NDO - Với đặc điểm địa hình, địa chất độc đáo cùng sự đa dạng văn hóa, Công viên địa chất Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Công viên địa chất Lạng Sơn có khoảng 200 hang động và nhiều thác nước đẹp. Đây là tiềm năng lớn để khai thác phát triển du lịch. Tỉnh Lạng Sơn đang triển khai nhiều biện pháp để đánh thức những tiềm năng này.
Công viên địa chất Lạng Sơn trải rộng trên toàn bộ phạm vi địa giới hành chính các huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn, một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia và một phần huyện Cao Lộc. Tổng diện tích 4.842,58km2, dân số khoảng 627.500 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh). Đây là một trong những Công viên địa chất lớn nhất Việt Nam.
Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều hang động rất nhiều và đồ sộ, độ dài lớn, trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều dạng, hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn.
Nhiều hang động kỳ thú là kết quả của các dòng sông chảy ngầm trong quá khứ như Thẩm Khoách, Lắc, hang Dơi cùng rất nhiều hang động chứa di tích khảo cổ, văn hóa, lịch sử rất có giá trị như hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, hang Kéo Lèng, hang Gió, hang động Nhị - Tam Thanh…
Trong đó, có những di tích về người tiền sử, cho thấy lịch sử cư trú lâu đời của con người trên đất nước ta.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Trần Thị Bích Hạnh cho biết, Công viên địa chất Lạng Sơn là “viên ngọc” trong vùng miền núi phía bắc Việt Nam với hành trình trải qua 500 triệu năm tiến hóa của sự sống. Từ vùng biển cổ xưa và vùng đất núi lửa, mỗi mặt của Công viên địa chất Lạng Sơn đều kể một câu chuyện độc đáo.
Công viên địa chất Lạng Sơn có hệ thống hang động kỳ thú. |
Bên cạnh giá trị về địa chất, địa mạo, Công viên địa chất Lạng Sơn còn gây ấn tượng mạnh mẽ về giá trị di sản văn hóa. Đời sống tâm linh tại Công viên địa chất Lạng Sơn bắt nguồn sâu xa từ đạo Mẫu, một tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Một số ngôi đền, chùa tiêu biểu như: Đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng); đền Chầu Năm, đền Chầu Mười (huyện Chi Lăng); chùa Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn)… Sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử tự nhiên, đa dạng văn hóa và truyền thống tâm linh khiến Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành một điểm đến độc đáo để tìm hiểu, khám phá.
Ngày 8/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phiên họp Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành đánh giá và 100% thành viên đã thống nhất công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Dự kiến, tháng 9/2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tại Chile. Tháng 11/2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.
Hiện nay, Công viên địa chất Lạng Sơn đã hình thành 4 tuyến du lịch với 38 điểm tham quan với chủ đề: “Tiến hóa sự sống nơi miền đất thiêng”. Mỗi tuyến lại có một đặc trưng riêng, bước đầu thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, Công viên địa chất Lạng Sơn còn nhiều dư địa để khai thác phát triển du lịch.
Một trong những hướng đi có thể đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới là du lịch thám hiểm hang động do Công viên có hệ thống hang động phong phú, độc đáo, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác một cách bền vững, quản lý tốt giá trị của di sản, đồng thời, bảo đảm an toàn khi khai thác dịch vụ.
Tọa đàm “Phát triển du lịch thám hiểm hang động Công viên địa chất Lạng Sơn” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia về hoạt động du lịch.
Khẳng định việc khai thác phát triển du lịch là cần thiết, PGS, TS Trần Tân Văn (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) cho rằng, trong một vùng đá vôi, nước dưới đất ở một số khu vực rất dễ bị ô nhiễm, trong khi một số khu vực khác lại ít nhạy cảm hơn. Vì vậy, để bảo vệ nước dưới đất ở các vùng đá vôi cần quy hoạch sử dụng đất một cách tổng thể, toàn diện; cần điều tra, kiểm kê hang động để làm cơ sở cho công tác quản lý. Cách tiếp cận tốt nhất trong quản lý tác động của việc sử dụng, khám phá hang động là xây dựng một kế hoạch chiến lược dài hạn, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Người hướng dẫn, cung cấp dịch vụ thám hiểm hang động cần được đào tạo bài bản về an toàn và bảo tồn hang động.
Tiến sĩ Mai Thị Phượng (Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, cần áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đối với phát triển du lịch thám hiểm tại Công viên địa chất Lạng Sơn. Bên cạnh quan tâm đến xử lý rác thải, quản lý tài nguyên, tỉnh Lạng Sơn cần thiết kế các sản phẩm du lịch theo hướng tuần hoàn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đồng thời gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách. Thí dụ như tổ chức các tour du lịch sinh thái, khám phá hang động, leo núi có kiểm soát nhằm hạn chế xói mòn và bảo vệ hệ sinh thái; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe điện, xe đạp trong khu vực công viên; tạo ra các sản phẩm lưu niệm từ vật liệu tái chế hoặc từ nguồn tài nguyên bản địa bền vững. Ngoài ra, cần phát triển chuỗi cung ứng du lịch bền vững, nâng cao nhận thức của cộng đồng…
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn nêu ý kiến về việc phát triển các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa địa phương, các giải pháp để khai thác kết hợp với bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản văn hóa. Đây là cơ sở để Lạng Sơn áp dụng vào việc khai thác du lịch, nhất là du lịch thám hiểm hang động trong thời gian tới.
Nguồn: https://nhandan.vn/khai-thac-du-lich-hang-dong-cong-vien-dia-chat-lang-son-post860046.html
Bình luận (0)