Vườn sầu riêng (ấp Phước An, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu), có diện tích 3 ha, trồng giống Ri6, mỗi vụ đạt 20 tấn/ha, đầu vụ giá bán dao động từ 50.000 đồng-60.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Văn Phong cho biết: “Vườn sầu riêng chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế thuốc hoá học và thực hiện bảo hộ lao động, ghi chép đầy đủ thông tin trong nhật ký canh tác… Tôi đã hoàn tất hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng cho toàn bộ diện tích vườn để sản phẩm sầu riêng có đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hy vọng rằng khi phát triển mã vùng trồng, sầu riêng đạt năng suất, chất lượng, có đầu ra ổn định, xuất khẩu chính ngạch sẽ khẳng định được thương hiệu sầu riêng trên thị trường quốc tế”.
Ông Phan Hoài Thịnh– Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) cho biết, niên vụ sầu riêng 2024-2025, trên địa bàn xã Bàu Đồn có hơn 900 ha đang cho trái với năng suất bình quân 15-20 tấn/ha. Hiện tại, HTX liên kết thu mua tất cả sầu riêng của thành viên đã được cấp mã vùng trồng, với diện tích 120 ha.
Ông Thịnh cho biết, mặc dù vườn sầu riêng của ông Phong chưa kịp cấp mã số vùng trồng, nhưng qua những lần xét nghiệm mẫu, sản phẩm sầu riêng không có dư lượng chất vàng O và Cadimi.
Qua nhiều lần xét nghiệm mẫu, sầu riêng của ông Phong đạt tiêu chuẩn, chất lượng nên HTX đã liên kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm tại vườn.
Hiện tại, thị trường xuất khẩu sầu riêng rất khó, đòi hỏi sản phẩm sầu riêng đạt chất lượng cao. Chính vì vậy, sầu riêng muốn có đầu ra ổn định, trước khi cắt trái bắt buộc phải được lấy mẫu kiểm nghiệm dư lượng chất vàng O và Cadimi, nếu sầu riêng đủ tiêu chuẩn, đơn vị thu mua mới tiến hành cắt trái, mỗi vườn đều được đánh mã số riêng để bảo vệ mã số vùng trồng của từng vườn.
“Xuất khẩu sản phẩm sầu riêng là một sân chơi lớn, nên việc siết chặt kiểm tra từ gốc, minh bạch thông tin cũng là cách để mặt hàng sầu riêng đi đường dài. Việc thay đổi thói quen canh tác cùng quy định bắt buộc kiểm tra từ gốc sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, thị trường xuất khẩu mà còn bảo vệ chính người sản xuất”- ông Thịnh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh– Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, việc xây dựng mã số vùng trồng được tỉnh triển khai trong nhiều năm qua, nhất là khi sầu riêng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Hiện Chi cục tiếp tục hỗ trợ các nhà vườn cấp mã số vùng trồng cho vùng có nhu cầu xuất khẩu. Trên địa bàn có 40 mã vùng trồng sầu riêng, hiện có 5 mã đã được phê duyệt xuất sang thị trường Trung Quốc, các mã còn lại vẫn đang chờ phía Trung Quốc phê duyệt.
Ông Hà Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết, hiện nay, người sản xuất vẫn còn tập quán thâm canh lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong năm 2025, Trung tâm tập trung hướng dẫn người sản xuất kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng theo đúng quy định, tuyên truyền vận động người sản xuất xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Tham gia xây dựng mã vùng trồng đồng nghĩa với việc nông dân phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu của sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, từ canh tác, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến vận chuyển, phân phối… Việc thay đổi thói quen sản xuất dù khó nhưng người sản xuất vẫn rất tâm huyết và quyết tâm thực hiện.
Trung tâm Khuyến nông tiếp tục phối hợp với các chuyên gia nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng để triển khai, hướng dẫn cho người sản xuất; tăng cường liên kết giữa các cấp quản lý, doanh nghiệp, HTX và nông dân nhằm ổn định nguồn tiêu thụ và mở rộng thị trường trong và ngoài nước; nâng cao nhận thức của nông dân, HTX và cán bộ kỹ thuật về sản xuất sầu riêng an toàn, hiệu quả.
Nhi Trần
Nguồn: https://baotayninh.vn/khai-vu-sau-rieng-nam-2025-xay-dung-ma-so-vung-trong-de-phat-trien-a188964.html
Bình luận (0)