Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhiều nông dân Hải Dương sản xuất vì người tiêu dùng

Những năm qua, nhiều nông dân Hải Dương chú trọng sản xuất xanh, sạch, bảo đảm chất lượng, hướng tới giá trị bền vững vì sức khỏe người tiêu dùng.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương20/04/2025

rau-mau-viet-gap.jpg
Hải Dương được biết đến là vựa rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở miền Bắc. Ảnh: THÀNH CHUNG

Sản xuất sạch

Nhờ nhanh nhạy nắm bắt những đổi mới, tiến bộ trong sản xuất, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) luôn “sống khỏe” và trở thành hợp tác xã kiểu mẫu của tỉnh. Bí quyết để có được kết quả này là hợp tác xã luôn hướng tới mục tiêu vì người tiêu dùng. Sản xuất theo quy trình VietGAP đã quen thuộc với các thành viên trong hợp tác xã từ lâu.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn hiện có 70 ha rau màu đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 33 ha đang chờ thẩm định. Ngoài ra, hợp tác xã đã xây dựng được 3 vùng trồng cà rốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu với diện tích hơn 30 ha. Hợp tác xã đang đề xuất xây dựng 70 ha nuôi cá theo VietGAP.

Nhờ sản xuất sạch, nông sản của hợp tác xã được doanh nghiệp bao tiêu, đầu ra ổn định, thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Văn Mịch, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn cho biết: “Trước đây, nông dân trong xã mạnh ai nấy làm, chất lượng không được kiểm soát nên tiêu thụ bấp bênh. Từ ngày sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo đảm điều kiện về xuất xứ, kiểm định nên không lo về đầu ra. Nhờ đó, nông dân sản xuất có trách nhiệm hơn, người tiêu dùng an tâm, tin tưởng khi sử dụng nông sản”.

anh-tien-san-xuat-nong-san-sach.jpg
Anh Nguyễn Văn Tiến áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch, an toàn để làm ra nông sản chất lượng

Sau một thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản, năm 2019, anh Nguyễn Văn Tiến ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) về quê, quyết tâm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm nông nghiệp ở nước bạn, anh Tiến luôn trăn trở khi chất lượng nông sản, thực phẩm sử dụng hằng ngày vẫn còn “thả nổi”. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm mất uy tín của chính những người sản xuất. Vì thế, trong quá trình gây dựng trang trại, anh Tiến luôn đặt chất lượng nông sản lên hàng đầu.

Sản phẩm dưa lưới, dưa chuột anh Tiến cung cấp ra thị trường đều có tem truy xuất nguồn gốc. Chỉ một thao tác quét mã QR, người tiêu dùng có thể biết đầy đủ thông tin về nông sản từ nguồn gốc cây giống, điều kiện canh tác đến chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. “Cũng nhờ thực hiện chuẩn chỉ, nghiêm ngặt các yêu cầu về quản lý chất lượng, nông sản nhà tôi rất đắt hàng. Không chỉ bán cho các doanh nghiệp xuất vào siêu thị, cửa hàng tiện ích mà nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến còn trực tiếp tới tận trang trại mua về sử dụng”, anh Tiến thông tin.

Xu hướng tất yếu

san-xuat-nong-san-sach.jpg
Nông sản Hải Dương trước khi cung cấp ra thị trường được đóng gói, dán tem mác đầy đủ

Nông sản, thực phẩm là nguyên liệu đầu vào làm ra đồ ăn, thức uống hằng ngày. Nguyên liệu có bảo đảm thì mới an toàn và tốt cho sức khỏe người dùng. Khi xã hội ngày càng phát triển, người dân lựa chọn thực phẩm cũng khắt khe hơn. Vì thế, sản xuất ra nông sản sạch là xu hướng tất yếu, không chỉ bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng mà còn là giải pháp để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Vài năm nay, thay vì mua thực phẩm tại các chợ dân sinh, chị Vũ Thị Chi ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) có thói quen tới siêu thị, cửa hàng tiện lợi để chọn. Theo chị Chi, gia đình có cả người già, trẻ nhỏ nên chị rất cẩn thận trong việc ăn uống. Những thực phẩm trong siêu thị có đầy đủ thông tin nên chị Chi cũng an tâm, tin tưởng hơn. “Qua thông tin trên tem mác, tôi biết được có nhiều nông sản, thực phẩm của Hải Dương được bày bán trong siêu thị. Điều này cho thấy nông dân trong tỉnh sản xuất ngày càng chuyên nghiệp, bài bản. Vì thế, tôi luôn ủng hộ sản phẩm của quê hương”, chị Chi cho hay.

nong-san-hai-duong.jpg
Nhiều người dân chọn mua các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong siêu thị để bảo đảm chất lượng tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm

Hải Dương hiện có khoảng 15.500 ha rau màu, trái cây sản xuất theo quy trình VietGAP. Toàn tỉnh có hơn 400 ha canh tác theo hướng hữu cơ. Hải Dương cũng xây dựng được hàng trăm mã số vùng trồng xuất khẩu. Trong chăn nuôi, tỉnh có hơn 520 cơ sở đáp ứng tiêu chí sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Hơn 1.000 ha nuôi thủy sản VietGAP và theo hình thức “ao nổi” bảo đảm nguồn nước nuôi tuần hoàn. Hải Dương cũng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nhà màng, nhà lưới, áp dụng tưới tiết kiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là minh chứng cho thấy nông dân trong tỉnh có chuyển biến rất tích cực trong sản xuất vì sức khỏe người tiêu dùng cũng như lợi ích lâu dài của bản thân.

Được cấp chứng nhận sản xuất đạt chuẩn là lợi thế cạnh tranh để nông dân trong tỉnh thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song hiện nay vẫn còn một số rào cản khiến nông sản sạch chưa tạo dựng được chỗ đứng vững chắc. Bà Phạm Thị Mây ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) là một trong số ít người mạnh dạn áp dụng sản xuất VietGAP trong chăn nuôi lợn từ sớm. Thế nhưng, gần 10 năm triển khai bà Mây nhận thấy lợn chăn nuôi theo VietGAP có thời điểm vẫn còn bị đánh đồng với sản phẩm đại trà. Vì thế, bà đề xuất cần phải có cơ chế để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho những nông dân sản xuất sạch.

Nông dân sản xuất sạch, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng cũng là bảo vệ chính mình. Việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất là nền tảng để ngành nông nghiệp phát triển ổn định, dài lâu.

PV

Nguồn: https://baohaiduong.vn/nhieu-nong-dan-hai-duong-san-xuat-vi-nguoi-tieu-dung-409578.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm