Không gian trưng bày hơn 300 tư liệu hình ảnh và hiện vật với những dấu mốc lịch sử của thành phố trước và sau ngày giải phóng tại triển lãm chuyên đề “Đà Nẵng - Nhìn lại 50 ngày giải phóng”. Ảnh: H.V |
Bác sĩ Trần Huy Tưởng (SN 1944, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê), nguyên Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện C Đà Nẵng bày tỏ, ông chứng kiến khoảnh khắc thành phố trước và sau ngày giải phóng. Lúc đó, thành phố khó khăn về mọi mặt, thế nhưng, qua 50 năm, nhìn lại Đà Nẵng thay da đổi thịt với cơ sở vật chất hiện đại, kinh tế phát triển, an ninh bảo đảm, nhất là trên dòng Hàn giang có thêm những cây cầu tuyệt đẹp. “Tôi mong rằng, triển lãm giúp lớp trẻ biết về những khó khăn ở quá khứ để trong tương lai góp phần giữ gìn và xây dựng thành phố”, ông Tưởng bộc bạch.
Cùng chung cảm xúc giống ông Tưởng, ông Nguyễn Hùng (SN 1954, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) chăm chú đọc từng dòng chữ, hình ảnh, hiện vật với ánh mắt đầy tự hào. Qua đó, những ký ức ngày ấy như tái hiện lại trong ký ức. Bởi ông còn nhớ như in những ngày đầu sau giải phóng, Đà Nẵng vẫn còn xóm chuối, bãi mía, nhà chồ… thì hôm nay dần khang trang, sạch đẹp và tiện nghi hơn.
Đồng thời, triển lãm giúp ông nhìn lại quãng đường đầy chông gai của thành phố để bước sang trang mới từ khi còn là căn cứ liên hợp quân sự hải lục không quân lớn nhất miền Trung đến lực lượng vũ trang cùng nhân dân tiến công, nổi dậy giải phóng và sau đó là giai đoạn tự hào vươn lên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ông hiểu rằng, có được thành quả như vậy là nhờ những quyết sách đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân thành phố trước đây lẫn hôm nay.
Triển lãm chuyên đề “Đà Nẵng - Nhìn lại 50 năm giải phóng” tái hiện không khí hào hùng của những ngày 50 năm về trước qua ba phần. Nếu phần một mô tả Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự hải lục không quân lớn nhất miền Trung trước năm 1975, thì phần hai, triển lãm khắc họa lực lượng Quân khu 5 cùng nhân dân trong tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng năm 1975 với các sự kiện, Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà họp bàn phương án giải phóng và bàn phương án tiếp quản Đà Nẵng, các chiến sĩ vượt sông bằng thuyền và nhân dân vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch giải phóng.
Còn phần ba là Đà Nẵng tự hào và khát vọng, nêu bật các thành tựu như: Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đà Nẵng là đô thị loại I (năm 2003), lễ khánh thành cầu Sông Hàn (năm 2000) và các công trình đánh dấu sự chuyển mình của thành phố… Ngoài ra, triển lãm tiếp nhận và trưng bày hơn 100 kỷ vật, tư liệu lịch sử từ cán bộ, người dân trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia hay các hiện vật gắn liền cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí: Võ Chí Công, Chu Huy Mân…
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ, triển lãm chuyên đề “Đà Nẵng - Nhìn lại 50 năm ngày giải phóng” nhằm chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố, 50 năm ngày giải phóng Đà Nẵng và hướng đến 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Triển lãm kéo dài đến ngày 20-4 và là triển lãm chuyên đề đầu tiên của Bảo tàng Đà Nẵng sau khi chuyển về địa chỉ mới. Ông bày tỏ mong muốn, triển lãm giúp công chúng khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, nhất là thế hệ trẻ, để trân trọng, biết ơn, tri ân những hy sinh, cống hiến to lớn của cha ông.
Cùng với đó, triển lãm góp phần nâng cao, giáo dục nhận thức, lòng tự hào của người dân thành phố về truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng. Song song, triển lãm giúp người xem kết nối và cảm nhận về sự đổi thay ngoạn mục của thành phố trước và sau ngày giải phóng. Đồng thời, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân hiến tặng những hiện vật, kỷ vật không chỉ giúp bảo tàng lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà còn góp phần vào công tác giáo dục, nghiên cứu, bảo tồn và tiếp tục lan tỏa những giá trị ý nghĩa đến cộng đồng.
HUỲNH VŨ
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/da-nang-hanh-trinh-khat-vong-4004806/
Bình luận (0)