Theo ông Nguyễn Ngọc Chất - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết, đợt khai quật lần này đã mở 6 hố khai quật và 8 hố kiểm tra trên diện tích hơn 60m². Kết quả cho thấy nền móng Đại Cung Môn có mặt bằng hình chữ nhật, dài 23,72m, rộng 12,48m, bao gồm 5 gian và 6 hàng cột. Hệ thống móng bó, trụ móng và dấu vết bậc cấp phía trước - sau được phát lộ rõ ràng.
Quá trình khai quật khảo cổ, phát hiện dấu tích 5 dấu vết trụ móng gia cố đỡ chân cột bằng gạch vồ còn nguyên vị trí và 4 dấu vết còn lại của một phần trụ móng gia cố đỡ chân cột. Ngoài ra, đơn vị chuyên môn cũng đã thu thập được 402 mảnh hiện vật, gồm gạch đá kiến trúc, gốm sứ men và kim loại có niên đại từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX.
Trước đó, tháng 11/2024, HĐND TP Huế đã ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phục hồi di tích Đại Cung Môn, với tổng kinh phí gần 65 tỉ đồng từ ngân sách địa phương sẽ được triển khai trong 4 năm. Việc tu bổ, phục hồi Đại Cung Môn có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể Đại Nội Huế, đem lại hiệu quả cao trong việc khai thác dịch vụ du lịch, học tập và nghiên cứu.
Nguồn: https://baophapluat.vn/hue-lam-ro-quy-mo-ket-cau-nguyen-goc-cua-dai-cung-mon-post546543.html
Bình luận (0)