Ea Súp là huyện biên giới của Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột gần 70km, có đường biên giới dài 26,3km giáp Campuchia. Toàn huyện có 10 đơn vị hành chính, với dân số trên 81.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 45%. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 31,67%.

Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo huyện Ea Súp báo cáo, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã triển khai 10 dự án và 18 tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số vốn phân bổ hơn 320 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ giải ngân đạt gần 78%, trong đó có nhiều dự án đạt tỷ lệ giải ngân cao như Dự án 2 đạt 86%, Dự án 3 đạt 98%, Dự án 7 đạt 100%.

Nhờ đó, hệ thống hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư, với 42 công trình giao thông mới, 52 công trình được bảo dưỡng, hỗ trợ nước sinh hoạt cho gần 3.800 hộ dân. Huyện cũng triển khai 53 mô hình phát triển sản xuất, cấp phát 1.372 con bò giống, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 216 hộ dân, góp phần cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh quyết toán còn bất cập do mua bò hỗ trợ từ dân địa phương không có hóa đơn tài chính, gây lúng túng cho cơ sở. Công tác sắp xếp, ổn định dân di cư tự do thuộc Dự án 2 cũng gặp vướng mắc do quy trình xét duyệt đối tượng chưa thống nhất; việc lập dự án trước khi xét đối tượng khiến quá trình triển khai chậm.

Đáng chú ý, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, nhiều địa phương thay đổi về quy mô, đối tượng thụ hưởng, ảnh hưởng đến việc triển khai Chương trình. Huyện Ea Súp đề xuất cần rà soát lại tiêu chí, đối tượng cho phù hợp với thực tế mới hiện nay.
Đại diện huyện Ea Súp cũng đề nghị Trung ương nghiên cứu phương án gộp 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi) thành một Chương trình thống nhất, nhằm tập trung nguồn lực và đồng bộ trong chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Ngoài ra, huyện kiến nghị cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn cụ thể, sát thực tiễn cho cán bộ cấp xã, tháo gỡ tình trạng lúng túng trong triển khai. Đặc biệt, đề nghị cơ quan thường trực Chương trình cấp Trung ương cần đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên, giúp cơ sở yên tâm tổ chức thực hiện.

Đại diện Đoàn khảo sát ghi nhận nỗ lực của huyện trong triển khai Chương trình, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đánh giá thực chất hiệu quả thực hiện. Đoàn khảo sát đề nghị địa phương cần làm rõ hơn kết quả với từng dự án thành phần: dự án nào đã triển khai tốt, dự án nào còn vướng mắc, nguyên nhân cụ thể là gì? Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn rất cao, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn cao, do đó cần đánh giá sát thực hơn mức độ tác động của các chương trình tới đời sống nhân dân.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả bước đầu mà huyện Ea Súp đạt được trong triển khai Chương trình. Đồng thời nhấn mạnh, Ea Súp là địa phương có tính đặc thù cao, với nhiều điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn lớn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không thuận lợi cho phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, công tác ổn định dân cư còn nhiều thách thức, việc liên kết sản xuất trong cộng đồng dân cư chưa hình thành rõ nét.

Đại diện lãnh đạo xã Ea Rốk, huyện Ea Súp phát biểu ý kiến
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị huyện Ea Súp tiếp tục hoàn thiện báo cáo, bám sát các nội dung trao đổi, làm rõ hơn những khó khăn thực tế và kiến nghị, đề xuất. Qua đó, góp phần xây dựng báo cáo chung sát với thực tiễn, phục vụ đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới đề xuất các giải pháp phù hợp hơn cho giai đoạn tiếp theo.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/hoi-dong-dan-toc-khao-sat-viec-thuc-hien-chuong-trinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-tai-ea-sup-dak-lak-post410585.html
Bình luận (0)