Nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP
Lâu nay, ở Nghệ An, nói tới sản phẩm mây, tre đan người ta nhắc tới thương hiệu Đức Phong. Trải qua thời gian, mây, tre đan Đức Phong đã kết hợp được nét truyền thống và hiện đại, nhưng vẫn giữ được sự tinh tế độc đáo riêng của làng nghề Việt, được bạn hàng nhiều quốc gia đón nhận.
Bộ đèn tre của Công ty TNHH Đức Phong được xét duyệt danh hiệu OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Ảnh: TH
Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết: Mỗi năm, công ty thiết kế mới từ 20 - 40 sản phẩm và thường xuyên cải tiến mẫu mã. Ngoài tính ứng dụng cao trong cuộc sống hiện đại như: khay, hộp, lồng đèn, giỏ đựng các loại, đồ trang trí, hàng lưu niệm, bàn ghế... sản phẩm mây, tre đan thu hút khách hàng bởi yếu tố thân thiện với môi trường, tạo nên không gian sống xanh.
Vừa qua, bộ đèn tre của Công ty TNHH Đức Phong, gồm đèn treo xoắn tre, đèn bàn cánh sen, đèn ốp tường - chính thức được xét duyệt danh hiệu OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Trước đó, vào năm 2022, 5 sản phẩm khác của doanh nghiệp này cũng đã được vinh danh 5 sao OCOP. Tính đến nay, đây là nhóm sản phẩm duy nhất của Nghệ An 2 lần được công nhận sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH XNK Thảo dược Hằng Moon. Ảnh: TH
Công ty TNHH XNK Thảo dược Hằng Moon (Đô Lương) là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm thảo dược tiêu dùng lành tính, an toàn, hiệu quả cho người sử dụng. Công ty này hiện có 20 sản phẩm thảo dược phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng như: dầu gội, sữa tắm, xà bông,…; trong đó, có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022: dầu gội, sữa tắm gội cho bé, tinh dầu răng miệng và dung dịch vệ sinh nghệ trầu không.
Tháng 6/2024, sản phẩm trà búp tía tô là 1 trong 7 sản phẩm OCOP đầu tiên của Công ty TNHH XNK Thảo dược Hằng Moon, đã đạt giải Nhì tại Chương trình “Hành trình OCOP” lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
Vùng nguyên liệu được các cơ sở sản xuất quan tâm đầu tư, đảm bảo số lượng và chất lượng. Ảnh: TH
Chị Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH XNK Thảo dược Hằng Moon cho biết: "Bước đầu, một số sản phẩm khởi nghiệp từ nông sản địa phương của tôi đã gặt hái thành công. Để có được kết quả đó, bên cạnh yếu tố chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu, thì chúng tôi cũng rất quan tâm xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, với sự bùng nổ của Internet, chúng tôi tăng cường truyền thông trên mạng xã hội, với các hình thức bán hàng và marketing trên mạng xã hội. Điều này được xem là hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp bước đầu khởi nghiệp như chúng tôi".
Bên cạnh việc lưu giữ và bảo tồn giá trị truyền thống, các doanh nghiệp không ngừng cải tiến sản phẩm và công nghệ sản xuất để đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Các sản phẩm OCOP được cấp chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, có tiềm năng, lợi thế vùng để tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành lớn tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc..., từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP. Đây là hướng đi phù hợp, trở thành công cụ hiệu quả trong phát triển bền vững sản xuất và thị trường.
Nâng tầm thương hiệu Việt
Gian trưng bày sản phẩm mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong tại Đức. Ảnh: CTV
Đến nay, Nghệ An có nhiều sản phẩm được bảo hộ và phát triển tốt. Các sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, truyền thống của Nghệ An, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ví như các sản phẩm: Sen quê Bác, hương trầm Quỳ Châu, nước mắm Vạn Phần, cá thu nướng Cửa Lò, mật ong Tây Hiếu, mật mía làng Găng, mực khô Quỳnh Lưu, bò giàng Tương Dương, rượu men lá Con Cuông...
Một số địa phương đã chú trọng phát triển sản phẩm OCOP song song với xây dựng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, HACCP...
Các dòng sản phẩm dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của Công ty HaDaLiFa (phường Nghi Hòa, TP. Vinh) đã được xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Nga... Ảnh: TH
Với những tiềm năng sẵn có, cùng với việc thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, các sản phẩm OCOP đang được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, xây dựng thương hiệu mạnh.
“
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Triển khai thực hiện các hoạt động của Tuần lễ "Thương hiệu Quốc gia" chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4), ngành Công Thương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá Chương trình "Thương hiệu Quốc gia"; tuyên truyền thực hiện xây dựng những thương hiệu hàng hóa, dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Đồng thời, tôn vinh, quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, qua đó, nâng tầm sản phẩm thương hiệu Việt.
“Thương hiệu Quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo” là chủ đề cho các hoạt động Ngày Thương hiệu Việt Nam năm 2025. Nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ "Thương hiệu Quốc gia Việt Nam", nhân dịp kỷ niệm 17 năm Ngày Thương hiệu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có thư chúc mừng gửi đến cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp. Trong thư, Bộ trưởng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, sáng tạo, tinh thần vượt khó của doanh nghiệp Việt Nam - lực lượng nòng cốt đóng góp cho sự phát triển của thương hiệu quốc gia Việt Nam trong thời gian qua.
Năm 2024 - 2025, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, Bộ trưởng đánh giá cao những thành tựu quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là sự chủ động vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và nâng tầm thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Đáng chú ý, Việt Nam liên tục được xếp hạng cao trên bản đồ thu hút đầu tư quốc tế, nằm trong tốp 3 ASEAN và thuộc tốp 15 nền kinh tế có giá trị FDI cao nhất, đồng thời, duy trì vị trí tốp 20 quốc gia có mức độ thương mại hàng hóa hàng đầu toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: TH
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Chương trình "Thương hiệu Quốc gia Việt Nam" bước sang năm thứ 25 với ý nghĩa đặc biệt quan trọng - không chỉ tiếp tục tôn vinh giá trị thương hiệu Việt, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong giai đoạn 2025 - 2030, cần tập trung xây dựng thương hiệu doanh nghiệp gắn liền với thương hiệu quốc gia, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, đồng thời, chú trọng yếu tố phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.
ADQuảng cáo
Nguồn: https://baonghean.vn/nghe-an-doi-moi-sang-tao-trong-xay-dung-thuong-hieu-san-pham-10295462.html
Bình luận (0)