Đơn vị thi công đã và đang tiến hành ép cọc, kè móng công trình đường đi bộ dọc bờ sông Hương đoạn từ bến thuyền Tòa Khâm đến chân cầu Đập Đá

Chạy đua với thời gian

Chúng tôi có mặt tại công trình đường đi bộ dọc bờ sông Hương đoạn từ bến thuyền Tòa Khâm đến chân cầu Đập Đá vào một ngày trung tuần tháng Tư. Thời điểm này, đơn vị thi công đã và đang ép cọc thi công kè móng. Xe cần cẩu hoạt động liên tục để nâng những cọc sắt, cọc bê tông kết hợp với máy ép cọc để đóng xuống dọc bờ sông, tạo nền móng cho công trình.

Anh Nguyễn Công, một công nhân đang thi công tại công trình cho biết: Các đơn vị thi công, công nhân đang nỗ lực cố gắng để triển khai các công đoạn cơ bản nhất đúng với thiết kế của dự án.

Theo quan sát, cọc đóng đến đâu, đơn vị thi công tạo mặt bằng đến đó. Đến thời điểm này, việc ép cọc, tạo mặt bằng được thực hiện khoảng 20 đến 30m dọc bờ sông Hương. Khi thấy đơn vị thi công triển khai đóng cọc, nhiều người dân, khách du lịch tò mò đứng xem.

Ông Dương Quang Hiền, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa (TP. Huế) - chủ đầu tư công trình thông tin: Đây là tuyến đường đi bộ kết hợp đường xe đạp dài 460m, rộng 6m, kết hợp phần cấp, thoát nước, điện chiếu sáng. Tổng mức đầu tư của công trình hơn 35 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong 3 năm.

Tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối với tuyến đường đi bộ dọc sông Như Ý, đoạn từ Đập Đá đến cầu Vân Dương (TP. Huế) có chiều dài hơn 1,6km, rộng 6m, với tổng kinh phí hơn 267 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tuyến đường này cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn một vài hạng mục nhỏ nữa đang thi công là có thể đưa vào sử dụng. Mặt đường dọc tuyến đã xong phần lát gạch, nhưng nhiều đoạn cần phải tiếp tục đổ bê tông để mở rộng thêm nhằm để người dân và du khách đi bộ thuận tiện hơn.

Hiện, nhiều đoạn trên tuyến, các đơn vị thi công đang trải bạt để đổ bê tông mở rộng đường đi bộ. Xe chở cát, xe trộn bê tông cũng đã được huy động để triển khai thực hiện các công đoạn nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, các đơn vị thi công cũng dựng lan can ở những đoạn chưa có lan can.

Ngược lên tuyến đường đi bộ dọc sông Hương (phía nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa, thuộc phường Phường Đúc, máy móc, phương tiện cũng được tập kết, các đơn vị thi công tập trung nhân lực để tiến hành nạo vét bùn đất, đóng cọc, đặt các rọ sắt để tạo nền móng.

Ông Bạch Vĩnh, Chỉ huy trưởng đơn vị thi công của Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết: Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, đơn vị tăng cường thêm lực lượng, phương tiện máy móc để thi công công trình đảm bảo tiến độ.

Kết nối liên hoàn

Tuyến đường đi bộ dọc sông Hương đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa có tổng chiều dài gần 2km, có điểm đầu tại đường đi bộ công viên Bùi Thị Xuân, điểm cuối tại nút giao thông đường Bùi Thị Xuân và Huyền Trân Công Chúa. Công trình này được chia thành 2 đoạn tuyến. Đoạn 1, tuyến đi dọc bờ sông Hương, chiều dài khoảng 1.863m, bề rộng nền đường 10,5m; trong đó, đường dành cho người đi bộ rộng 3,0m (phía nhà dân); dải phân cách rộng 2m; đường dành cho người đi xe đạp rộng 3,5m; vỉa hè phía bờ sông rộng 2m, trên vỉa hè sẽ tiến hành trồng cỏ để tạo điểm xanh.

Đoạn 2, đường kết nối vào tuyến đường Bùi Thị Xuân (vuông góc với sông Hương), có chiều dài khoảng 74,5m; bề rộng nền đường 12m; trong đó, mặt đường rộng 6m; hè đường mỗi bên rộng 3m sẽ được trồng cây xanh.

“Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu hoàn thành công trình vào tháng 10/2025”, ông Hoàng Thiện, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực quận Thuận Hóa - chủ đầu tư công trình cho biết.

Một số ý kiến cho rằng, dọc tuyến bị ách tắc bởi một số hộ dân. Thế nhưng, khi chúng tôi gặp trực tiếp ông Lê Văn Duy, chủ nhà hàng Sông Hương quán (địa chỉ 3/238 Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc) thì được ông khẳng định: “Đường đi bộ dọc bờ sông Hương, sát chân cầu Nguyễn Hoàng, trước mặt quán của tôi đã thực hiện xong phần giải phóng mặt bằng, thi công và không ảnh hưởng gì đến đất đai. Tuy nhiên, gia đình tôi bị ảnh hưởng gần 300m2 đất để Nhà nước thực hiện một dự án khác. Gia đình tôi luôn chấp hành chủ trương của Nhà nước. Hiện, chúng tôi đang tiến hành các thủ tục cần thiết để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công".

Ông Bùi Ngọc Chánh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thuận Hóa thông tin: Tuyến đường dọc sông Hương (phía nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa có 121 hộ dân bị ảnh hưởng. Đối với đoạn 600m từ cầu Nguyễn Hoàng đến cầu Lòn đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng bàn giao chủ đầu tư ngày 28/2/2025. Một số tồn tại, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cho các đoạn còn lại cũng đã được các phòng, ban của quận Thuận Hóa họp bàn và thống nhất phương án triển khai nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.

Như vậy, đến thời điểm này, về cơ bản tuyến đường đi bộ dọc sông Hương vừa nêu không còn vướng mắc, trở ngại trong việc thi công, giải phóng mặt bằng. Dự kiến, tuyến đường sẽ hoàn thành đúng kế hoạch vào tháng 10 năm nay, hứa hẹn sẽ tạo sự kết nối liên hoàn và thêm điểm nhấn cho các bờ sông, trở thành điểm check-in lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước khi đến Huế.

Bài, ảnh: PHONG ANH

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/ket-noi-thong-suot-cac-tuyen-duong-di-bo-doc-bo-song-153395.html