Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Huy động nguồn lực xã hội để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Việt NamViệt Nam30/03/2025

Để phát triển thuỷ sản bền vững, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Đặc biệt, ngành chức năng và các địa phương đã thực hiện hiệu quả công tác huy động nguồn lực xã hội để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.

Thả 165.000 con giống thuỷ sản ra hồ Yên Lập, phường Minh Thành, TX Quảng Yên ngày 28/3 (Ảnh: Hoàng Nga)
Thả 165.000 con giống thuỷ sản ra hồ Yên Lập, phường Minh Thành, TX Quảng Yên ngày 28/3. (Ảnh: Hoàng Nga)

Ngày 28/3 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4/1959-1/4/2025), tại đập chính của hồ Yên Lập (phường Minh Thành, TX Quảng Yên), Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND TP Hạ Long, UBND TX Quảng Yên, Hội Nghề cá tỉnh và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tại buổi lễ, các đại biểu và nhân dân đã tiến hành thả 165.000 con giống thủy sản, bao gồm các loại: Cá rô phi, trắm cỏ, trắm đen, mè trắng, mè hoa, cá trôi, cá chép… Trong đó, nguồn giống được ủng hộ từ các đơn vị, doanh nghiệp cơ sở kinh doanh giống là trên 112.000 con, chiếm trên 70% tổng số giống được thả ra tự nhiên.

Cùng ngày, các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức thả giống ra môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi và phát triển bền vững thuỷ sản đến nhân dân. Tại Hồ Tràng Vinh, thôn 6 xã Hải Tiến (Móng Cái), các đại biểu cùng với nhân dân và các cháu học sinh đã thả 80.000 nghìn con giống thủy sản là cá nước ngọt xuống hồ Tràng Vinh. Tại khu vực bến cảng Ghềnh Võ, thị trấn Quảng Hà (Hải Hà), các đại biểu và nhân dân cũng thả 268.000 con giống thủy sản nước mặn ta vùng biển, trong đó có 250.000 con tôm sú, 10.000 con cua giống, 8.000 con cá song, cá vược giống và một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, hơn 85% số lượng con giống của các địa phương đều được huy động từ sự đóng góp kinh phí từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống.

Tỉnh Quảng Ninh là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế về địa lý để phát triển ngành thủy sản với trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Ngư trường Quảng Ninh được xác định là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đây là lợi thế quan trọng để tỉnh Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.

Các đại biểu và nhân dân TP Móng Cái thả hơn 80.000 con giống thuỷ sản ra lòng hồ Tràng Vinh ngày 28/3
Các đại biểu và nhân dân TP Móng Cái thả hơn 80.000 con giống thuỷ sản ra lòng hồ Tràng Vinh ngày 28/3.

Để phát triển thuỷ sản bền vững, ngày 30/1/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND về thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh năm 2024 gắn với Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, đã đề ra các giải pháp khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, có hiệu quả và phát triển bền vững. Quảng Ninh cũng đã xây dựng Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 nhằm phát triển thuỷ sản là ngành mũi nhọn, trong đó bố trí, sắp xếp các vùng nuôi an toàn, khoa học, phù hợp với các quy hoạch; thu hút đầu tư, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về vai trò kinh tế biển, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, tỉnh cũng quyết liệt thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) gắn với quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản; quan tâm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong năm 2024, toàn tỉnh đã thả hơn 5,95 triệu con giống thủy sản các loại ra môi trường tự nhiên, tăng 45% so với cùng kỳ. Trong đó tôm sú 5,68 triệu con, cá các loại hơn 270.000 con. Gần 85% số lượng giống thả được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Các đại biểu và nhân dân huyện Hải Hà thả giống thuỷ sản ra vùng biển khu vực bến Ghềnh Võ, thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) ngày 28/3 (Ảnh: Thanh trường-CTV)
Các đại biểu và nhân dân huyện Hải Hà thả giống thuỷ sản ra vùng biển khu vực bến Ghềnh Võ, thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) ngày 28/3 (Ảnh: Thanh Trường-CTV)

Năm 2025, toàn tỉnh sẽ thả hơn 6,95 triệu con giống tôm, cá các loại ra môi trường tự nhiên nhân kỷ niệm 66 năm ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959 - 01/4/2025), trong đó số lượng giống thả từ nguồn xã hội hóa đạt 87,2%.

Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, lợi ích của việc tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương. Việc huy động nguồn lực xã hội để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển bền vững ngành thuỷ sản Quảng Ninh. 

Hữu Việt


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm