Vườn quốc gia Xuân Liên.
Đa dạng sinh học là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các hình thức của sự sống trên trái đất và các thuộc tính tự nhiên của chúng. Nhằm bảo tồn các dạng tài nguyên sinh học, sử dụng một cách hợp lý, tại Hội nghị thượng đỉnh trái đất Rio de Janeiro năm 1992, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí về một chiến lược toàn cầu để “phát triển bền vững”, một trong các thỏa thuận mấu chốt đã được thông qua là Công ước Đa dạng sinh học cam kết duy trì nền tảng sinh thái của thế giới, đồng thời hướng tới phát triển kinh tế. Kể từ đó, ngày 22/5 hằng năm được chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học.
Những nguy cơ tiềm ẩn từ mất cân bằng đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học giữ vị trí quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng cho con người thông qua vai trò trong việc sản xuất thực phẩm toàn cầu. Đa dạng sinh học đảm bảo năng suất bền vững của đất và cung cấp nguồn gen cho cây trồng, loài trên cạn không phải cây trồng, vật nuôi và các loài sinh vật biển làm thực phẩm. Đảm bảo được cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm bổ dưỡng là yếu tố quyết định cơ bản của sức khỏe con người. Vì vậy, bảo vệ đa dạng sinh học đem lại những lợi ích to lớn cho cuộc sống của chính chúng ta.
Tuy nhiên hiện nay đa dạng sinh học đang bị suy thoái với tốc độ rất nhanh. Đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề toàn cầu vì hiện có hàng triệu loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người gây ra.
Dựa trên dữ liệu tổng hợp từ hơn 2.000 nghiên cứu khoa học trên toàn cầu, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sinh Thụy Sĩ (Eawag) và Đại học Zurich thực hiện, đã phát hiện số lượng trung bình loài vật tại các khu vực chịu ảnh hưởng của con người thấp hơn gần 20% so với các khu vực ít bị tác động. Sự suy giảm rõ rệt nhất được ghi nhận ở các loài có quần thể nhỏ, khả năng phục hồi kém và dễ bị tổn thương trước các thay đổi về môi trường.
Còn theo một báo cáo khác của Liên Hợp Quốc, con người đã làm gia tăng tốc độ tuyệt chủng của các loài gấp 1.000 lần so với tỷ lệ tự nhiên. Tổng cộng có trên 17.000 loài được biết đến đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Khi đa dạng sinh học bị suy giảm, hệ lụy là dẫn đến suy giảm nguồn cung cấp thực phẩm, các nguồn tài nguyên gỗ, các loại thuốc và năng lượng của chúng ta. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nhận định, trong 100 năm qua, hơn 90% các giống cây trồng đã biến mất khỏi các cánh đồng, trang trại. Một nửa số giống vật nuôi đã bị mất. Các loài thủy sản đang bị đánh bắt ở mức tới hạn và nhiều loài không đảm bảo sự phát triển bền vững. Còn đối với y học, nếu để mất đi nguồn nguyên liệu quý từ các hợp chất tự nhiên, sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị một số loại bệnh. Bên cạnh đó, không khí sạch, nước sạch là những yếu tố thiết yếu cho sự sống, cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Dù Việt Nam được đánh giá là 1 trong 25 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao, nhưng chúng ta cũng đang đứng trước không ít thách thức không nhỏ.
Đa dạng sinh học ở Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới. Song sự đa dạng sinh học ở nước ta chịu nhiều ảnh hưởng bởi lịch sử chiến tranh. Sự suy giảm nguồn tài nguyên rừng tiếp tục diễn ra sau khi chiến tranh kết thúc do nhu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, thói quen du canh du cư, săn bắt động vật hoang dã trong rất nhiều năm về trước khiến cho nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, và áp lực từ việc tăng nhanh dân số cũng tác động không nhỏ tới đa đạn sinh học.
Thanh Hóa còn nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia được ví như “kho báu” đa dạng sinh học của Việt Nam, trong đó có Vườn quốc gia Xuân Liên. Theo các tài liệu khảo cứu của các nhà khoa học, tại Vườn quốc gia Xuân Liên còn ghi nhận 1.228 loài thực vật bậc cao thuộc 659 chi, 181 họ, trong đó có 56 loài thực vật quý hiếm, với 11 loài thuộc danh mục của IUCN và 39 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Về động vật, vườn có 1.811 loài thuộc 241 họ, 46 bộ, với 94 loài nguy cấp, quý hiếm, bao gồm 34 loài đe dọa toàn cầu theo Danh lục Đỏ IUCN và 56 loài trong Sách Đỏ Việt Nam.
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, với diện tích trên 24,2 nghìn ha rừng tự nhiên, hiện đang có 1.725 loài thực vật thuộc 696 giống, 170 họ và 71 bộ, 12 lớp và 6 ngành. Ngoài ra, hệ thực vật nơi đây có tổng số 52 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và có 93 loài được ghi nhận, có 16 loài nằm trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP...
Sống hòa hợp với thiên nhiên để phát triển bền vững
Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò thiết yếu của đa dạng sinh học đối với sự sống và phát triển bền vững, chủ đề của Ngày Quốc tế Đa dạng Sinh học năm 2025 được lựa chọn là “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”.
Chủ đề năm nay kêu gọi sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên, nhấn mạnh rằng các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi chúng ta sống hài hòa với thiên nhiên. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong cách tiếp cận phát triển, từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững đến việc tích hợp các giải pháp dựa trên thiên nhiên trong các chiến lược phát triển quốc gia và toàn cầu.
Để hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng Sinh học năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành công văn số 1863/BNNMT-TTTT ngày 09/5/2025, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để bảo vệ đa dạng sinh học; UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 6735/UBND-NNMT ngày 14/5/2025 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025.
Theo đó, trong dịp này, tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đa dạng hóa các kênh truyền thông về đa dạng sinh học, lồng ghép các chương trình giáo dục tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống trường học,... Kịp thời phát hiện, đề xuất và tôn vinh những cá nhân, tập thể, cộng đồng có những mô hình, hoạt động, sáng kiến thiết thực và hiệu quả trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu “phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực tài chính đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút, gia tăng tối đa các nguồn hỗ trợ và đầu tư về tài chính cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích thu được từ nguồn gen và phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững loài, nguồn gen; điều tra, quan trắc, theo dõi, kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng cường hợp tác trong quản lý thiên nhiên, đa dạng sinh học, đặc biệt với các quốc gia có chung đường biên giới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong kiểm soát việc buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, trao đổi học tập kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế về đa dạng sinh học.
Hãy sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững!
Đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống trên Trái đất!
Bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến một hành tinh khỏe mạnh, bền vững và thịnh vượng!
H.V.L (tổng hợp)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/huong-ung-ngay-quoc-te-da-dang-sinh-hoc-2025-song-hai-hoa-voi-thien-nhien-va-phat-trien-ben-vung-249168.htm
Bình luận (0)