sán Dìu. Ngoài ý nghĩa giao duyên, hát Soọng cô còn là cách bày tỏ nỗi niềm của lòng người, thể hiện cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên16/04/2025

Các thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình) trong buổi giao lưu hát Soọng cô.
Các thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình), trong buổi giao lưu hát Soọng cô.

Lời câu hát Soọng cô trong trẻo như mạch suối đầu nguồn, lúc ấm áp tựa ánh ban mai. Câu ca vút lên, ngân dài làm thời gian như ngừng lại. Bao trái tim trẻ trung thổn thức, nhớ về một cuộc hát hôm nào. Dùng dằng “kẻ ở, người về”, thôi đành hẹn một ngày… mình được về với nhau.

Đã có nhiều người nên vợ, thành chồng từ những cuộc hò hẹn hát Soọng cô. Bởi với đồng bào dân tộc Sán Dìu, hát Soọng cô mang ý nghĩa triết lý sâu sắc về đời sống tinh thần. Các cuộc hát không câu lệ bởi không gian, thời gian, gặp nhau tay bắt mặt mừng, câu hát được cất lên tạo không khí phấn chấn thân thiện và gần gũi.

Không có nhạc đệm, nhưng hát Soọng cô luôn tạo sự hấp dẫn kỳ diệu cho người nghe. Kể cả người không biết tiếng nói của đồng bào dân tộc Sán Dìu cũng bị lôi cuốn. Bởi lối hát kể mộc mạc, vừa hát vừa sáng tác song ca từ khúc triết, sâu sắc nên cuộc hát có thể kéo dài hàng tuần mà chưa cạn lời.

Là lối hát giao duyên, Soọng cô có thể hát ở đám cưới, hát mừng nhà mới, hát chúc tụng và hát ru con. Từ thuở nằm nôi nhiều người đã được nghe lời ru Soọng cô của mẹ. Tiếng nói, ngôn ngữ được đồng bào dân tộc Sán Dìu trao truyền qua câu hát Soọng cô. Tuy nhiên, các cuộc hát đều có luật riêng. Ví như ở đám cưới, bắt đầu là hát xin được vào dâng lễ tổ tiên, hát khai hoa tửu, hát chúc tổ tiên và hát đố vui rồi mới đến gái trai hai họ hát giao duyên.

Một buổi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô xóm Thanh Trà, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên).
Một buổi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô xóm Thanh Trà, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên).

Hát Soọng cô ví như một thứ men nồng mang lại niềm hạnh phúc cho các gia đình, tạo không khí lao động phấn chấn và cho mỗi người động lực vươn lên. Nhất là sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2015), hát Soọng cô trở thành một động lực thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trong đồng bào dân tộc Sán Dìu phát triển mạnh hơn. Nhiều người tự hào: Ở đâu có cộng đồng người dân tộc Sán Dìu sinh sống, ở đó có câu lạc bộ hát Soọng cô.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên: Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 50.000 người dân tộc Sán Dìu (chiếm 30% trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đông nhất so với các tỉnh, thành phố trên cả nước), tập trung ở các huyện Phú Lương, Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ, TP. Thái Nguyên và TP. Phổ Yên. Dù cuộc sống còn chưa hết khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Sán Dìu luôn có ý thức trong gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, trong đó có hát Soọng cô. Chính vì thế, trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu đã có nhiều người được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước: “Nghệ nhân ưu tú”.

Soọng cô nghĩa là ca hát đối đáp, đặt lời theo thể thất ngôn tứ tuyệt, được ghi chép bằng chữ Hán cổ và lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu. Song thực tế tại các câu lạc bộ hát Soọng cô, việc trao truyền câu hát chủ yếu vẫn là người cao tuổi truyền đạt cho nhau và cùng hát cho nhau nghe, cũng vì thế, từ lâu hát giao duyên được gọi chệch là hát giao lưu. Vào các dịp lễ, Tết, khu dân cư tổ chức hội họp hoặc gia đình có việc vui, bà con lại cùng hát Soọng cô. Dựa trên lời hát cổ, bà con phiên lời mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới và tình yêu lứa đôi…

Sự nhiệt tình của các nghệ nhân, của lớp người đi trước đã tạo động lực cho nhiều bạn trẻ là con em đồng bào dân tộc Sán Dìu có ý thức học nói tiếng dân tộc mình. Qua câu hát Soọng cô là cách học nhanh và hiệu quả nhất. Đó cũng là cách đồng bào dân tộc Sán Dìu gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị hát Soọng cô - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, niềm tự hào của đồng bào người dân tộc Sán Dìu.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202504/hat-soong-co-niem-tu-hao-cua-nguoi-san-diu-ae90b11/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm