Từ ngày 7/4, người dân xóm Nguyễn Trãi, xã Nghĩa Hành phát hiện hàng loạt sâu đo nâu xuất hiện dày đặc trên các diện tích trồng keo. Loài sâu này chủ yếu tấn công cây keo từ 5 tháng đến 3 năm tuổi, khiến nhiều diện tích rừng bị ảnh hưởng đến bộ lá. Trước diễn biến nhanh và nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã khẩn trương vào cuộc.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành, thống kê ban đầu cho thấy, khoảng 150ha trong tổng số 1.100 ha rừng keo của xã đã bị sâu tấn công, trong đó có 60 ha bị gây hại nghiêm trọng, với mật độ sâu lên tới hơn 500 con/cây. “Keo là cây trồng chủ lực, nếu không kiểm soát sâu bệnh kịp thời, người dân sẽ thiệt hại nặng nề”, ông Tuấn lo lắng.
Do cây keo có tán cao, diện tích trồng phân tán, người dân không thể sử dụng các phương pháp thủ công để phun thuốc. Trước tình hình đó, xã Nghĩa Hành đã đề nghị huyện hỗ trợ giải pháp cơ giới hóa. Ngày 10/4, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ đã điều động thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích 60ha rừng bị hại nặng. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 90ha rừng ở các xóm Nguyễn Trãi và Đội Cung chưa được xử lý.

Ông Võ Văn Cường – Xóm trưởng xóm Đội Cung chia sẻ, sâu đo nâu bắt đầu xuất hiện ở xóm từ ngày 17/4 trên 11ha keo của 7 hộ dân. Qua theo dõi, ông nhận thấy, những khu vực có cây lim thì đều có mật độ sâu cao hơn. “Trên địa bàn có nhiều cây lim lớn đã bị ăn trụi lá. Sau đó, sâu lan ra rừng keo xung quanh. Do đó, cây lim có thể là "ổ" sinh sản của sâu đo nâu”, ông Cường nói.
Thực tế, hầu hết các cây lim tại xã Nghĩa Hành đều bị sâu đo ăn trụi lá. Các nhà chuyên môn nhận định, sâu đo nâu vốn là loài ký sinh trên cây lim. Khi không còn lá lim để ăn, chúng di chuyển sang keo – loài cây có mật độ trồng dày đặc, lá non và dễ tấn công.

Theo ông Nguyễn Văn Trình – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ, hiện nay là thời điểm thuận lợi để xử lý sâu non ở lứa tuổi 1 đến 3. Việc phun thuốc đúng thời điểm giúp kiểm soát hiệu quả vòng đời sâu, hạn chế lây lan. Kết quả ban đầu từ việc phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái cho thấy tỷ lệ tiêu diệt sâu non đạt trên 90%.
“Chúng tôi khuyến cáo bà con nên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, an toàn với môi trường và vật nuôi. Đồng thời, kết hợp vệ sinh rừng, phát quang bụi rậm, loại bỏ lớp thực bì khô quanh gốc cây để hạn chế nơi trú ngụ của sâu”, ông Trình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một vấn đề được người dân nêu ra là việc phun thuốc phải thực hiện đồng loạt mới phát huy hiệu quả. Nếu chỉ vài hộ phun mà những hộ khác không phối hợp, sâu vẫn sẽ tiếp tục phát tán. Do đó, các hộ dân đã kiến nghị chính quyền tổ chức phun tập trung, đồng bộ, sử dụng thiết bị bay không người lái để đảm bảo hiệu quả phòng trừ sâu bệnh trên quy mô lớn.
Tân Kỳ là huyện có diện tích trồng keo nguyên liệu lớn. Cây keo không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống, đồi trọc. Vì vậy, việc phát hiện, xử lý và ngăn chặn sâu bệnh hại keo kịp thời là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp.

Để tránh nguy cơ bùng phát sâu đo nâu trên diện rộng, ngành chức năng khuyến cáo các địa phương và chủ rừng cần chủ động giám sát, phát hiện sớm và triển khai các biện pháp bao vây, phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu cao. Việc kết hợp giữa ứng dụng công nghệ và sự phối hợp đồng bộ giữa các hộ dân sẽ là yếu tố then chốt để kiểm soát dịch hại một cách hiệu quả.
Nguồn: https://baonghean.vn/sau-do-gay-hai-rung-keo-bung-phat-o-tan-ky-10295622.html
Bình luận (0)