Nhã nhạc hiện được trình diễn ở nhiều sự kiện quan trọng tổ chức tại Huế |
Hồi sinh
Sau suy vong của Triều Nguyễn kéo theo đó là môi trường diễn xướng truyền thống mai một, Nhã nhạc tưởng chừng đã bị chôn vùi trong lớp bụi thời gian. Được UNESCO vinh danh (ngày 7/11/2003) cũng là thời điểm mở ra một chương mới đầy triển vọng cho công cuộc “hồi sinh” di sản quý báu này với nòng cốt là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế.
Thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đến nay, công tác sưu tầm và lưu trữ đã thu về một khối lượng dữ liệu lớn và có giá trị, bao gồm: Hồ sơ khoa học về Thái Bình cổ nhạc, Nhạc khí cung đình Triều Nguyễn, một số nghiên cứu về những bài bản Nhã nhạc như: Tam thiên, Cung ti, Phú lục địch, Tam luân Cửu chuyển, Năm bài kèn, Mười bản ngự... Bên cạnh đó, một cơ sở dữ liệu về âm nhạc Cung đình Huế cũng được xây dựng nhằm tư liệu hóa hình ảnh, âm thanh và văn bản liên quan đến Nhã nhạc, góp phần lưu giữ và phục vụ công tác nghiên cứu lâu dài.
Biểu diễn Nhã nhạc ở một nghi lễ bên trong Đại nội Huế. Ảnh: PHAN THÀNH |
Hoạt động biểu diễn và quảng bá cũng là một điểm sáng. Các chương trình lưu diễn trong và ngoài nước, các buổi đón tiếp chính khách ngoại giao, các chương trình thường kỳ tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, biểu diễn trong khuôn khổ Festival Huế… đã góp phần đưa Nhã nhạc đến gần hơn với công chúng, cũng như dần khẳng định giá trị của Nhã nhạc trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thách thức hiện hữu
Song song với những thành tựu trong bảo tồn và quảng bá, Nhã nhạc hiện cũng đối mặt với không ít thách thức. Trước tiên là tình trạng báo động về nhân lực. Thống kê từ Nhà hát Duyệt Thị Đường, đội ngũ nhạc công Nhà hát đến cuối năm 2024 là 44 người, độ tuổi trung bình 44 tuổi, trong đó hơn 70% đã ngoài tuổi 40. Và thời gian không xa, khi nhóm nhạc công này càng lớn tuổi thì việc tìm lớp nghệ sĩ kế cận là một trong những vấn đề nan giải.
Sự hấp dẫn của các loại hình nghệ thuật hiện đại và nhu cầu mưu sinh khiến nhiều người trẻ không có động lực tham gia vào việc học và thực hành Nhã nhạc, trong khi số lượng nghệ nhân có trình độ cao, đủ sức đứng lớp cũng đang dần suy giảm do tuổi tác.
Ngành Du lịch Huế đang có những bước phát triển đáng ghi nhận và Nhã nhạc đã và đang trở thành một sản phẩm du lịch quan trọng. Nhưng cũng chính vì là sản phẩm du lịch nên Nhã nhạc dễ bị rút gọn, thay đổi để chiều theo thị hiếu khán giả. Và, việc đánh đổi giữa tính nguyên bản và tính thương mại đang là bài toán khó.
Cũng thêm một thực tế, làn sóng toàn cầu hóa khiến thị hiếu văn hóa thay đổi nhanh chóng, kéo theo nguy cơ mai một giá trị truyền thống. Việc giữ vững bản sắc giữa một thế giới ngày càng “phẳng” cũng đang khiến những người làm công tác bảo tồn Nhã nhạc đau đầu.
Cơ hội & hướng đi bền vững
Sự quan tâm đặc biệt của chính quyền thành phố thông qua các chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức biểu diễn và hợp tác quốc tế đang tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của Nhã nhạc.
Các chính sách tôn vinh nghệ nhân cũng chính là động lực để thế hệ nghệ sĩ tiếp tục gìn giữ và truyền dạy tinh hoa di sản. Việc đưa Nhã nhạc vào học đường thông qua chương trình “Giáo dục di sản”, hay các hoạt động tương tác, như: “Xem và tìm hiểu Nhã nhạc, múa cung đình”, “Tìm hiểu và tương tác với nghệ nhân ca Huế”… do Nhà hát Duyệt Thị Dường tổ chức cho hàng ngàn giáo viên, học sinh là bước đi cần thiết để thế hệ trẻ cảm nhận và trân quý di sản cha ông.
Mặt khác, công nghệ số hóa đang mở ra cánh cửa mới. Cơ sở dữ liệu về Nhã nhạc Cung đình Huế đã được xây dựng, các buổi diễn có thể phát trực tuyến giúp việc tiếp cận công chúng trở nên rộng hơn, đa dạng thành phần hơn.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao, để công tác bảo tồn, phát huy Nhã nhạc hiệu quả, bền vững hơn, trước tiên cần xây dựng đề án đào tạo “có địa chỉ” cho nguồn nhân lực kế cận; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý nhà nước, nhà nghiên cứu và nghệ nhân và phải được đặt trong những nguyên tắc quan hệ logic - biện chứng giữa việc quản lý, bảo vệ di sản với phát huy các giá trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu hội nhập quốc tế.
Tiếp đó, cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với Nhã nhạc; tăng cường các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước đi đôi với nguồn lực xã hội hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và quảng bá, đồng thời phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để Nhã nhạc thực sự là tài sản chung của toàn xã hội.
Hành trình bảo tồn và phát huy Nhã nhạc Cung đình Huế không đơn thuần giữ gìn một thể loại âm nhạc cổ truyền, mà còn là hành trình khẳng định bản sắc văn hóa, tinh thần dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Với nền tảng đã có, cùng hướng đi bài bản và quyết tâm mạnh mẽ, Nhã nhạc Cung đình Huế sẽ tiếp tục lan tỏa trong đời sống đương đại như một biểu tượng sống động của hồn cốt văn hóa Việt nói chung, Cố đô Huế nói riêng.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/huong-di-ben-vung-cho-nha-nhac-153929.html
Bình luận (0)