Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hiệu quả các công trình thủy lợi

Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của trung ương, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung huy động các nguồn lực đẩy nhanh xây dựng các hồ chứa nước được mệnh danh “biển hồ” giữa đại ngàn; những công trình thủy lợi đa mục tiêu; hệ thống kênh mương cấp 2, 3 như những mạch nguồn nối dài phục vụ sản xuất, sinh hoạt, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nước về, cây xanh tươi tốt, tạo nên một “Ninh Thuận hôm nay” đầy màu xanh và sức sống mới.

Báo Ninh ThuậnBáo Ninh Thuận06/05/2025

Nước về tắm mát đồng xanh

Chúng tôi trở lại Thuận Bắc, đi giữa con đường nhựa rộng thênh thang, ngắm những cánh đồng lúa vàng trĩu bông, những khu đồi bạt ngàn màu xanh cây trái đều cảm nhận rõ những đổi thay rõ rệt. Sức sống mới đang ngập tràn trên vùng đất anh hùng còn nhiều gian khó bởi sự tàn phá của chiến tranh.

Trước đây, nền kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, độc canh, cây lúa nước một vụ, năng suất thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngày nay, nhờ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi như: Hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu, đập Kiền Kiền, trạm bơm Ba Tháp và hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 nên đã chủ động nước tưới cho hàng chục nghìn ha đất canh tác. Ông Katơr Vân, thôn Suối Đá, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), cho biết: Tại cánh đồng Nhíp rộng hơn 100ha chuyên sản xuất lúa và hoa màu. Trước đây, bà con canh tác ở khu vực này chỉ dựa vào nước trời, có năm chỉ canh tác được một vụ nhưng năng suất rất thấp, nhiều diện tích phải bỏ hoang, đất đai cằn cỗi, khiến đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2004, khi hồ Sông Trâu đưa vào khai thác và được Nhà nước đầu tư xây dựng thêm các tuyến kênh lấy nước từ đầu nguồn đưa trực tiếp xuống đồng ruộng, tạo thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Diện tích lúa không ngừng được mở rộng với 3 vụ/năm, bà con còn thực hiện các mô hình thâm canh, tăng vụ đối với một số cây màu cho năng suất cao. Riêng gia đình tôi có hơn 3 sào lúa, nhờ nguồn nước tưới ổn định, năng suất mỗi vụ đạt khá từ 6-7 tạ/sào, thu nhập tăng lên, gia đình có điều kiện nuôi các con đi học, xây dựng nhà ở, đời sống cải thiện nhiều.

Hồ thủy lợi Sông Cái (Bác Ái). Ảnh: Văn Miên

Rời Thuận Bắc, chúng tôi vòng lên huyện miền núi Bác Ái, hàng chục nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp trước đây phụ thuộc nước trời, bỏ hoang nay đã được ngọt hóa nhờ hệ thống thủy lợi hồ Sông Sắt, Sông Cái, Trà Co... Đồng chí Phan Ninh Thuận, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Toàn huyện có 5 hồ chứa nước với dung tích thiết kế hơn 302 triệu m3. Nhờ đó, toàn bộ 9 xã của huyện đều đạt chuẩn về tiêu chí thủy lợi. Trong năm 2024, Bác Ái đã chuyển đổi hơn 320ha đất trồng lúa kém hiệu quả và đất gò, đồi sang trồng các loại cây, như: Bắp nếp, bắp lai, mè, thuốc lá, mía, ớt, táo, nha đam... mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,7 triệu đồng/người, đạt 107,2% kế hoạch năm, đáng chú ý, huyện có 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt vượt kế hoạch đề ra.

Thủy lợi đa mục tiêu

Trước năm 1992, sự khắc nghiệt vốn có của thời tiết trên vùng khô hạn Ninh Thuận, khiến hàng chục nghìn hộ dân trong tỉnh mãi quẩn quanh với đói nghèo từ bao đời nay. Ít nhất hơn 1/2 diện tích đất canh tác của tỉnh thiếu nước, không chủ động nước, năng suất lúa một vụ thấp, người dân địa phương muốn kiếm thêm thu nhập bằng cây màu cùng lắm trồng được vài ba loại, nhưng năng suất... chẳng bao nhiêu. Sau ngày tái lập tỉnh (1/4/1992), xác định để phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và bền vững phải giải quyết được “bài toán” nước. Để giải bài toán an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã chỉ đạo tiến hành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tìm kiếm, tiết kiệm và tích trữ nguồn nước, đồng thời đẩy nhanh xây dựng các hồ chứa, công trình thủy lợi và hệ thống kênh tưới tiêu. Mục tiêu chung là từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo hướng đa mục tiêu phục vụ sản xuất, sinh hoạt, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khởi đầu từ “biển hồ” Tân Giang (Thuận Nam). Dự án được khởi công năm 1997, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 97 tỷ đồng, với dung tích thiết kế 13 triệu m3. Tân Giang được đánh giá là hồ “chiến lược” của tỉnh lúc bấy giờ, vì có khả năng chủ động tưới cho 3.000ha ở vùng hạ lưu Tân Giang. Công trình hồ Tân Giang không những phục vụ nước tưới cho vùng đầu nguồn mà các địa phương vùng hạn khác trong huyện như: Phước Nam, Phước Ninh (Thuận Nam), kể cả một phần diện tích trồng lúa, hoa màu của Phước Hữu, Phước Dân (Ninh Phước) được mở rộng, mỗi năm sản xuất từ 2-3 vụ, nhờ đó đời sống bà con được nâng cao, tỷ lệ hộ đói khu vực hạ lưu Tân Giang không còn nữa.

Sau Tân Giang, hàng loạt “biển hồ” được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng như: Sông Cái, Sông Sắt, Sông Trâu, Trà Co, Sông Biêu, Lanh Ra, Bà Râu, đập dâng Sông Dinh, Tân Mỹ... và hàng nghìn km kênh mương cấp 2, 3 được đầu tư xây dựng. Ðiển hình như hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (được coi là hiện đại nhất Việt Nam) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) làm chủ đầu tư với tổng vốn 5.951 tỷ đồng đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ cuối năm 2021, góp phần “giải khát” cho Ninh Thuận. Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận (đơn vị khai thác vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ) cho biết: Hiện nay, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được xem là hệ thống thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam. Trong đó, hồ chứa nước Sông Cái 220 triệu m3 được xem là “trái tim” của hệ thống thủy lợi này. Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ cấp nước tưới trực tiếp cho gần 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp của 5 xã thuộc 2 huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái. Ngoài ra, hệ thống này cũng tiếp nước tưới bổ sung cho gần 1.960ha cho 3 hồ chứa nước Cho Mo, Phước Trung, Thành Sơn và khu tưới 12.800ha thuộc hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm...

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Ðến nay, Ninh Thuận đã có 22 hồ chứa với dung tích 520 triệu m3, tăng gấp 3,15 lần so với năm 1992; xây dựng hơn 1.474km kênh đầu mối, kênh cấp 2, cấp 3, kênh mương nội đồng... dẫn nước về tận các vùng sản xuất, nhờ đó, diện tích canh tác được tưới chủ động tăng lên nhiều. Nhờ có nước tưới dồi dào, Ninh Thuận đã hồi sinh, cải tạo và chuyển hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp từ canh tác 1 vụ/năm sang 2-3 vụ/năm, biến nhiều vùng đất "khát" trở thành vườn nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, nha đam, dưa lưới công nghệ cao,... rộng lớn, cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Từ năm 2020-2024, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cung cấp nước tưới ổn định cho 74.602ha đất sản xuất, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 25% nền kinh tế của tỉnh. Cụ thể, trong năm 2024, toàn tỉnh đã mở rộng, khôi phục hơn 1.969ha đất (chủ yếu mở rộng từ vùng tưới của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ), nâng giá trị sản xuất nông nghiệp trong năm 2024 lên 25,5%. Hệ thống thủy lợi đã phục vụ đắc lực cho định hướng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, như: Nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, du lịch...

Cùng với đó, tỉnh đang tập trung một số dự án thủy lợi trọng điểm khác như: Dự án hồ chứa nước Sông Than, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) với dung tích hơn 85 triệu m3 đang đẩy nhanh tiến độ, sau khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho 4.500ha đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu. Sắp tới, Tiểu dự án phát triển thủy lợi phục vụ nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Nhơn Hải, Thanh Hải (Ninh Hải) và dự án chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ về hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu (Thuận Bắc) và hồ Ông Kinh (Ninh Hải) hoàn thành, sẽ giúp Ninh Thuận chủ động hơn nữa nguồn nước tưới cho các vùng hưởng lợi, nông dân có thể chuyển sản xuất nông nghiệp từ 1-2 vụ/năm sang 3 vụ/năm.

Ngoài ra, theo Quyết định số 1319/2023/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đã phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Thuận tầm nhìn năm 2030 thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, quy hoạch nghiên cứu toàn diện, tổng thể hệ thống cấp nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt nông thôn, thoát lũ và phòng, chống xâm nhập mặn; triển khai giải pháp kết nối liên thông hồ bằng đường ống đưa nước từ hồ Sông Cái - đập Tân Mỹ về các khu tưới phía Bắc của tỉnh; kết nối lưu thông lưu vực hồ Cho Mo với lưu vực Suối Ngang hồ Phước Trung; lưu vực hồ Tân Giang với hồ Sông Biêu và hồ Suối Lớn... nhằm điều tiết hài hòa nguồn nước giữa các vùng; phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp thoát nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế- xã hội bền vững.

Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/152915p1c30/hieu-qua-cac-cong-trinh-thuy-loi.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Chiêm bái 87 bảo vật Phật giáo: Bí ẩn thiêng liêng lần đầu hé mở
Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm