Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoàng Dũng có gì ở tuổi 30?

Bước vào lứa tuổi 30 với 10 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, Hoàng Dũng vẫn có những sự chuyển mình tích cực để âm nhạc của bản thân không trở nên nhàm chán.

ZNewsZNews13/07/2025

Hoàng Dũng không phải là một cái tên dẫn đầu thị trường, công phá các bảng xếp hạng, nhưng những ca khúc của anh có sức sống khá lâu bền trên thị trường. Bản hit Nàng thơ thời điểm ra mắt không nhận được quá nhiều chú ý, nhưng sau đó dần len lỏi vào từng ngóc ngách thông qua những bản cover và các buổi biểu diễn trên sân khấu sinh viên. Ca khúc Nửa thập kỷ trong album 25 ban đầu cũng không quá nổi bật, nhưng cũng “hồi sinh” sau đó nhờ bản cover của Trần Thu Hà trong The Masked Singer.

Vốn là một singer - songwriter mà năng lực được công nhận đều ở cả 2 mảng (á quân The Voice và vào đến chung kết Sing My Song), Hoàng Dũng có nhiều hướng để tiếp cận với khán giả. Trong album Xoay Tròn mới nhất, Hoàng Dũng tiếp tục khẳng định các kỹ năng ngày càng hoàn thiện của mình, và mở rộng thêm những yếu tố sâu sắc khác khi bắt đầu bước vào tuổi 30.

Tuổi 30 khác gì với “25”

Ở album đầu tay đánh dấu lứa tuổi 25, Hoàng Dũng sáng tác nhiều về chủ đề tình yêu, đặc biệt là những cảm xúc sau chia tay. Không phải là những ý tưởng quá đặc biệt, nhưng cách triển khai bài của Hoàng Dũng lại khá mới mẻ trên thị trường thời điểm đó khi khai thác những góc nhìn lạ lẫm hơn: Việc phải xây dựng những thói quen mới, phủi bụi những ký ức cũ, sự im lặng khi cuộc tình dần đến hồi kết,... Phần phối khí cũng được làm khá tối giản, chủ yếu tập trung vào những giai điệu ballad đẹp cùng giọng hát nam tính của Dũng.

Đến với Xoay Tròn, Hoàng Dũng đã có sự tiếp cận khác biệt. Ngay từ single mở đường La Bàn, Hoàng Dũng đã khai thác những âm thanh up tempo gần như anh chưa từng thực hiện trước đây. Phần sáng tác không có nhiều sự khác biệt, vẫn là góc nhìn mới về những chủ đề đã quen thuộc, nhưng lại đem đến nhiều thách thức cho Hoàng Dũng trong việc trình bày một ca khúc tiết tấu nhanh, và cũng thách thức những khán giả trung thành của anh khi vốn đã quen thuộc với những âm thanh dễ nghe, êm đềm. Lần đầu hợp tác với producer Pixel Neko vốn có thế mạnh trong các bản pop tươi trẻ tempo nhanh và phần nào là cả hiphop, Hoàng Dũng cho thấy sự quyết tâm thay đổi hình ảnh của mình.

Hoang Dung anh 1

Hoàng Dũng có sự thay đổi đáng kể trong cả mặt âm nhạc và nội dung ở album thứ 2 của mình.

Sự thay đổi này không quá bất ngờ hay đột ngột. Hoàng Dũng thực tế vốn là một giọng ca thiên về R&B nhiều hơn là ballad, đã được chứng minh qua các tiết mục trong The Voice. Sau này, khi hoạt động trên thị trường, với thị hiếu của phần lớn đại chúng, Hoàng Dũng mới dần thay đổi định hướng tới các ca khúc tiết tấu chậm. Những gì anh khai thác trong album Xoay Tròn có thể nói là Dũng đang trở về bản ngã của mình.

Không còn những ca khúc đơn thuần về tình yêu nữa, Hoàng Dũng ở Xoay Tròn khai thác nhiều chủ đề với đa lớp nghĩa hơn. Sao giờ em mới tới có thể hiểu đơn giản là 2 người yêu nhau đang chờ đợi nhau, nhưng cũng có thể hiểu rằng Hoàng Dũng đang chờ cảm hứng âm nhạc tới với mình. Em trồng cây có thể hiểu như một cô gái gieo những niềm hạnh phúc nhỏ trong lòng chàng trai, nhưng cũng có thể hiểu “em” ở đây chính là nghệ thuật đã mang đến cho chàng trai sức sống mới. Không quan trọng lại hướng đến việc buông bỏ hết mọi áp lực, để sống thật thoải mái, không gò bó với những thứ người khác áp đặt lên mình.

Sự xuất hiện của Pixel Neko và Lelarec - 2 producer chính của album - khiến cho những thông điệp mà Hoàng Dũng muốn truyền tải có thêm nhiều sức nặng hơn. Không còn tập trung quá nhiều vào melody và giọng hát để làm xương sống cho bài hát nữa, các ca khúc ở Xoay Tròn được khoác lên nhiều lớp áo mới mẻ.

Như ở Không quan trọng là giai điệu bossa nova lãng mạn, tạo cảm giác nhẹ nhõm êm đềm đúng như những chiêm nghiệm ở trong bài nhưng được Pixel Neko tăng tốc ở một số phân đoạn để khiến bài hát không quá dễ đoán. Hay khi tới Khiêu vũ trong đêm có thể đã là một bản nhạc lãng mạn đơn thuần, nhưng được cài cắm thêm một đoạn outro điện tử đậm đặc để khiến những hình ảnh trong bài trở nên siêu thực, mơ hồ hơn. Sâm PanhTách với sự tham gia của Lelarec (nghệ danh chung của Lê Nguyên Khôi và Cường Nhóc) mang đến cho Hoàng Dũng những âm thanh pop rock cũng ít khi thấy được trong âm nhạc của anh.

Vẫn có những thứ đậm chất Hoàng Dũng

Ở album lần này, Hoàng Dũng vẫn duy trì lối sáng tác không quá hào nhoáng bóng bẩy hay phải đặt thật nhiều hook trong bài để bắt tai ngay lần đầu tiên, cũng không nhắm đến việc tạo trend trên các nền tảng video ngắn. Các ca khúc của anh đều hướng đến giai điệu đẹp và ca từ có nhiều sự đầu tư, buộc người nghe phải nghe đi nghe lại nhiều lần để bóc tách hết nội dung.

Lyrics của Hoàng Dũng cũng mang đến những hình ảnh rất đặc biệt chỉ có ở riêng anh: “Nếu như anh quên đi mọi lý do khi anh bắt đầu/ Trước khi anh đi/ Nhắc anh luôn mang theo la bàn” (La Bàn), “Khúc giao thời xuôi ngược, cứ quên lời, chỉ cần nhớ nâng niu ký ức không rời” (Sâm Panh), “Ta đâu cần giáo sư dạy mình tiêu hết quỹ giờ chúng ta còn thừa thiếu/ Không quan trọng lắm đâu, xin đừng nghĩ nhiều” (Không quan trọng).

Hoang Dung anh 2

Hoàng Dũng vẫn là người làm chủ dự án và giữ được màu sắc âm nhạc riêng.

Hoàng Dũng cũng không từ bỏ hẳn những ca khúc tiết tấu chậm, có phần đơn giản để giữ chân những khán giả trung thành trước đây. Bức tranh và cánh chim, Giữ anh cho ngày hôm qua hay Đừng giữ chỗ là những ca khúc an toàn như vậy, và được đánh giá có thể sẽ là những track sẽ mang lại cho Dũng thêm những bản hit.

Và thứ luôn khiến cho Hoàng Dũng khác biệt rõ ràng so với những nghệ sĩ có cùng phong cách trên thị trường - giọng hát - thì vẫn rất tốt và ngày càng hoàn thiện chắc chắn hơn. Đối với những ca sĩ chưa có kỹ thuật tốt, khi hát những ca khúc up beat, phần lời, nhất là những từ khó chứa dấu hỏi ngã nặng, thường bị hát lướt hoặc bẻ dấu khiến khán giả nghe không rõ.

Tuy nhiên, điều này không xảy ra với Dũng. Ngay cả ở những ca khúc có tiết tấu nhanh hơn khá nhiều như La Bàn, Sao giờ em mới tới thì Dũng vẫn hát rõ từng chữ từng từ, vô tình tạo nên một phong cách rất riêng ở Vpop. Những ca khúc có phần “tình” như Khiêu Vũ trong đêm hay Em trồng cây thì đã là sở trường của Dũng nhờ sự vững chắc, nam tính, ít khi hát vượt ra ngoài quãng giọng mà tập trung vào việc xử lý thật tốt những thứ trong vùng an toàn.

Ở tuổi 30, khi không còn quá quan trọng vào việc tìm chỗ đứng trên thị trường, chứng tỏ khả năng của bản thân nữa, Hoàng Dũng nhẹ nhõm hơn trong việc khai phá những khía cạnh khác trong âm nhạc của mình. Anh cũng có thêm nhiều chiêm nghiệm, thêm vài phần sâu sắc để làm dày hơn những sáng tác vốn đã thuộc dạng có chất lượng tại địa hạt nhạc Việt. Xoay Tròn có thể không quá hào nhoáng hay đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng, nhưng chắc chắn vẫn sẽ có sức sống lâu bền nhưng các sản phẩm từ trước đến nay của Dũng.

Nguồn: https://znews.vn/hoang-dung-co-gi-o-tuoi-30-post1568294.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm