Những ngày này, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, đang tích cực chuẩn bị cho công tác tổ chức Hội Kiêng gió năm 2025, đồng thời khai thác các sản phẩm mới, phát huy hiệu quả các sản phẩm du lịch truyền thống để thu hút du khách trong mùa hè năm 2025.
Anh Tằng Văn Dào – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn chia sẻ thêm: “Hội Kiêng gió là một hoạt động được tổ chức thường niên, do đó, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã đựa việc tổ chức Hội vào Kế hoạch công tác năm. Đến nay, chúng tôi đã chỉ đạo các thôn, bản huy động nhân dân trong thôn tập chung chuẩn bị, tập luyện các tiết mục văn nghệ, các môn thể thao dân tộc để tham gia trong ngày hội diễn ra vào ngày 4/4 âm lịch tới. Hội năm nay đặc biệt hơn vì Hội do UBND huyện tổ chức, đồng thời được đón nhận danh hiệu công nhận Tục Kiêng gió của người Dao vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mời đại biểu nước bạn láng giềng (Trung Quốc) tham gia giao lưu các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…”.
Hội Kiêng gió là lễ hội truyền thống lâu đời, thể hiện tín ngưỡng văn hóa độc đáo của người Dao, được tổ chức thường niên tại Bình Liêu. Là một người con dân tộc Dao, anh Dường Cắm Hếnh, thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, chia sẻ: “Tôi đang rất háo hức đợi đến ngày Hội. Do đó, khi được xã thông báo các thôn sẽ tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tôi cùng người dân trong thôn đang tích cực tập luyện văn nghệ, các môn thể thao dân tộc, để được hòa mình vào các hoạt động của ngày hội”.
Trong khuôn khổ Hội Kiêng gió năm 2025 sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Lễ khai mạc và công bố Di sản văn hóa quốc gia; Liên hoan văn nghệ giữa các thôn, bản; Thi đấu các môn thể thao dân tộc: đẩy gậy, kéo co, tung còn, đánh quay...; Giao lưu đánh quay giữa xã Đồng Văn, Hoành Mô (Việt Nam) và trấn Động Trung (Trung Quốc); Trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, sản phẩm OCOP, ẩm thực truyền thống; Trải nghiệm du lịch cộng đồng ở homestay, ẩm thực bản địa, trekking xuyên rừng tại Đồng Văn, khám phá du lịch nông nghiệp tại Binh Lieu Farmstay (xã Hoành Mô)…
Sự kiện lần này không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn hướng tới quảng bá hình ảnh Bình Liêu là điểm đến hấp dẫn nơi biên giới, đặc biệt với du khách Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc và 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Với chủ trương "biến di sản, thành tài sản", những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Bình Liêu đã và đang nỗ lực bảo tồn, đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Anh Vi Ngọc Nhất - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Những năm qua, huyện Bình Liêu rất tích cực trong việc phát huy bản sắc văn hóa để phát triển du lịch. Huyện có 96% dân tộc thiểu số, trong đó có 3 dân tộc chính là Tày, Dao, Sán Chỉ. Hiện tại, chúng tôi đang định hướng dựa trên 3 dân tộc ấy xây dựng các bản văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn. Chúng tôi đang tổ chức các lễ hội gắn với phát triển văn hóa trên địa bàn như: Hội Soóng cọ, Lễ hội Đình Lục Nà, Hội Kiêng gió của người Dao. Huyện cũng tăng cường các hoạt động giao lưu hữu nghị với Trung Quốc về văn hóa và phát triển du lịch; dự kiến sẽ có các chương trình hợp tác và phát triển du lịch trong thời gian tới”.
Tính đến hết quý I/2025, Bình Liêu đã đón trên 37 nghìn lượt khách, đạt 7,5% kế hoạch năm. Để đạt mục tiêu đón 500.000 triệu lượt khách trong năm 2025, Hội Kiêng gió đang được chuẩn bị tích cực để tạo điểm nhấn quan trọng thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến với huyện Bình Liêu trong dịp lễ.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/hoi-kieng-gio-nam-2025-diem-nhan-quan-trong-hut-du-khach-trong-dip-nghi-le-3355175.html
Bình luận (0)