Ngày 4/4, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn “Báo cáo về ảnh hưởng của giáo viên đến kết quả học tập của học sinh”.
Dự hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - Unicef Việt Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Đại biểu dự hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh nhấn mạnh: Trong việc đổi mới giáo dục và đào tạo, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò tiên phong đổi mới, đó cũng là yếu tố trung tâm của chất lượng giáo dục. Điều này được chứng minh qua các nghiên cứu, thực tiễn giảng dạy và qua cơ sở dữ liệu ngành.
Trong đó, đối với báo cáo về ảnh hưởng của giáo viên đến kết quả học tập của học sinh, cơ sở dữ liệu ngành đóng vai trò quan trọng. “Dữ liệu không chỉ dừng lại ở việc quản lý, kiểm đếm mà còn để khai thác, sử dụng trong báo cáo, nghiên cứu, phát triển”, Viện trưởng Lê Anh Vinh cho biết.
GS Lê Anh Vinh cũng lưu ý, việc sử dụng, khai thác dữ liệu phải hết sức cẩn trọng và ngoài những nghiên cứu mang tính định lượng cần có sự tham vấn của các chuyên gia. Do đó, trong báo cáo ban đầu, hội thảo mong muốn các chuyên gia, với những kinh nghiệm thực tiễn sẽ có những đánh giá, phân tích đúng thực tế để hoàn thiện báo cáo, đề xuất được những chính sách phù hợp hơn trong thời gian tới.
Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh phát biểu tại hội thảo
Đề cập vai trò quan trọng của cơ sở dữ liệu ngành, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin (Bộ GDĐT) Tô Hồng Nam nhận định: Những báo cáo, đề xuất nếu không căn cứ dựa trên cơ sở dữ liệu sẽ rất thiếu thuyết phục. Vì vậy, dữ liệu đầu vào cần phải đáp ứng được các tiêu chí đúng, đủ, sạch, sống, đảm bảo tính chính xác. Điều này đòi hỏi các chủ thể cần xác định trách nhiệm trong việc cung cấp, sử dụng, khai thác dữ liệu trong quá trình thực hiện nghiên cứu, báo cáo.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Tara O’Connell, Trưởng chương trình giáo dục, Unicef Việt Nam cho biết: Trọng tâm của Unicef là mỗi đứa trẻ có quyền được học và trao cho khả năng phát triển tối đa, hướng đến nền giáo dục công bằng và có chất lượng. Một trong những giải pháp Unicef thực hiện để đưa ra các chính sách phù hợp với thực tiễn, hiệu quả hơn đó chính là khai thác cơ sở dữ liệu ngành.
Bà Tara O’Connell, Trưởng chương trình giáo dục, Unicef Việt Nam chia sẻ tại hội thảo
Data Must Speak là sáng kiến của nhằm cải thiện công bằng và chất lượng giáo dục thông qua việc tăng cường sử dụng dữ liệu giáo dục. Mục tiêu là cải thiện việc hoạch định chính sách giáo dục dựa trên bằng chứng.
Bắt đầu từ năm 2014, hoạt động tại 19 quốc gia ở các giai đoạn thực hiện khác nhau. Nghiên cứu được đồng tạo lập và thực hiện với các Bộ Giáo dục của các quốc gia theo phương pháp "học thông qua thực hành".
Tại Việt Nam, Bộ GDĐT đã xây dựng cơ sở dữ liệu và sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Đây được xem là công cụ để theo dõi ngành và cũng là căn cứ cho các nghiên cứu, báo cáo, đề xuất. Vì vậy, để phát triển giáo dục, cần dựa vào cơ sở dữ liệu kết hợp với các tham vấn, nghiên cứu để đề xuất các chính sách, điều chỉnh trong giáo dục nhằm hướng đến thay đổi tích cực ở giáo viên, thúc đẩy quá trình học tập ở học sinh.
Chuyên gia báo cáo kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của giáo viên đến kết quả học tập của học sinh
Xác định những lợi thế của cơ sở dữ liệu ngành khác với dữ liệu khảo sát là quy mô lớn và cho phép phân tổ để nghiên cứu sâu về một số nhóm như học sinh khuyết tật và học sinh dân tộc thiểu số, được thu thập thường xuyên, các chuyên gia đã thông qua việc thực hiện phân tích kinh tế lượng dựa trên dữ liệu ngành để nghiên cứu mối liên hệ giữa đặc điểm giáo viên và kết quả học tập của học sinh Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, góp ý, đề xuất về các vấn đề liên quan đến việc sử dụng cơ sở dữ liệu ngành xung quanh việc ảnh hưởng của giáo viên đến kết quả học tập của học sinh.
Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10435
Bình luận (0)