Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy và Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn chủ trì hội nghị.
Đại diện các tỉnh, thành có diện tích sầu riêng lớn đã tham gia trực tiếp và trực tuyến để thảo luận. Tại điểm cầu tỉnh Bến Tre có Phó giám đốc Sở NN&MT Huỳnh Quang Đức, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Văn Lĩnh, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài Chính, Sở NN&MT tỉnh Nguyễn Võ Nhất Duy.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, vai trò chiến lược của sầu riêng trong cơ cấu cây ăn quả xuất khẩu của Việt Nam và yêu cầu toàn ngành nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị bền vững, minh bạch, kiểm soát rủi ro hiệu quả và giảm phụ thuộc vào thị trường đơn lẻ. Theo thống kê, nếu như năm 2015, diện tích trồng sầu riêng chỉ có 32 ngàn héc-ta thì đến 2024 đã tăng lên 178,8 ngàn héc-ta (trung bình mỗi năm tăng 16,3 ngàn héc-ta); đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, bất chấp rất nhiều khuyến cáo từ cơ quan chuyên môn, diện tích trồng sầu riêng vẫn tăng 2,38 lần so với mục tiêu phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Trong khi diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh thì thị trường xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (năm 2024 chiếm 97,2% và là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc). Sự phụ thuộc quá lớn này là một trong những nguyên nhân biến động về kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam khi có bất kỳ sự biến động nào từ thị trường Trung Quốc. Ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2025, nhu cầu của thị trường Trung Quốc đã giảm 46,5% về lượng và 48,1% về giá trị. Nguyên nhân có thể là từ xu hướng cắt giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn và mặt hàng sầu riêng đã giảm dần sức “nóng” tại thị trường tỷ dân này.
Các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp quản lý mã số vùng trồng, nâng cao công nghệ bảo quản - chế biến và thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc cho toàn chuỗi sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu.
Theo ông Lâm Văn Lĩnh - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 30 vùng trồng sầu riêng đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có 15 vùng trồng đã được cấp mã số với diện tích trên 440ha; 15 vùng trổng chờ phê duyệt mã số với diện tích trên 480ha. Có 5 cơ sở đóng gói đăng ký xuất khẩu sầu riêng sang thi trường Trung Quốc, trong đó có 4 cơ sở đã được phê duyệt cấp mã số.
Ngay sau hội nghị, đoàn công tác Bộ NN&MT dự kiến sẽ đi khảo sát thực tế tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói có mã số xuất khẩu tại Đắk Lắk - địa phương đang giữ vai trò trung tâm vùng nguyên liệu sầu riêng Tây Nguyên và cả nước.
Tin, ảnh: Cẩm Trúc
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/hoi-nghi-phat-trien-nganh-hang-sau-rieng-huong-den-chuoi-gia-tri-ben-vung-25052025-a147171.html
Bình luận (0)