Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hòa hợp văn hóa, cùng chung chí hướng

(GLO)- 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai (cũ) hợp nhất là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển vùng Duyên hải-Tây Nguyên. Cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội…, văn hóa nghệ thuật cũng được công chúng hết sức quan tâm.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai02/07/2025

Báo Gia Lai trích đăng ý kiến của cán bộ quản lý văn hóa, người công tác trong ngành văn hóa nghệ thuật, văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian…, về tiềm năng phát triển văn hóa, nghệ thuật sau hợp nhất.

lay-10.jpg
Tham quan các tác phẩm mỹ thuật được sáng tác qua Trại sáng tác trẻ VHNT Bình Định năm 2024. Ảnh: K.V

* NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN THANH QUANG:

Hai miền di sản chung dòng chảy lịch sử

lay2.jpg

Bình Định và Gia Lai (cũ) tuy thuộc 2 vùng địa lý khác nhau nhưng lại có nhiều nét tương đồng trong kho tàng di sản văn hóa khi xét trong bối cảnh lịch sử, văn hóa liên vùng miền Trung-Tây Nguyên. Gia Lai không chỉ có di chỉ Rộc Trưng-một trong những di chỉ khảo cổ học sơ kỳ đá cũ cho biết sự phát triển của loài người từ 800 nghìn năm trước, còn có trầm tích nền văn hóa Bàu Cạn-Sa Huỳnh, văn hóa Champa. Còn Bình Định là vùng đất hội tụ các nền văn hóa từ sớm đến muộn: Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh, Đông Sơn, Champa… Các nền văn hóa ấy của Bình Định và Gia Lai đều để lại dấu ấn khá đậm nét trong dòng chảy lịch sử.

3 yếu tố diên cách, văn hóa, cư dân sẽ tạo nên sự hòa hợp, gắn kết trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai (cũ) khi hợp nhất thành tỉnh Gia Lai (mới).

* ÔNG NGUYỄN VĂN TẤN, PHÓ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH BẢO TÀNG QUANG TRUNG:

Thắm đượm nghĩa tình Tây Sơn Hạ đạo và Tây Sơn Thượng đạo

lay3.jpg

2 tỉnh Bình Định và Gia Lai (cũ) có mối quan hệ sâu sắc gắn với lịch sử, văn hóa lâu đời giữa Tây Sơn Hạ đạo và Tây Sơn Thượng đạo. Đây là 2 vùng đất từng gắn bó trong khởi nghĩa nông dân Tây Sơn lẫy lừng sử sách. Khi Bình Định và Gia Lai hợp nhất thành tỉnh Gia Lai (mới) sẽ làm đậm nét hơn mối liên kết văn hóa-lịch sử ấy, đưa tinh thần “Tây Sơn thần tốc” vào trong mạch phát triển mới, với không gian phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, quảng bá các giá trị di sản phong trào nông dân Tây Sơn đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

* NHÀ VĂN LÊ HOÀI LƯƠNG:

Thêm nguồn cảm hứng sáng tạo từ quê hương mới

lay7.jpg

Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi nghe 2 tỉnh Bình Định với Gia Lai sáp nhập là: cuộc hợp nhất này tốt thôi, tốt nhiều mặt, với các thế mạnh địa lý, nguồn lực 2 vùng đất từ kinh tế đến lịch sử, văn hóa…

Về văn học, khi trở thành tỉnh mới, các cây bút của Gia Lai trong tương lai sẽ mang tâm thế của những người con vùng đất giàu truyền thống văn chương như: Văn Công Hùng, Hương Đình, Thu Loan, Phạm Đức Long… Còn Bình Định lại đang chứng kiến một làn sóng mới trong văn chương, với sự góp mặt của nhiều cây bút tuổi 30 như: Trương Công Tưởng, Vân Phi, Trần Quốc Toàn, Trần Văn Thiên, Mẫu Đơn, My Tiên… Sự hình thành của tỉnh mới, một quê hương mới hứa hẹn sẽ trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy những khao khát sáng tạo mới từ lớp tác giả trẻ hôm nay.

* HỌA SĨ, NHÀ ĐIÊU KHẮC LÊ TRỌNG NGHĨA:

Cơ hội mới cho mỹ thuật liên vùng

lay8.jpg

Chi hội Mỹ thuật Bình Định hiện có 30 hội viên, phần lớn là những họa sĩ, nhà điêu khắc đã định hình được phong cách cá nhân. Một số đã có dịp tham gia các sân chơi nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế và để lại dấu ấn đậm nét. Đây là lực lượng đã trải qua nhiều giai đoạn sáng tác, có thể chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành và tiếp lửa cho lớp nghệ sĩ trẻ.

Trong khi đó, Chi hội Mỹ thuật Gia Lai (cũ) có 47 hội viên, chủ yếu là họa sĩ trẻ, giàu nhiệt huyết và đang ngày càng khẳng định mình, xuất hiện đều đặn trong các kỳ triển lãm khu vực, nhiều người đã vươn ra sân chơi toàn quốc với những tác phẩm mang đậm hơi thở Tây Nguyên mạnh về hình, giàu cảm xúc, vừa nguyên sơ, vừa đương đại.

Tin rằng, sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan quản lý và hơn hết là sự cởi mở, khát khao sáng tạo từ chính người làm nghề, mỹ thuật Gia Lai sẽ có cơ hội bước sang một giai đoạn phát triển mới, dần trở thành một điển hình tích cực cho sự kết nối và phát triển liên vùng.

* NHÀ THƠ, NHÀ BÁO VĂN CÔNG HÙNG:

Phát huy cái khác biệt trong sự đồng nhất

lay11.jpg

Bình Định và Gia Lai rõ ràng là 2 vùng văn hóa hoàn toàn khác biệt. Một bên là đồng bằng (châu thổ) với văn minh lúa nước và biển, một bên là rừng núi với văn minh nương rẫy. Hai nền văn minh khác nhau tạo ra nền văn hóa khác nhau, thế nhưng lại không cách biệt vì từng có sự giao thoa.

Xưa kia, chính người Chăm đã mở một con đường đi xuyên từ thành Đồ Bàn (Bình Định) lên Tây Nguyên, sang tận Campuchia; ngược lại đồng bào người dân tộc thiểu số tại Gia Lai mang sản vật xuống Bình Định, Quảng Nam đổi chiêng và làm nên nền văn hóa cồng chiêng phong phú của riêng mình. Việc nhìn rõ những điều trên là cơ hội để chúng ta phát huy cái khác biệt trong sự đồng nhất khi 2 tỉnh sáp nhập.

Ví dụ, một phần quan trọng của văn hóa (và cả kinh tế) là du lịch, khi sáp nhập chúng ta phát triển được cả du lịch biển và rừng, rất hay. Nhưng muốn thế thì chúng ta phải giữ được bản sắc đôi bên. Đây là điều cần hết sức lưu tâm, không nên để chúng lấn át nhau. Cần phân biệt cái nào là sẽ hòa tan, cái nào triệt tiêu lẫn nhau, cái nào cần bảo tồn… Một khi văn hóa phát triển thì sẽ kéo theo sự phát triển chung của kinh tế-xã hội.

* NGHỆ SĨ ƯU TÚ ĐẶNG CÔNG HƯNG - PHÓ CHỦ TỊCH PHỤ TRÁCH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT GIA LAI:

Kết nối bản sắc, hướng tới tương lai

lay-12.jpg

Gia Lai với không gian văn hóa đại ngàn là nơi tiếng cồng chiêng vang vọng giữa rừng núi, mang theo hơi thở thiêng liêng của đất trời Tây Nguyên. Trong khi đó, Bình Định là vùng “đất Võ, trời Văn”, nơi nghệ thuật hiện diện một cách sinh động và đa chiều từ mạch nguồn văn hóa đồ sộ và cổ xưa qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Sự hội tụ của 2 dòng chảy văn hóa, một bên nguyên sơ, huyền thoại, một bên sắc sảo, phóng khoáng tạo ra cơ hội lớn để mở rộng biên độ sáng tạo và phát triển. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rõ rằng mỗi vùng đất đều có hệ giá trị, cách biểu đạt và đặc thù riêng; nếu không có sự thấu hiểu sâu sắc và cầu thị thì rất dễ dẫn đến sự “song hành không gặp gỡ”.

Chúng ta có quyền kỳ vọng, chính từ vùng đất hội tụ này, một diện mạo văn học nghệ thuật mới được hình thành: giàu bản sắc, sâu sắc về nội dung, sáng tạo trong hình thức và bền vững về giá trị. Đó sẽ là tiếng nói văn hóa mang hơi thở đại ngàn Tây Nguyên, khí phách đất võ Bình Định, một tiếng nói đầy nội lực, nhân văn, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển.

Nguồn: https://baogialai.com.vn/hoa-hop-van-hoa-cung-chung-chi-huong-post330595.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay
Bầu trời sông Hàn 'tuyệt đối điện ảnh'
Hoa hậu Việt Nam 2024 gọi tên Hà Trúc Linh, cô gái Phú Yên

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm