Bỏ tiền mua sự an tâm
Thời điểm kì thi tốt nghiệp THPT đang đến rất gần, Hải Nguyên (THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An) cho biết, em thường áp dụng Chat GPT để luyện tập môn tiếng Anh. Trong đó, AI thành người chấm bài, sửa lỗi ngữ pháp hoặc giải đáp thắc mắc về từ vựng và cấu trúc.
Cũng là học sinh cuối cấp, em Trần Lâm (THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội) tải xuống các phần mềm có Chatbot hỗ trợ.
"Một số ứng dụng như Qanda, Gauth,... đều luôn có sẵn trong điện thoại. Tất cả đều có AI, em chỉ cần chụp ảnh câu hỏi khó, AI có thể giải thích từng bước, đưa ra gợi ý và đánh giá bài tập.
Ngoài giờ học trên lớp, sự tiện lợi của AI đã giúp các bạn học sinh bù đắp lỗ hổng kiến thức, dễ dàng có được đáp án phân tích chi tiết và tiết kiệm thời gian hỏi thầy cô. Mặc vậy, nó khiến em nhiều khi lười suy nghĩ, chỉ nhờ AI giải bài", Lâm cho biết.

Không chỉ học sinh tự tìm tòi, một số phụ huynh cũng chủ động mua gói AI nâng cấp để hỗ trợ con em tiếp cận các nền tảng trí tuệ nhân tạo.
Chị Khương (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, mình chi khoảng 500.000 đồng mỗi tháng để mua bản nâng cấp của AI Gemini. "Tôi thấy cháu phản hồi tốt về việc sử dụng AI để tra cứu các tài liệu và bộ đề thi nên đầu tư để con có thể khai thác thông tin thuận lợi", chị Khương cho hay.
Phụ huynh này cũng cho biết, việc đầu tư trên đã cân nhắc kỹ lưỡng sau khi gia đình tham khảo ý kiến giáo viên và bạn bè.
Tuy AI không thể thay thế thầy cô nhưng sẽ là công cụ tốt nếu con biết cách dùng. Nhiều ứng dụng giải bài tập nắm bắt được xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo, nhanh chóng cập nhật vào sản phẩm. Do vậy, đầu tư thêm tài khoản này cho con khiến chị yên tâm hơn.
Bạn đồng hành, không thể là "lối tắt"
AI sở hữu khả năng tự tổng hợp kiến thức, phân tích vượt trội nên không ít giáo viên ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong thói quen học tập của học sinh khi có sự hỗ trợ từ AI.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên bộ môn sinh học, trường THPT chuyên Chu Văn An Hà Nội, chia sẻ thầy cô cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tham khảo đề xuất bài giảng cho học sinh và gợi ý các em cách để sử dụng AI hiệu quả.
"Đa số học sinh sẽ tự giải đề, khi có câu hỏi khó các bạn sẽ sao chép vào AI để xem hướng giải đề và tự làm lại để nhớ lâu", cô Hà cho biết.
Cô Hà nhận thấy, nhiều học sinh khi ôn luyện môn sinh sẽ tạo sơ đồ tư duy các chương để dễ dàng ghi nhớ nhưng cô khuyên học sinh tự kiểm nghiệm lại độ chính xác của kết quả bằng năng lực bản thân.
Theo cô, AI chỉ nên là công cụ tham khảo vì kết quả còn phụ thuộc vào việc đặt lệnh và ngữ cảnh người dùng cung cấp.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Nam Anh).
Cô Thùy Dung, giáo viên trường THPT Thượng Cát (Hà Nội), lo ngại mặc dù trí tuệ nhân tạo giúp tăng tốc độ học nhưng có thể khiến học sinh mất đi phản xạ và kĩ năng làm bài.
"Đề thi theo chương trình mới tập trung vào tính ứng dụng cao thay vì nhiều lý thuyết và giới hạn dạng đề như kỳ thi cũ. Bởi vậy, nhiều học sinh quen tìm đáp án bằng AI sẽ không có kỹ năng tự tổng hợp, phân tích và tư duy giải đề", cô Dung nói.
Cô Dung nhận định, một số trường hợp học sinh còn lợi dụng AI để gian lận, sao chép đáp án vào bài làm. "AI viết văn rất trôi chảy, nhưng không có cảm xúc thật. Khi học sinh chỉ dựa vào gợi ý của AI, bài làm sẽ giống nhau, thiếu cá tính và chiều sâu".
Cô cũng lưu ý AI phù hợp để giúp đỡ học sinh trong giai đoạn phát triển ý tưởng, nhưng không thể thay thế kỹ năng thật sự. Vì vậy, AI chỉ nên là người bạn đồng hành thay vì "lối tắt" trong học tập.
Thùy Dương
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hoc-sinh-dung-ai-de-on-thi-tot-nghiep-thpt-bo-tien-mua-su-yen-tam-20250518081014979.htm
Bình luận (0)