Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo với sự tham gia của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng online, các KOL (người có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng) và chuyên gia từ các sàn thương mại điện tử lớn.
Những chương trình này đã hỗ trợ các chủ thể sản xuất nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP có kiến thức để tiếp cận với những cách thức bán hàng hiệu quả trên kênh online.

Anh Võ Văn Hậu-Giám đốc Công ty TNHH TMDT Tiktakecom-chia sẻ: “Với vai trò là đối tác chiến lược của TikTok Shop và đại lý ủy quyền của Shopee, Tiktakecom cung cấp các giải pháp bán hàng đa nền tảng, từ tạo nội dung video, livestream bán hàng đến quản lý gian hàng chuyên nghiệp. Qua tiếp xúc với các nhà sản xuất, tôi nhận thấy nhiều người vẫn chưa thật sự quan tâm đến thương mại điện tử.
Hiện chúng tôi đang hỗ trợ 10 gian hàng chính thức bán hàng trên TikTok Shop với những phần việc cụ thể như hỗ trợ đội ngũ vận hành, kiểm soát đơn hàng, đưa lộ trình chiến lược kinh doanh, hỗ trợ KOL và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường) thực hiện livestream bán hàng.
Đồng thời, Công ty cũng hỗ trợ, cung cấp thông tin cho rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn về các vấn đề kinh doanh trên sàn”.
Theo anh Võ Văn Hậu, khi hợp tác với Tiktakecom, các nhà sản xuất sẽ được hỗ trợ những bộ nội dung (content) mẫu cho từng ngành hàng. Ví dụ: video có trọng tâm là một câu chuyện với kịch bản rõ ràng, người sáng tạo nội dung khéo léo lồng ghép thông điệp và sản phẩm vào video.
Thông thường, dạng nội dung này đặc biệt phù hợp với việc xây dựng nhãn hiệu hoặc quảng bá thương hiệu, sản phẩm một cách sáng tạo. Người làm có thể lựa chọn những kiến thức đơn giản, dễ hiểu, nhiều người quan tâm, video lồng ghép thêm câu chuyện thực tế. Content theo dạng vlog ghi lại những sự kiện hoặc trải nghiệm của nhà sáng tạo nội dung, đưa sản phẩm vào cuộc sống hàng ngày qua lăng kính một ngày làm việc để làm nổi bật công dụng sản phẩm bằng cách điểm qua những môi trường khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Trong các chương trình hội chợ, triển lãm gần đây, Trung tâm luôn dành một gian hàng để hỗ trợ các nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử ocopgialai.vn, cũng như có chương trình kết nối với các sàn thương mại điện tử khác hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tạo gian hàng, hướng dẫn quy trình, kỹ năng kinh doanh trên sàn. Qua đó đã phần nào giúp nhà sản xuất cập nhật thêm kiến thức kinh doanh từ việc làm hình ảnh, video quảng bá, livestream bán hàng”.

Toàn tỉnh hiện có 139 xã có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến. Khoảng 20% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn như: Lazada, Shopee, Sendo, các ứng dụng di động và mạng xã hội như Facebook, Zalo… Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa chiếm khoảng 8%.
Cũng liên quan đến phát triển nền tảng số, chị Phạm Thị Từ Vân-Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ An Lộc (xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang) cho rằng: Cái chính là làm thế nào để lồng ghép thông điệp và khéo léo kết nối với khách hàng.
Ngày nay, sự bùng nổ của livestream bán hàng đang mang lại rất nhiều cơ hội cho người sản xuất kinh doanh. Vì vậy, từ việc chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia để có phiên livestream thành công, HTX cũng thực hành về khai thác câu chuyện sản phẩm, kể với một chất giọng chân chất, mộc mạc về nguồn gốc sản phẩm từ yếu tố ra đời với một tình yêu và niềm tự hào về sản phẩm.
“Hiện nay, HTX đang chú trọng làm một số sản phẩm OCOP về tinh dầu, các loại hạt dinh dưỡng, set phở khô Gia Lai… Nhờ thường xuyên quay các video về cách thức chăm sóc, chế biến sản phẩm của HTX để người xem thấy chân thật, gợi lên nhiều cảm xúc, dễ thuyết phục họ đi đến quyết định mua hàng”-chị Vân chia sẻ.
Với sự hỗ trợ của các chương trình tập huấn và sự nỗ lực không ngừng của các nhà sản xuất, nhiều sản phẩm của tỉnh đã tiếp cận người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân.
Tại các phiên Mega Live tổ chức tại tỉnh, sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương được quảng bá rộng rãi. Như hồi tháng 9-2024, tại phiên livestream bán hàng nông sản tỉnh Gia Lai trên nền tảng TikTok Shop với sự dẫn dắt của nhà sáng tạo nội dung Ninh Quế Anh, trong vòng 4 giờ đồng hồ đã kích cầu cho gần 100 sản phẩm đặc sản như: mật ong Phương Di, muối chấm Cô Hai Tây Nguyên, mắc ca Gia Lai, trà đậu đen Nam Phúc… tiếp cận mốc 149 ngàn lượt xem và tạo ra gần 800 đơn hàng.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/ho-tro-nha-san-xuat-sang-tao-noi-dung-ban-hang-tren-nen-tang-so-post317189.html
Bình luận (0)