Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hậu kiểm không phải việc kiểm tra tùy tiện, tùy hứng của cán bộ

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro, chứ không phải là kiểm tra tùy tiện, tùy hứng của cán bộ, gây mất thời gian của doanh nghiệp và dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.

VietNamNetVietNamNet20/05/2025

Đề xuất bổ sung đối tượng được quản lý doanh nghiệp

Thảo luận tại Quốc hội sáng 20/5, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng trong bối cảnh Quốc hội đang nỗ lực gỡ bỏ mọi rào cản cho kinh tế tư nhân, những nội dung sửa đổi tại Luật Doanh nghiệp lần này càng cần đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện và có thể đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực.

Đóng góp ý kiến về nội dung kiểm soát gian lận, kiểm soát "vốn ảo", đại biểu đồng tình với cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo là không yêu cầu thêm các điều kiện hay hồ sơ trong quá trình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Tức là không “tiền kiểm” đối với vấn đề này. 

Thực tiễn Luật Doanh nghiệp gần 3 thập kỷ qua đã chứng minh việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện, dễ dàng là một trong những quy định vô cùng quan trọng giúp Việt Nam phát triển kinh tế tư nhân.

Thay vào đó, cơ quan nhà nước cần tăng cường hậu kiểm những trường hợp có nghi ngờ về việc thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. 

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: QH

“Tuy nhiên, tôi đề nghị bổ sung cơ chế hậu kiểm dựa trên quản lý rủi ro, thay vì kiểm tra tùy tiện, tùy hứng, dễ gây phiền hà, mất thời gian cho doanh nghiệp và làm phát sinh tiêu cực.

Cơ quan nhà nước phải xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro, chấm điểm rủi ro và đi kiểm tra doanh nghiệp theo tần suất cao đối với doanh nghiệp rủi ro cao và tần suất thấp hơn đối với doanh nghiệp rủi ro thấp”, đại biểu Hà góp ý. 

Theo bà Hà, biện pháp kiểm tra theo mức độ rủi ro này đã được áp dụng trong ngành thuế và hải quan, mang lại nhiều lợi ích, rất hiệu quả. Hiện nay, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đang được xây dựng và tập hợp đầy đủ. Đây là cơ sở rất tốt để triển khai việc chấm điểm rủi ro và kiểm tra theo rủi ro. 

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung. Ảnh: QH

Theo điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học, được tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập, tham gia thành lập để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Trường hợp viên chức là người lao động phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập. Trường hợp viên chức, quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập phải được sự đồng ý của cấp trên trực tiếp. 

Thảo luận về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) kiến nghị bổ sung thêm cụm từ “cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập", vì trong thực tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng có nhu cầu thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Bà Dung cho hay, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng có điều khoản cho phép thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Luật Nhà giáo cũng quy định nhà giáo có quyền tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp gắn với hoạt động đào tạo, nghiên cứu tại cơ sở giáo dục.

Làm rõ nội dung 'chủ sở hữu hưởng lợi' của doanh nghiệp

Cũng theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, dự thảo quy định về khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” để phù hợp với các cam kết về phòng chống rửa tiền là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó vì tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi là chưa rõ ràng. Dự thảo định hướng sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu quan điểm Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng có khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” và cũng giao Chính phủ quy định chi tiết. Chính phủ cũng đã có Nghị định 19/2023/NĐ-CP về vấn đề này, áp dụng cho các giao dịch của phía tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, ông Đồng cho biết bản thân ông đã tham vấn các tổ chức tín dụng và được trả lời các tiêu chí này còn rất chung chung, khó tuân thủ. 

ĐBQH Hà Sỹ Đồng. Ảnh: QH

Hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn dựa trên cơ sở tự khai báo của khách hàng, chủ tài khoản của doanh nghiệp, chưa có biện pháp cụ thể nào để xác minh chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. 

“Việc doanh nghiệp cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cho ngân hàng vốn đã khó thực hiện như vậy, nếu giờ chúng ta quy định về việc này khi doanh nghiệp cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước sẽ còn khó khăn hơn”, ông Hà Sỹ Đồng nói. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại khi tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi không rõ, nếu chẳng may họ không thông báo, thì lại đối mặt với nguy cơ bị xử phạt.  

“Do đó, tôi đề nghị trước mắt xác định những trường hợp cứng, đã rõ ràng (như quan hệ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn trở lên) nhất định phải khai báo. Nếu không khai báo thì sẽ bị xử phạt. Còn các trường hợp tiêu chí là định tính (như cá nhân có quyền chi phối) thì cũng có quy định yêu cầu khai báo, nhưng trước mắt không xử phạt khi doanh nghiệp khai báo không đầy đủ.

Sau này, khi cơ quan nhà nước có quy định rõ ràng, đầy đủ hơn về khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi thì mới áp dụng chế tài xử phạt đối với những trường hợp khai báo chưa chính xác hoặc không đầy đủ”, ông Đồng kiến nghị.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/hau-kiem-khong-phai-viec-kiem-tra-tuy-tien-tuy-hung-cua-can-bo-2402910.html





Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm