Đại sứ Thomas Gass trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: Phạm Trường) |
Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Tulia Ackson, Tổng thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Hạ viện Morocco Rachid Talbi Alami và Chủ tịch Quốc hội Senegal El Malick Ndiaye, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Thụy Sỹ; tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sỹ; thăm chính thức Morocco và Senegal từ ngày 22-30/7.
Nhân dịp này, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Thomas Gass đã trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến thăm.
Ngoại giao nghị viện - Bắc cầu cho quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ
Theo Đại sứ, trong bối cảnh toàn cầu đầy rẫy biến động hiện nay, Diễn đàn Nghị viện toàn cầu do IPU tổ chức là lời nhắc nhở rằng phát triển bền vững đích thực phải lấy con người làm trung tâm, yêu cầu sự tham gia thực chất của người dân, tôn trọng sự phụ thuộc lẫn nhau cũng như tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia.
Do đó, sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Geneva (Thụy Sỹ) một lần nữa khẳng định, Việt Nam tin tưởng vào vai trò của cơ quan lập pháp trong hệ thống chính trị cũng như sự giám sát của những người đại diện cho nhân dân, với đầy đủ sự đa dạng về vùng miền, giới tính, dân tộc và quan điểm. Đồng thời, chuyến công du cũng khẳng định mạnh mẽ niềm tin của Việt Nam vào đối thoại, đoàn kết và hòa bình.
Từ ngày 22-30/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6, tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sỹ, thăm chính thức Morocco và Senegal. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội) |
Khẳng định ngoại giao nghị viện là một trong những trụ cột hợp tác giữa hai nước trong những năm qua, Đại sứ Thomas Gass nhắc lại chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng quốc gia Thụy Sỹ Maja Riniker đến Hà Nội vào tháng 6/2023, cùng hai Phó Chủ tịch, qua đó nối lại đối thoại nghị viện cấp cao và thúc đẩy hợp tác pháp lý, thương mại.
Ngoài ra, tháng 3/2024, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã gặp gỡ các nghị sĩ Thụy Sỹ tại Geneva nhằm tăng cường trao đổi lập pháp và kết nối với cộng đồng người Việt. Gần đây nhất, vào tháng 1/2025, hai nghị sĩ Thụy Sỹ đã tham gia Diễn đàn Hợp tác nghị viện Pháp ngữ tổ chức tại Cần Thơ, tập trung vào các chủ đề như nông nghiệp bền vững và biến đổi khí hậu.
Theo Đại sứ Thomas Gass, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Maja Riniker có thể sẽ mời Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức đất nước Bắc Âu trong thời gian tới, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hợp tác nghị viện song phương.
“Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có một chuyến thăm song phương chính thức”, nhà ngoại giao Thụy Sỹ tin tưởng.
Tiếp tục vun đắp hợp tác song phương
Điểm lại một số thành tựu nổi bật trong hợp tác song phương thời gian gần đây, Đại sứ Thomas Gass cho biết, trong nửa đầu năm 2025, quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ tiếp tục phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sau khi hai bên chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện hồi tháng 1/2025.
Nổi bật là việc Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Thụy Sỹ Karin Keller‑Sutter cam kết thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) nhân dịp dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 55 tại Davos tháng 1/2025.
Bên cạnh đó, tháng 5/2025 vừa qua, hai nước đã kỷ niệm 35 năm với nhiều kết quả thiết thực giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, đồng thời giới thiệu Chương trình hợp tác cho giai đoạn 2025-2028. Hợp tác tài chính số được thông qua ra mắt cơ chế thử nghiệm fintech (Fintech Regulatory Sandbox) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong khi lĩnh vực biến đổi khí hậu giữa hai nước cũng ghi dấu thành tựu mới với việc hoàn thành dự án phòng chống ngập tại Cần Thơ do Thụy Sỹ và Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện.
Nhân dịp dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos tháng 1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sỹ Karin Keller-Sutter. (Nguồn: TTXVN) |
Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại và đổi mới sáng tạo tiếp tục diễn ra sôi nổi. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Thụy Sỹ, cùng với các chương trình xúc tiến của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ, đã kết nối doanh nghiệp, học giả và lãnh đạo địa phương hai nước trong các lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, du lịch, năng lượng sạch và công nghệ tài chính.
Trong lĩnh vực văn hóa, giao lưu nhân dân, nhiều nghệ sĩ và phim Thụy Sỹ đã góp mặt trong các sự kiện Ngày quốc tế Pháp ngữ tại Việt Nam, cho thấy sự quan tâm lẫn nhau giữa hai nền văn hóa.
Đặc biệt, nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 80 năm Quốc khánh (2/9/2945-2/9/2025) sắp tới, nhà ngoại giao Thụy Sỹ nhận định, vai trò và vị thế quốc tế của đất nước hình chữ S đang ngày càng được nâng cao.
“Là một quốc gia năng động, kiên cường và đầy tham vọng, tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ các giá trị mà mình tin tưởng. như hòa bình, đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia”, Đại sứ chỉ rõ.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là cơ chế đặc biệt và cấp cao nhất do IPU thiết lập, với sự phối hợp chặt chẽ của Liên hợp quốc, tạo ra một diễn đàn người đứng đầu cơ quan lập pháp của các nước cùng nhau trao đổi quan điểm, thúc đẩy hợp tác nghị viện. Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội lần thứ 6 sẽ diễn ra từ ngày 29-31/7 tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ), với chủ đề: “Một thế giới đang hỗn loạn: Hợp tác nghị viện và chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, công bằng và thịnh vượng cho mọi người dân”. Thụy Sỹ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/10/1971. Hiện Thụy Sỹ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN của nước này. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/hop-tac-nghi-vien-viet-nam-thuy-sy-khang-dinh-niem-tin-vao-doi-thoai-va-hoa-binh-321705.html
Bình luận (0)