Tổng thống Trump ký sắc lệnh sau màn tuyên bố thuế quan gây chấn động thế giới - Ảnh: AFP
Ngày 2-4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế mới, đe dọa gây ảnh hưởng đến tất cả các đối tác thương mại và hàng nhập khẩu vào Mỹ.
"Chúng ta đang bảo vệ người lao động Mỹ và cuối cùng cũng đặt nước Mỹ lên hàng đầu", ông Trump tuyên bố trong một buổi lễ tại Vườn Hồng trước khi ký sắc lệnh áp thuế.
Theo báo USA Today, chiến lược kinh tế này của ông Trump sẽ là một nước cờ đầy rủi ro khi có thể làm gia tăng cuộc chiến thương mại trên toàn cầu.
Dưới đây là năm điểm quan trọng nhất về chính sách thuế mới của Tổng thống Trump sẽ chính thức có hiệu lực trong tuần tới.
Thuế 10% với tất cả các nước
Theo đó, với mức thuế mới mà ông Trump vừa công bố, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu thêm 10% thuế - đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Washington.
Trước việc thâm hụt thương mại của Mỹ ở mức cao - khi nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu 1.200 tỉ USD trong năm 2024 - ông Trump đã ban bố đây là "tình trạng khẩn cấp quốc gia", từ đó sử dụng Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế năm 1977 để ban hành thuế.
Ông Trump công bố chính sách thuế với hàng chục quốc gia, Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%
"Chúng ta nhập khẩu gần như mọi thiết bị vi tính, điện thoại, tivi và đồ điện tử. Mỹ đã từng là quốc gia thống trị lĩnh vực này, và giờ chúng ta lại đi nhập khẩu tất cả từ các nước khác" - ông Trump nói, đề cập đến việc chỉ cần một nhà máy đóng tàu Trung Quốc đã có thể sản xuất nhiều tàu hơn tất cả các xưởng đóng tàu của Mỹ cộng lại.
"Thâm hụt thương mại kéo dài không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là một tình trạng khẩn cấp đe dọa đến an ninh và cuộc sống của chúng ta", Tổng thống Trump tuyên bố.
Ông Trump công bố mức thuế đối ứng với nhiều quốc gia trên thế giới - Ảnh: REUTERS
Thuế đối ứng nhắm vào khoảng 60 quốc gia
Tổng thống Trump áp đặt thêm các mức thuế đối ứng lên khoảng 60 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ và đặt nhiều rào cản nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Một quan chức Nhà Trắng đã gọi đây là những quốc gia "vi phạm nghiêm trọng nhất". Mức thuế đối ứng này được thiết lập bằng khoảng một nửa mức thuế mà các nước này đang áp dụng với hàng xuất khẩu từ Mỹ.
Các quốc gia Đông Nam Á là những nước bị đánh thuế cao nhất, với mức thuế lần lượt là 49% với Campuchia, 48% với Lào và 46% với Việt Nam.
Ngoài ra, các đối tác thương mại lớn của Mỹ cũng không nằm ngoài "danh sách tử thần" này, bao gồm: Trung Quốc 34% (cộng với thuế 20% trước đó, nâng tổng mức thuế lên 54%); Liên minh châu Âu 20%; Ấn Độ 26%...
Mức thuế cơ bản 10% sẽ có hiệu lực từ ngày 5-4, trong khi thuế đối ứng sẽ bắt đầu từ ngày 9-4.
Mexico, Canada được miễn thuế mới
Mexico và Canada sẽ được miễn mức thuế mới này, nhưng vẫn phải chịu thuế 25% mà Tổng thống Trump đã áp đặt trước đó.
Cụ thể, 25% thuế này đã được áp dụng từ tháng trước, nhằm đáp trả dòng chảy fentanyl từ cả hai nước và tình trạng di cư từ Mexico. Tuy nhiên, ông Trump sau đó đã đồng ý miễn thuế cho các mặt hàng nằm trong Hiệp định thương mại USMCA giữa ba nước.
Theo Nhà Trắng, hàng hóa tuân thủ USMCA vẫn sẽ được hưởng mức thuế 0%, trong khi hàng hóa không tuân thủ sẽ bị áp thuế 25%. Các sản phẩm năng lượng không tuân thủ và kali (thành phần quan trọng trong sản xuất phân bón) sẽ chịu mức thuế thấp hơn là 10%.
Canada và Mexico sẽ không phải chịu thêm mức thuế đối ứng mới của Mỹ - Ảnh: REUTERS
Giới kinh tế lo ngại suy thoái
Nhiều nhà kinh tế bày tỏ lo ngại về quy mô của các mức thuế mới này, cho rằng chúng lớn hơn nhiều so với dự đoán và có thể gây suy thoái kinh tế.
"Những mức thuế này thực sự rất cao, nếu được thực hiện đầy đủ, tôi nghĩ chúng sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái", ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's, chia sẻ.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã có cách tiếp cận không ổn định với thuế quan khi liên tục đe dọa áp thuế rồi rút lại sau khi đạt được nhượng bộ từ các nước.
Sắc lệnh áp thuế của vị tổng thống lần này cũng bao gồm quyền "điều chỉnh", cho phép ông tăng hoặc giảm mức thuế tùy theo tình hình.
"Nếu chúng ta áp thuế đúng như con số đó, tôi không biết nền kinh tế có thể chịu đựng nổi không. Tôi nghĩ đây là công thức dẫn đến suy thoái. Mức thuế này cao hơn nhiều so với những gì tôi từng dự đoán" - ông Zandi cảnh báo.
Các đối tác thương mại của Mỹ có thể đáp trả
Vòng thuế mới của ông Trump dự kiến sẽ kích hoạt các biện pháp đáp trả từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ, đẩy căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
Trước khi tổng thống Mỹ công bố quyết định, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã báo hiệu rằng châu Âu sẽ có phản ứng mạnh mẽ.
"Châu Âu có nhiều lợi thế, từ thương mại, công nghệ đến quy mô thị trường. Nhưng sức mạnh này cũng đến từ sự sẵn sàng thực hiện các biện pháp đáp trả mạnh mẽ nếu cần thiết. Mọi công cụ đều đang được cân nhắc" - bà Ursula von der Leyen tuyên bố trước Nghị viện châu Âu.
Trước động thái này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo các nước khác không nên trả đũa, nếu không Mỹ sẽ đáp trả mạnh hơn.
"Lời khuyên của tôi cho mọi quốc gia ngay lúc này là: Đừng trả đũa. Hãy chờ xem tình hình ra sao. Vì nếu các nước trả đũa, căng thẳng sẽ leo thang. Nếu không trả đũa, đây có thể là mức thuế cao nhất mà Mỹ áp dụng" - ông Bessent nói trên Đài Fox News sau tuyên bố thuế quan của Tổng thống Trump.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/5-diem-quan-trong-nhat-tu-chinh-sach-thue-doi-ung-cua-ong-trump-20250403095200008.htm
Bình luận (0)