Thời gian qua, lãnh đạo huyện Châu Thành tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh và nội dung kế hoạch thực hiện tái cơ cấu trên địa bàn huyện.
Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất lúa an toàn cho nông dân huyện Châu Thành. Ảnh: NGỌC YÊN |
Cùng với đó, chủ động thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa vào sản xuất; triển khai thực hiện một số mô hình sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với chứng nhận chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bảo quản theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực.
Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và gắn kết với tiêu thụ, thực hiện một số nhiệm vụ như: Chuyển giao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí trong sản xuất, sản xuất nông sản theo hướng liên kết, an toàn, hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã đăng ký mã vùng trồng....
Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ. Hiện tại huyện có 2 dự án đã được phê duyệt chi phí tư vấn, chủ đầu tư đã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh dự án để chuẩn bị thông qua Hội đồng thẩm định là: Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ giống cá KOI Nhật Bản xã Điềm Hy và Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sapô xã Bàn Long.
Về xây dựng mô hình trình diễn, huyện đã xây dựng 28 mô hình trên cây lúa (mỗi mô hình 10 ha), với tổng diện tích 280 ha. Năm 2024, huyện có 8 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao, có một sản phẩm là Điểm du lịch Trại rắn Đồng Tâm của Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu chế biến dược liệu Cục Hậu cần Quân khu 9 đang trình Trung ương thẩm định 5 sao. Lũy kế toàn huyện đã có 40 sản phẩm được đánh giá chứng nhận, trong đó hiện có 30 sản phẩm còn hạn gồm 6 sản phẩm đạt 4 sao và 24 sản phẩm đạt 3 sao.
HƯỚNG TỚI NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Châu Thành Lê Bá Tùng cho biết, được sự hướng dẫn chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện; sự phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn cấp huyện; sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể cấp cơ sở. Bên cạnh đó, người nông dân luôn biết tiếp thu, ứng dụng và phát huy những tiến bộ kỹ thuật mới, trình độ sản xuất ngày càng được nâng lên, nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao được nhân rộng.
Qua việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, người nông dân đã biết cách tổ chức lại sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đề án đã góp phần làm thay đổi nhanh chóng cách nghĩ, cách làm của người dân. Nông dân đã biết liên kết với nhau từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy quá trình thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tại địa phương.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Châu Thành, từ nay đến khi chính thức kết thúc nhiệm vụ cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo chủ trương của Trung ương, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; trình phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới…).
Đồng thời, tham mưu lãnh đạo huyện chỉ đạo, tăng cường thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, tập trung nội dung, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và xã hội hóa đầu tư. Tiếp tục ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn…
HOÀI THU - D.S
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202504/huyen-chau-thanh-nong-nghiep-van-la-be-do-trong-phat-trien-kinh-te-1040096/
Bình luận (0)