Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hội Người mù Vụ Bản quan tâm chăm lo đời sống hội viên

Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng hành, phối hợp của các ngành, đoàn thể, Hội Người mù (HNM) huyện Vụ Bản không ngừng đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, giúp hội viên từng bước vượt qua mặc cảm, khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. HNM huyện đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp sẻ chia, động viên và tiếp thêm nghị lực cho những người khiếm thị trên địa bàn.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định16/05/2025

Cán bộ Hội Người mù huyện Vụ Bản thăm hỏi, tặng quà hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Cán bộ Hội Người mù huyện Vụ Bản thăm hỏi, tặng quà hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của Hội luôn tập trung hướng về cơ sở, tích cực vận động người khiếm thị tham gia vào tổ chức Hội nhằm quan tâm, chăm lo, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng, xóa đi mặc cảm xã hội. Với 124 hội viên, trong đó nhiều hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, HNM huyện đã tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của từng hộ gia đình hội viên để đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay vốn, giúp hội viên phát triển kinh tế. Đầu tháng 5/2025 vừa qua, Thường trực HNM tỉnh đã bổ sung thêm 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm cho HNM huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn. Huyện hội cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để việc tiến hành giải ngân được nhanh chóng, không để nguồn vốn tồn đọng. Hiện tại, HNM huyện đang cho 3 hộ gia đình được vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm với tổng số tiền hơn 113 triệu đồng.

Không dừng lại ở việc hỗ trợ vốn, HNM huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn giúp các hội viên có đủ điều kiện hoàn thiện các thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của Nhà nước phát triển các nghề: xoa bóp, bấm huyệt, làm tăm tre, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Mặc dù hoạt động gặp nhiều khó khăn nhưng cơ sở sản xuất tăm tre của hội vẫn có 10 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều cơ sở xoa bóp, bấm huyệt mang lại việc làm ổn định cho nhiều người khiếm thị. Tiêu biểu như cơ sở xoa bóp bấm huyệt của anh Nguyễn Ngọc Giao ở thị trấn Gôi, doanh thu đạt khoảng 45-50 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Hay mô hình chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Gia Bình ở xã Đại An mỗi năm thu được khoảng 70 triệu đồng, qua đó khích lệ những người khiếm thị vượt qua mặc cảm, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Ông Bình cho biết: “Tôi bị bệnh thoái hóa võng mạc dẫn đến mất hoàn toàn thị lực khi mới 25 tuổi. Thời gian đầu khi bị khiếm thị, tôi rất tự ti, mặc cảm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhưng với sự động viên, yêu thương của gia đình, của HNM Vụ Bản đã giúp tôi lấy lại niềm tin, vượt lên hoàn cảnh để trở thành người có ích cho xã hội”.

Hội cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, làm tròn nghĩa vụ công dân; quan tâm chăm lo giúp đỡ nhau về tinh thần, vật chất, cùng phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng. Với mục tiêu từng bước nâng cao dân trí cho hội viên, BCH huyện hội đã cung cấp và khuyến khích hội viên nghe băng, báo, tạp chí, các tài liệu chuyên đề về các lĩnh vực của cuộc sống do Trung ương HNN Việt Nam phát hành. Công tác phụ nữ và trẻ em khiếm thị luôn được chú trọng và quan tâm. Hội đã tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về ngày thành lập Hội Phụ nữ và trao đổi về các vấn đề lao động, việc làm và cuộc sống gia đình, giúp các hội viên nữ có niềm tin vượt khó, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện giúp 100% hội viên được hưởng trợ cấp hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh miễn phí; vay vốn ưu đãi từ các kênh của Ngân hàng Chính sách xã hội để hoàn thành khóa học từ các trường đại học, cao đẳng… Hội đã chủ động đề nghị với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miễn giảm một số khoản đóng góp của nhà trường cho con của hội viên trong độ tuổi đi học; thường xuyên rà soát trẻ em khiếm thị trong độ tuổi đi học để các em có điều kiện được học văn hóa, học chữ, học nghề... Hàng năm, HNM huyện vận động các nhà hảo tâm trao tặng những phần quà thiết thực động viên hội viên, nhất là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, hỗ trợ tạo việc làm, HNM huyện cũng luôn quan tâm thúc đẩy phong trào văn nghệ, nâng cao đời sống, khích lệ tinh thần lạc quan, tự tin của hội viên. Hiện tại, đội văn nghệ của huyện Hội có 6 thành viên vẫn luôn duy trì hoạt động phục vụ các sự kiện do Hội tổ chức. Dù còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng tình yêu nghệ thuật, khát khao được khẳng định bản thân đã giúp các thành viên đội văn nghệ vượt qua, mang lại lời ca, tiếng hát động viên các hội viên khác vươn lên trong cuộc sống.

Mặc dù khiếm khuyết đôi mắt, điều kiện sinh sống, lao động gặp nhiều khó khăn, song người khiếm thị trên địa bàn tỉnh nói chung và trên địa bàn huyện Vụ Bản nói riêng đã cố gắng vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập. Thời gian tới, HNM Vụ Bản tiếp tục khảo sát, vận động, kết nạp thêm hội viên; mở thêm lớp dạy chữ, tìm dạy nghề mới, giúp đỡ một số hội viên có khả năng sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Hội cũng tiếp tục duy trì việc thăm hỏi, tặng quà cho hội viên trong các dịp lễ, tết; tìm thêm các nguồn trợ cấp mới cho những hội viên thực sự khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/hoi-nguoi-mu-vu-ban-quan-tam-cham-lodoi-song-hoi-vien-3d36032/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn
Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm