Đồng chí Ngô Đình Loan, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh
Xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng trong sáng
Đồng chí Ngô Đình Loan. |
Sau khi sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới có quy mô lớn hơn. Dù có nhiều lợi thế song tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự khác biệt giữa khu vực đô thị phát triển mạnh và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nguy cơ gây mất cân đối trong đầu tư, phân bổ nguồn lực. Việc tích hợp, đồng bộ hệ thống quy hoạch, giao thông, đô thị giữa các địa bàn mất nhiều thời gian, dễ xảy ra chồng chéo. Nhiều xã, phường sau sáp nhập phải sắp xếp lại trụ sở, trang thiết bị, ảnh hưởng đến hoạt động. Vấn đề giải quyết việc làm cho cán bộ dôi dư, bảo đảm an sinh xã hội cần được xử lý kịp thời. Sáp nhập địa giới hành chính có thể gây tâm lý lo lắng trong một bộ phận cán bộ, Nhân dân...
Theo đó, giải pháp nâng cao và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, đạo đức cách mạng trong sáng cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với thực tiễn; chú trọng kỹ năng quản trị, công nghệ số, ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và chuyển đổi số; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; công khai, dân chủ trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đúng người, đúng việc; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, phục vụ đánh giá cán bộ; xử lý kịp thời cán bộ vi phạm đạo đức công vụ; phát huy vai trò giám sát, phản biện của Nhân dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội...
Từ thực tiễn quá trình công tác, tôi rút ra 4 bài học kinh nghiệm muốn chia sẻ: Thứ nhất, lắng nghe ý kiến của dân, giải quyết công việc có tình, có lý. Thứ hai, cán bộ phải nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ làm sai với dân phải công khai xin lỗi trước dân. Thứ ba, phải công bằng, công khai, dân chủ trong đề bạt, bố trí và giải quyết chế độ đối với cán bộ. Thứ tư, trước mọi sự việc bức xúc, phương pháp giải quyết không được nóng vội.
Tôi tin rằng với sự chủ động của các địa phương, cùng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ nói chung, cuộc “cách mạng” sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ đi đến thành công, đặt nền tảng cho bộ máy hành chính công vụ quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu năng, gần dân, thực sự vì dân.
Đồng chí Nguyễn Như So, Anh hùng Lao động, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Tập đoàn DABACO Việt Nam
“Nguồn sinh lực mới” giúp các doanh nghiệp vươn mình
Đồng chí Nguyễn Như So. |
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang nhận được sự quan tâm lớn của Nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nhân đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn sinh lực mới để vươn mình cùng đất nước. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị, cơ cấu lại nguồn vốn, các chuỗi sản xuất, cung ứng... Doanh nghiệp Nhà nước biến đổi từ “lực lượng nòng cốt” sang “vai trò dẫn dắt”, doanh nghiệp tư nhân trở thành “trụ cột” quan trọng của nền kinh tế, làm “đòn bẩy” cho tiến trình phát triển giàu mạnh của quốc gia.
Việc tinh gọn bộ máy hành chính không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước mà còn mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp khi xử lý nhanh gọn các trình tự, thủ tục triển khai dự án đầu tư, kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh; giảm thiểu chi phí, đùn đẩy trách nhiệm từ các cơ quan công quyền... Sáp nhập hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang không chỉ là một giải pháp hành chính, mà còn là “cú huých” chiến lược nhằm tái cấu trúc không gian phát triển, nâng cao hiệu quả quản trị và tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cạnh tranh ngày càng gay gắt, tỉnh Bắc Ninh mới với vị thế chiến lược nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nâng cao hiệu quả đầu tư, mở rộng thị trường, góp phần vào thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng 2 con số của tỉnh.
Trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để triển khai hoạt động hiệu quả. Khi bộ máy đã tinh gọn, cơ chế trách nhiệm đã rõ ràng, hệ thống thủ tục hành chính minh bạch…, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào một hệ thống công quyền biết lắng nghe và dám hành động, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, bởi vươn mình là lớn mạnh, là trưởng thành, là bước ra khỏi vùng an toàn, là dám đối đầu với thử thách vì những giá trị chung của dân tộc. Đây sẽ là minh chứng sống động nhất, thiết thực nhất của quá trình tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - lâm Bắc Giang
Phát triển nông nghiệp đa tầng giá trị bền vững hơn
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Dương. |
Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã gặt hái nhiều thành tựu nổi bật nhờ triển khai mô hình nông nghiệp đa tầng giá trị. Mô hình này đã tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị nông sản ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Để hướng tới sự bền vững trong phát triển nông nghiệp đa tầng giá trị cần có sự đồng hành chặt chẽ của chính quyền, doanh nghiệp, nông dân. Vai trò của chính quyền là xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích áp dụng mô hình đa tầng, thúc đẩy phát triển hợp tác xã và các mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất. Việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, phù hợp với điều kiện của từng khu vực sẽ tạo nền tảng cho triển khai các hình thức nông nghiệp đa tầng như trồng xen canh, nuôi trồng kết hợp. Đồng thời, đầu tư hạ tầng nông nghiệp, đặc biệt là nguồn nước và phân bón, cũng như tổ chức các chương trình đào tạo kỹ thuật nông nghiệp bền vững... là những yếu tố cần thiết.
Doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong đổi mới công nghệ, chế biến sâu nông sản, sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm và hợp tác với nông dân để bảo đảm đầu ra ổn định, chia sẻ lợi ích theo mô hình kinh tế chia sẻ. Việc xây dựng các nhà máy chế biến, cơ sở phân hữu cơ gần vùng nguyên liệu sẽ giúp tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Cộng đồng nông dân cần chủ động học hỏi, tiếp cận kỹ thuật mới, tham gia vào các hợp tác xã để gia tăng sức mạnh tập thể. Việc áp dụng quy trình sản xuất sạch sẽ giúp bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nông sản.
Tham gia vào phát triển nông nghiệp đa tầng, đa giá trị, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang có thể trở thành trung tâm học thuật trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ nông nghiệp đa tầng. Với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng và mạng lưới hợp tác rộng khắp, Trường có tiềm năng dẫn dắt phong trào phát triển nông nghiệp đa tầng giá trị không chỉ trong tỉnh mà trên toàn quốc, qua đó góp phần hình thành nên các cộng đồng nông nghiệp hiện đại, văn minh và bền vững.
Đồng chí Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang
Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp
Đồng chí Nguyễn Công Thông. |
Bắc Ninh đang từng bước khẳng định vai trò là một trong những trung tâm công nghiệp trọng điểm của cả nước. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút nhiều tập đoàn xuyên quốc gia, hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại, trong đó nổi bật là lĩnh vực điện tử và bán dẫn. Để đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực này, chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần được xác định là nhiệm vụ then chốt, phải đi trước một bước. Trong đó, không chỉ chú trọng đào tạo mới mà đào tạo bổ sung, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động sẵn có cũng cần được đẩy mạnh. Việc đánh giá thực trạng năng lực đào tạo trong các ngành nghề liên quan, khảo sát quy mô, cơ cấu nhân lực phục vụ ngành bán dẫn là cơ sở để xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động chính xác và hiệu quả.
Một giải pháp mang tính đột phá là đẩy mạnh liên kết giữa ba “nhà” (Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp). Doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà cần trở thành chủ thể trong quá trình đào tạo: Từ xây dựng chuẩn đầu ra, thiết kế chương trình, tham gia giảng dạy, đánh giá kết quả đến hỗ trợ đầu tư thiết bị, công nghệ. Việc này sẽ giúp người học được chuẩn bị đầy đủ kỹ năng, đáp ứng đúng và trúng yêu cầu tuyển dụng. Chính quyền địa phương cần cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phát huy tính chủ động, đẩy mạnh hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng doanh nghiệp, kết hợp đào tạo tại chỗ, từ xa, học thông qua thực hành, vừa học vừa làm... nhằm tăng cường tính linh hoạt và hiệu quả.
Cần mở rộng hợp tác với các địa phương lân cận để tăng tính liên kết vùng trong đào tạo và tuyển dụng nhân lực. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, thu hút chuyên gia, nhà nghiên cứu chất lượng cao trong và ngoài nước giảng dạy, hướng dẫn. Việc này không chỉ giúp cập nhật tri thức, công nghệ mới mà còn là chìa khóa nâng chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực được kỳ vọng sẽ đưa Bắc Ninh bước vào “bản đồ công nghiệp bán dẫn thế giới”.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/hien-ke-xay-dung-bac-ninh-moi-phat-trien-ben-vung-postid420995.bbg
Bình luận (0)