Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hội nghị triển khai tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT và đánh giá thực hiện Thông tư 29

Bộ Giáo dục và Đào tạoBộ Giáo dục và Đào tạo28/03/2025

Ngày 28/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đánh giá thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu 63 Sở GDĐT trên toàn quốc. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị

Đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Đây là công việc thường niên, thường xuyên phải làm. Năm học 2024 -2025 là năm học đầu tiên, các kỳ thi được tổ chức thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đồng thời vẫn còn các thí sinh dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Trong điều kiện các đơn vị chuẩn bị cho việc sắp xếp bộ máy chính quyền theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ GDĐT cũng cần có sự chỉ đạo kịp thời, chuẩn bị từ sớm, từ xa để đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng.

Thời gian qua, việc ban hành và triển khai Thông tư 29 nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Sau hơn 1 tháng triển khai, Bộ GDĐT tổ chức hội nghị với mong muốn, sẽ có cái nhìn toàn cảnh về thuận lợi, khó khăn khi triển khai Thông tư  29.

Báo cáo triển khai công tác chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà cho biết, ngày 3/4/2025, Bộ GDĐT sẽ tổ chức Hội nghị tập huấn Quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì tại điểm cầu Bộ GDĐT

Trong đó, về nội dung ôn tập chủ yếu tập trung ở lớp 12, theo yêu cầu cần đạt trong chương trình GDPT 2018 để học sinh yên tâm học tập và các thầy cô giáo chủ động giảng dạy, ôn tập phù hợp cho học sinh. Cấp độ tư duy là 40% mức biết, 30% mức hiểu và 30% mức vận dụng.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà, Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 cũng đã nêu rất rõ, phần tính điểm tốt nghiệp gồm 50% điểm thi tốt nghiệp và 50% điểm tính từ quá trình 3 năm học tập của các em học sinh. Đây là sự thay đổi cơ bản so với các kỳ thi trước đây, phù hợp với Chương trình GDPT 2018, nhiều năng lực, phẩm chất của học sinh được phát triển trong quá trình học tập. Do vậy, thầy cô cần ôn tập cho học sinh tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức, kĩ năng với thực tế, thực tiễn, đặc biệt là với những nội dung phân hóa nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Về một số điểm mới trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà cho biết, Bộ GDĐT luôn dành sự thuận lợi nhất cho các thí sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ tổ chức 3 buổi thi và buổi thứ 3 sẽ thi cả 2 môn tự chọn. Các thí sinh được sắp xếp ở một phòng thi duy nhất, không phải di chuyển phòng thi. Việc thu bài sẽ theo phòng mà không cần phân loại theo môn. Giữ nguyên 24 thí sinh/phòng thi, 1 phòng thi có thể sắp xếp tối đa tới 5 môn. Để bảo đảm yếu tố an ninh, thay vì chỉ có 24 mã đề cho 24 học sinh trong 1 phòng thi như trước đây, kỳ thi năm nay nâng số mã đề lên thành 48 mã cho 2 khung thời gian của buổi thi thứ 3.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nguyễn Ngọc Hà báo cáo về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT

Kỳ thi năm nay tổ chức đồng thời cho các em học sinh thi theo chương trình GDPT 2006 (các em chưa tốt nghiệp, hoặc thi để lấy điểm xét tuyển sinh đại học) và học sinh thi theo Chương trình GDPT 2018. Vì thế, các địa phương tuân thủ quy định tổ chức các điểm thi khác nhau cho các chương trình khác nhau. Để tránh sai sót, cần bố trí 1 số điểm thi riêng cho học sinh thi theo Chương trình 2006.

Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà, việc tổ chức cần cố gắng giống với cách tổ chức kỳ thi chính thức, từ cấu trúc định dạng và mức độ đề thi, thời gian tổ chức thi, sắp xếp phòng thi…

Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà lưu ý, để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, địa phương cần chuẩn bị kỹ 5 nhóm vấn đề: cơ sở vật chất, nhân sự, an ninh, tuyên truyền và hỗ trợ thí sinh, phụ huynh và dự phòng sự cố.

Triển khai Thông tư 29 đồng bộ, quyết liệt, nâng cao nhận thức toàn xã hội

Báo cáo tình hình thực hiện Thông tư 29, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Thái Văn Tài cho biết: Công tác chỉ đạo của Bộ GDĐT đã được thực hiện quyết liệt và đồng bộ từ trung ương tới các địa phương. Bộ GDĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện chỉ đạo UBND cấp tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo địa phương đối với giáo dục phổ thông.

Các địa phương đã tích cực, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư. Cả hệ thống chính trị đều vào cuộc để việc triển khai thực hiện Thông tư được hiệu quả, bên cạnh ngành giáo dục và các cơ quan quản lí chuyên môn còn có sự huy động của lực lượng chính quyền các cấp của địa phương, các sở, ban ngành khác liên quan.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Thái Văn Tài báo cáo về công tác tuyển sinh đầu cấp và đánh giá thực hiện Thông tư 29

Công tác quán triệt, truyền thông về các nội dung của Thông tư đã được thực hiện kịp thời, đa dạng, sâu rộng tới mọi đối tượng chịu sự tác động của Thông tư.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành kịp thời, khẩn trương, huy động được nhiều lực lượng cùng phối hợp với ngành giáo dục để triển khai thực hiện, tăng cường sự giám sát của toàn dân.

Chính vì vậy, Thông tư số 29 đã nhận được sự đồng thuận cao và quan tâm đặc biệt của xã hội, nên được nắm bắt nhanh chóng và được triển khai kịp thời, đáp ứng mong mỏi của xã hội. Các địa phương, nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh nhận thức rõ thêm về hệ lụy, tác hại của DTHT tràn lan tới học sinh, cha mẹ học sinh, nhà trường và toàn xã hội .

Đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về trách nhiệm và tầm quan trọng của dạy học chính khóa, trách nhiệm trong việc hỗ trợ học sinh nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục ; trách nhiệm và tầm quan trọng của việc trang bị cho học sinh ý thức tự học, tự chủ, tự giác trong các hoạt động giáo dục.

Chính quyền các cấp nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn, kịp thời có các hướng dẫn để thực hiện các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường; từng bước đưa các hoạt động này đi vào quy củ, nền nếp, đúng pháp luật và tránh lãng phí; bước đầu đã ban hành các kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các quy định của Thông tư 29.

Cha mẹ học sinh nhìn nhận rõ vai trò của gia đình trong phối hợp quản lí, giáo dục học sinh.

Đặc biệt trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã nhận được các ý kiến đóng góp gửi về qua các phương tiện thông tin từ các bậc cha mẹ học sinh, các nhà khoa học, cán bộ giáo viên thể hiện sự ủng hộ lớn đối với các quy định của Thông tư khi cho rằng Bộ GDĐT đã cầu thị lắng nghe, quyết tâm rất cao để đưa nền giáo dục nước nhà thực hiện đúng đường lối giáo dục của Đảng, nhà nước đề ra, mở ra cơ hội để thế hệ trẻ phát triển toàn diện, đóng góp cho đất nước những công dân có chất lượng, năng động và sáng tạo.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, không bất ngờ, không lúng tung

Đối với công tác tuyển sinh đầu cấp, trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, hướng dẫn các nhà trường, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư 30, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tuyển sinh. Giải đáp và giải quyết triệt để những vướng mắc của một số địa phương về chế độ tuyển thẳng, về tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông chuyên.

Đại diện các Sở GDĐT trao đổi tại điểm cấu trực tuyến

Trao đổi tại hội nghị, Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết: “Quy định cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo trước đó nhưng phải đến khi có Thông tư số 29 và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GDĐT mới được thực hiện triệt để”. Đánh giá cao tính nhân văn của Thông tư 29, ông Thái Văn Thành cho rằng, Thông tư mang lại quyền lợi công bằng cho người học, tôn vinh vị thế, hình ảnh của nhà giáo.

Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: NgànhGgiáo dục Hà Nội thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ GDĐT về tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT và triển khai Thông tư 29. Trong đó, đối với Thông tư số 29, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt, chủ động, hiệu quả. 100% các cơ sở giáo dục ký cam kết thực hiện nghiêm túc Thông tư này. Đồng thời, thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập để đảm bảo vùng sâu, vùng xa học sinh vẫn có thể ôn tập và nâng cao tinh thần tự học

Là địa phương có số lượng thí sinh tuyển sinh đầu cấp và tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT lớn nên Hà Nội luôn chủ động chuẩn bị, triển khai thực hiện theo đúng các nội dung Bộ GDĐT chỉ đạo và hướng dẫn. Hà Nội tiếp tục quyết tâm “không còn hiện tượng xếp hàng trong tuyển sinh đầu cấp năm 2025”.

Cũng về công tác thi tuyển sinh đầu cấp, Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc cho biết, địa phương đã thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GDĐT, thực hiện sớm và sâu sát để đảm bảo ổn định. Trong đó, đăng ký tuyển sinh đầu cấp 100% trực tuyến, căn cứ trên bản đồ để lựa chọn nơi học phù hợp với học sinh, thuận tiện cho phụ huynh và các em học sinh đến trường, tạo được sự yên tâm, tin tưởng và đồng thuận.

Về chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - Kỳ thi đầu tiên của các thí sinh dự thi theo chương trình GDPT 2018, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đều chủ động chuẩn bị sớm công tác phục vụ cho kỳ thi, sẵn sàng mọi tình huống, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo chung của Bộ GDĐT để học sinh tự tin và yên tâm nhất tham gia kỳ thi.

Chấm dứt dạy thêm, học thêm phải trở thành mệnh lệnh của toàn ngành

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu 3 đặc điểm lớn về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Thứ nhất, tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp đều thực hiện theo Chương trình GDPT 2018.

Thứ hai, ảnh hưởng của Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm. Các trường lâu nay vẫn dạy thêm, học thêm như hoạt động chính khóa, có những giai đoạn các trường dừng hoạt động này nên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận hội nghị

Cùng với đó là tác động của bối cảnh tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền, vì vậy, ngành giáo dục cần có giải pháp để ứng phó với bối cảnh mới.

Từ đó, Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT quán triệt tuyệt đối không để ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, cũng như công tác thi, công tác tuyển sinh; công tác dạy học, quản lý phải thường xuyên, liên lục không gián đoạn.

Nhấn mạnh yêu cầu tất cả vì học sinh, tuyệt đối không buông lỏng công tác bồi dưỡng, phụ đạo đối với 3 đối tượng học sinh trong Thông tư 29 quy định, Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở GDĐT tổ chức thi thử tốt nghiệp, đánh giá thật, chấm đúng kết quả, đúng năng lực học sinh để rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi.

Thứ trưởng yêu cầu, công tác thi tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp THPT cần ra đề phù hợp theo những gì đã công bố, theo chuẩn đầu ra chương trình, phù hợp năng lực học sinh và mục tiêu của kỳ thi theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29, Kết luận 91, của Thủ tướng Chính phủ là giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, vừa sức với học sinh, với mục tiêu học sinh không phải học thêm tràn lan, giáo viên không dạy thêm tràn lan.

Sau hơn 1 tháng triển khai Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm trên toàn quốc, Thứ trưởng nhấn mạnh 6 kết quả nổi bật.

Một là, công tác truyền thông, phổ biến Thông tư 29  được thực hiện từ các cấp trung ương, địa phương, các nhà trường nhằm giải thích cho nhân dân, tạo ra diễn đàn công khai, nhìn nhận một cách đa chiều, khách quan về nội dung Thông tư.

Hai là, tạo ra được một tinh thần đồng tâm, đồng thuận và tính hành động cao. “Bởi vì thấu hiểu thì đồng tâm, hiểu được Thông tư 29 mang lại những giá trị tốt đẹp, nhân văn cho giáo dục, đào tạo, cho chính học sinh, chính thầy cô giáo và chính nền giáo dục của chúng ta. Và điều đó tạo ra tính hành động cao, tạo ra những mô hình, đa dạng hóa học nhóm và phát triển tự học. Tính hành động cao còn thể hiện ở việc kiểm tra và giám sát”, Thứ trưởng nói.

Ba là, Thông tư 29 tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và đủ mạnh theo đúng thẩm quyền của Bộ GDĐT.

Bốn là, qua phản ánh của các cơ quan báo chí, ý kiến của các chuyên gia, nhìn nhận về Thông tư một cách đa chiều, càng giúp hiểu rõ hơn những hệ lụy của việc dạy thêm, học thêm.

Nêu kết quả thứ năm, để chấm dứt được tình trạng dạy thêm, học thêm, Thứ trưởng lưu ý phải thực hiện đồng bộ các giải pháp với khẳng định “một Thông tư chưa thể giải quyết được hết các vấn đề cụ thể”.

Cuối cùng, một số băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 29 của các Sở GDĐT đã được giải thích để đạt được những kết quả như mong muốn.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Thông tư 29 cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, Thứ trưởng đề nghị cần đồng bộ các giải pháp, trong đó nhấn mạnh cần tiếp tục tuyên truyền về Thông tư.

Về chuyên môn Thứ trưởng yêu cầu cần đổi mới phương pháp giảng dạy của thầy cô, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương thức ra đề thi, hướng dẫn học sinh tự học, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… để học sinh là người thụ hưởng.

Về tăng cường cơ sở vật chất, Thứ trưởng nhận định đây là vấn đề lâu dài, vừa là trách nhiệm tham mưu, vừa là căn cứ để các địa phương bố trí ngân sách nhà nước, thực hiện xã hội hóa, tăng cường trường lớp, chất lượng trường lớp đồng đều để không có sự lựa chọn lệch nhau, dẫn đến sự cạnh tranh, tạo áp lực.

Khẳng định, Bộ GDĐT sẽ kiên trì thực hiện quan điểm  “5 không” và “4 đề cao”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GDĐT sẽ tổng hợp các ý kiến, tiếp thu và trong tháng 5 sẽ ban hành hướng dẫn thay thế văn bản cũ về dạy học buổi 2/ngày, qua đó thực hiện tốt quy định về học thêm, dạy thêm.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ GDĐT đã có một kênh tiếp nhận phản ánh về những hình thức dạy học biến tướng của học thêm, dạy thêm để xác minh, xử lý.

Hoan nghênh các đơn vị, các Sở GDĐT đã quyết liệt, đúng tinh thần không đánh trống bỏ dùi, làm cương quyết, làm thường xuyên, Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành quy định quản lý dạy thêm, học thêm theo tinh thần, trách nhiệm của địa phương.

“Chấm dứt dạy thêm học thêm, bây giờ không còn là dự lệnh nữa, mà phải trở thành mệnh lệnh của toàn ngành chúng ta”, nhấn mạnh điều này, Thứ trường chia sẻ: Đó là mệnh lệnh về tinh thần trách nhiệm, mệnh lệnh vì chất lượng học sinh, mệnh lệnh để giáo dục học sinh phát triển toàn diện, mệnh lệnh thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, theo yêu cầu chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đưa giáo dục trở lại đúng nguyên lý của giáo dục vốn có, trả lại tuổi thơ cho các em học sinh.

“Công tác này phải hết sức kiên trì, bền bỉ. Trước mắt sẽ có rất nhiều khó khăn nên chúng ta phải thường xuyên thông tin, cập nhật, phải có quan điểm rõ ràng, có phương pháp làm việc phù hợp, thấu lý đạt tình, kiên quyết, chưa vội hài lòng với kết quả đạt được, mà tiếp tục lắng nghe, tiếp tục phối hợp với các Sở, cùng với Bộ để chăm lo tốt cho công việc này”, Thứ trưởng nói.



Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10411

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm