Những ngày cuối tháng Bảy, trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2025), ký ức chiến tranh và tình đồng đội sâu nặng lại trào dâng trong tâm trí của những người lính năm xưa. Hòa trong mạch tri ân lan tỏa khắp mọi miền, tôi được kết nối với cựu chiến binh (CCB) Hoàng Sơn Lâm (sinh năm 1950, quê tại phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh).
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hồi ức về trận đánh ác liệt tại sân bay Khâm Đức (thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Khâm Đức, TP Đà Nẵng) vẫn khắc sâu trong tâm trí ông. Mảnh đất ấy là nơi nhiều đồng đội của ông mãi nằm lại. Nỗi day dứt chưa thể đưa họ trở về đã thôi thúc ông trở lại chiến trường xưa, đi tìm đồng đội.
Tuổi 17 hòa vào vận mệnh dân tộc
Tháng 12-1967, vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Hoàng Sơn Lâm lên đường nhập ngũ, và được biên chế về Đại đội 57 (Tiểu đoàn 419, Trung đoàn 568, Sư đoàn 330). Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, chàng lính trẻ cùng đơn vị hành quân vào Nam, mang theo ba lô, súng đạn và ý chí sục sôi.
Cựu chiến binh Hoàng Sơn Lâm (bên phải) trao đổi thông tin với đồng đội qua điện thoại trong quá trình tìm hài cốt các liệt sĩ. Ảnh: Xuân Gụ |
Ngày 14-6-1968, khi đến tỉnh Quảng Nam (nay là TP Đà Nẵng), Hoàng Sơn Lâm được phân công về Tiểu đoàn Công binh 236 (Trung đoàn 230, Cục Hậu cần Quân khu 5), với nhiệm vụ mở đường, rà phá bom mìn, lấp ngầm, bảo đảm huyết mạch giao thông phục vụ vận chuyển và tác chiến của bộ đội.
Tháng 7-1970, khi quân Mỹ mở cuộc hành quân càn quét thị trấn Khâm Đức (nay là xã Khâm Đức, TP Đà Nẵng), Hoàng Sơn Lâm được phân công làm nhiệm vụ ở Đài quan sát của Trung đoàn 230 trên điểm cao 1599. Tại đây, tổ quan sát theo dõi hoạt động của địch tại sân bay Khâm Đức bằng mắt thường và ống nhòm, kịp thời báo cáo về Trung đoàn 230, bảo đảm cho công tác chỉ huy hiệp đồng chiến đấu.
“Rạng sáng 5-8-1970 (mốc thời gian mà sau này tôi mới biết khi tổng hợp tư liệu), tôi trực trên Đài quan sát và nghe tiếng súng nổ dữ dội từ hướng sân bay Khâm Đức. Trời mù sương, tầm nhìn hạn chế, tôi chỉ thấy ánh chớp lóe lên từ loạt bộc phá nổ rền. Tôi lập tức báo cáo về Trung đoàn. Một lúc sau, chỉ huy cho biết: Lực lượng đặc công của ta đang đánh sân bay Khâm Đức. Trận đánh kéo dài đến rạng sáng mới dứt. Đến chiều cùng ngày, tôi nhận tin: 15 đồng chí của Tiểu đoàn Đặc công 8 đã hoàn thành nhiệm vụ và anh dũng hy sinh”, ông Lâm bồi hồi nhớ lại.
Trận đánh sân bay Khâm Đức đã hằn trong ký ức người lính trẻ đến tận sau này, không chỉ bởi sự khốc liệt của chiến trường, mà còn vì những đồng đội đã mãi nằm lại nơi ấy.
Sau trận đánh, anh cùng đơn vị thực hiện các nhiệm vụ mới. Năm 1973, chàng lính trẻ được phân công về Đại đội 1 (Tiểu đoàn Công binh 283, Binh trạm 238, Cục Hậu cần Quân khu 5). Đến năm 1975, anh làm nhiệm vụ bảo vệ kho bom Hòa Cầm trong biên chế Đại đội 1 (Tiểu đoàn 5, Cục Hậu cần Quân khu 5). Sau đó, vào năm 1976, Hoàng Sơn Lâm xuất ngũ, về làm việc tại Công ty Xây dựng cơ bản Thương nghiệp Hà Bắc (nay là Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Bắc Giang).
Sứ mệnh của người ở lại
Trở về đời thường, ông Lâm tiếp tục cuộc sống mưu sinh như bao đồng đội khác. Nhưng trong thẳm sâu ký ức người lính năm xưa, trận đánh sân bay Khâm Đức vẫn chưa nguôi ngoai. Các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 8 (sau năm 1969 đổi tên thành Tiểu đoàn Đặc công 404, Quân khu 5) đã anh dũng hy sinh, nhưng hài cốt vẫn chưa được tìm thấy, trở thành nỗi day dứt trong lòng ông.
Cựu chiến binh Hoàng Sơn Lâm và vợ. Ảnh: Xuân Gụ |
Đến năm 2009, cơ duyên đưa ông Lâm quay trở lại thị trấn Khâm Đức (nay là xã Khâm Đức, TP Đà Nẵng). Khi đó, một người cháu đang công tác tại Văn phòng Huyện ủy Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam, nay là TP Đà Nẵng) mời ông vào chơi. Trong chuyến đi ấy, ông đến thăm Ban CHQS huyện Phước Sơn và gặp Thượng tá Nguyễn Hữu Bàng (khi ấy là Chính trị viên Ban CHQS huyện).
Biết ông từng chiến đấu tại Khâm Đức, Thượng tá Nguyễn Hữu Bàng đưa ra tài liệu mang ký hiệu lưu trữ số 221 của Mỹ trao cho Việt Nam sau chiến tranh. Trong đó có sơ đồ trận đánh sân bay Khâm Đức, thể hiện rõ vị trí đường băng, trận địa pháo và đặc biệt là hố chôn tập thể kèm ghi chú: Chôn 16 đặc công Việt cộng.
“Vừa nhìn sơ đồ, tôi đoán đây chính là trận đánh mà mình từng chứng kiến từ Đài quan sát. Lúc ấy, tôi biết đó là trận đánh của đặc công Tiểu đoàn 8 nhưng không có thêm thông tin gì. Nghe vậy, Thượng tá Nguyễn Hữu Bàng cho biết, Ban CHQS huyện Phước Sơn tổ chức tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ từ năm 1998 nhưng chưa có kết quả. Vì thế, tôi bảo đồng chí Bàng viết giấy giới thiệu cho tôi gặp Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã nghỉ hưu, để tìm thêm manh mối”, ông Lâm cho biết. Mang theo giấy giới thiệu, ông Lâm đến Đà Nẵng, tìm gặp Thượng tướng Nguyễn Chơn và bắt đầu hành trình tìm kiếm đồng đội của mình.
Hơn 1 thập kỷ bền bỉ tìm kiếm
Qua giới thiệu của Thượng tướng Nguyễn Chơn, ông Lâm gặp Thiếu tướng Châu Khải Địch, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 5, đã nghỉ hưu, rồi Thượng tá Đỗ Thanh Luận (khi ấy là Phó phòng đặc công Quân khu 5). Tuy nhiên, sau khi tìm kiếm các hồ sơ tại Bộ tư lệnh Quân khu 5, ông vẫn không thấy thông tin nào liên quan đến trận đánh sân bay Khâm Đức năm 1970 của Tiểu đoàn Đặc công 8.
“Khi ấy, tôi còn nhớ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 404 tên là Quỳnh. Vì thế, trước khi ra Bắc, tôi đã dặn anh Luận ở lại tra cứu giúp hồ sơ liên quan đến cán bộ tên Quỳnh hy sinh tại Khâm Đức”, ông Lâm nhớ lại.
Sau đó, ông Lâm gặp Đại tá Bá (nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 8) và được biết sau năm 1969, Tiểu đoàn Đặc công 8 đã đổi tên thành Tiểu đoàn Đặc công 404. Chi tiết này giúp ông Lâm định hướng lại toàn bộ hành trình tìm kiếm của mình.
Từ Thiếu tá Mai Minh Đoan (nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Đặc công 404) ông Lâm tiếp tục ra Hà Nội gặp ông Phạm Công Hưởng (nguyên lính trinh sát Tiểu đoàn 404) và được cung cấp danh sách một số cựu chiến binh (CCB) của Tiểu đoàn 404. Ông lần lượt tìm gặp, kết nối với từng người. Các CCB xác nhận có nghe về trận đánh năm xưa, song thông tin còn rời rạc, thiếu căn cứ cụ thể.
Bước ngoặt đến khi ông Lâm gặp được CCB Vi Văn Viên (sống tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, nay là xã Phúc Hòa, tỉnh Bắc Ninh), là chiến sĩ ở mũi nghi binh trong trận đánh sân bay Khâm Đức.
“Ông Viên khẳng định chắc chắn: Trận đánh diễn ra vào ngày 5-8-1970. Sau đó, tôi lại nhận được cuộc điện thoại từ Thượng tá Đỗ Thanh Luận báo tin đã tìm thấy thông tin về đồng chí Lê Quý Quỳnh, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 404, hy sinh ngày 5-8-1970 tại Khâm Đức. Khi ấy, tôi mừng lắm, vì xác định được thời gian rồi thì việc tìm kiếm sẽ thuận lợi hơn”, ông Lâm phấn khởi nhớ lại.
Sau khi xác định thời điểm trận đánh là ngày 5-8-1970, ông Lâm tiếp tục lần theo dấu vết tư liệu để củng cố thông tin. Từ thành phố Bắc Giang (nay là phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh), ông đến Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân (số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội). Tới Ban Tư liệu, ông Lâm tìm được thông tin về trận đánh đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7-8-1970: “Đêm 4 rạng ngày 5-8-1970, Quân giải phóng đã tiến công quân Mỹ thuộc Lữ đoàn 196 đóng ở Khâm Đức. Địch thú nhận đây là trận tiến công lớn nhất của Quân giải phóng vào quân Mỹ sau những trận đánh ở vùng điểm cao 935 phía tây thành phố Huế”.
Cựu chiến binh Hoàng Sơn Lâm (thứ 3 từ trái sang) cùng đồng đội về thăm chiến trường cũ. Ảnh: Xuân Gụ |
Sau khi có tài liệu số 221 của phía Mỹ cùng các tư liệu trong nước, ông gặp lại các CCB Tiểu đoàn 404 để phối hợp tìm kiếm. Tổ tìm kiếm được thành lập, do ông Phạm Công Hưởng làm tổ trưởng.
Năm 2013, sau nhiều năm không tìm thấy tung tích đồng đội, ông Lâm vẫn miệt mài tra cứu thông tin trên mạng. Một ngày, ông tình cờ thấy đoạn phim dài 6 phút 16 giây, do cựu phóng viên chiến trường người Mỹ Christopher Jensen ghi lại cảnh trận đánh tại sân bay Khâm Đức năm xưa.
“Những hình ảnh trong clip khiến tôi nghẹn ngào vì nhận ra đây chính là trận đánh của Tiểu đoàn 404. Ngay lập tức, tôi gửi đoạn phim cho ông Phạm Công Hưởng. Biết tiếng Anh, ông Hưởng liên hệ với ông Christopher Jensen và nhận được 5-6 bức ảnh. Từ đó, xác định được hướng tiếp cận và khu vực tìm kiếm”, ông Lâm cho biết.
Năm 2015, các cơ quan chức năng huyện Phước Sơn (nay là xã Khâm Đức, TP Đà Nẵng) đã huy động tối đa lực lượng và phương tiện, trong đó có cả thiết bị radar xuyên đất nhưng cuộc tìm kiếm vẫn không đem lại kết quả.
Khâm Đức năm ấy, các anh về
Tháng 5-2020, Ban CHQS huyện Phước Sơn phối hợp với các CCB Tiểu đoàn Đặc công 404 và thân nhân liệt sĩ tiếp tục tổ chức đợt tìm kiếm quy mô lớn. Với sự hỗ trợ tích cực từ các cựu binh Mỹ trong việc xác định tọa độ, đối chiếu với tư liệu hình ảnh trước đó, vị trí hố chôn tập thể được xác định tương đối chính xác.
Sau khi mở rộng vị trí tìm kiếm, đến chiều ngày 1-6-2020, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện một số mảnh xương ống và nhiều mẫu vật như: Dây lưng quần, dây trói… trùng khớp với hình ảnh do những cựu binh Mỹ cung cấp. Đến ngày 4-6-2020, việc tìm kiếm cơ bản hoàn tất.
Tại lễ truy điệu 16 liệt sĩ hy sinh ngày 5-8-1970, Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Gụ, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 404, Quân khu 5, thay mặt CLB Cựu chiến binh Tiểu đoàn 404, đã đọc điếu văn có đoạn: "Tiểu đoàn đặc công 404 là một đơn vị cơ động được thành lập từ tháng 5-1969, đã trải qua nhiều trận đánh như: Căn cứ điểm sân bay Khâm Đức năm 1970, trận đánh chiếm chi khu quận lỵ Đak Pét tháng 4-1972. Qua nhiều chiến dịch đã làm cho quân địch khiếp vía, kinh hoàng... Hôm nay, anh em cựu chiến binh của Tiểu đoàn 404 đặc công đã từng một thời đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng chung một lý tưởng đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào cùng 16 liệt sỹ có mặt ở đây với một tâm trạng vui, một chút bùi ngùi và tự hào. Vui vì gần một nửa thế kỷ chúng ta đã tìm được hài cốt của các liệt sỹ đưa niềm vui về với gia đình, dòng họ, quê hương và đồng đội. Bùi ngùi giá như chúng ta tìm được hài cốt các anh sớm hơn. Tự hào vì thấy hôm nay chính quyền địa phương, đồng đội, đồng bào đã tổ chức lễ truy điệu 16 liệt sỹ rất tình nghĩa, chu đáo và trang trọng, biểu thị truyền thống uống nước nhớ nguồn".
Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Gụ, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 404, Quân khu 5, thay mặt CLB Cựu chiến binh Tiểu đoàn 404, đã đọc điếu văn. |
Dù không có mặt tại hiện trường khi tìm thấy di cốt các liệt sĩ, CCB Hoàng Sơn Lâm vẫn nhớ như in: “Khi nhận được tin báo video từ các đồng đội rằng: Đội công tác của Ban CHQS huyện Phước Sơn đã tìm thấy, quy tập ngôi mộ tập thể các liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn đặc công 404, Quân khu 5 hy sinh trong trận đánh sân bay Khâm Đức rạng sáng 5-8-1970, tôi xúc động đến phát khóc. Tôi mừng vì đồng đội đã được trở về với gia đình, mừng vì công sức nhiều năm tìm kiếm của Ban CHQS huyện, của các CCB Tiểu đoàn 404, của thân nhân liệt sĩ, cùng sự hỗ trợ từ nhà báo Mỹ Christopher Jensen và một số cựu binh Mỹ cuối cùng cũng có kết quả”.
Hơn 10 năm lặng lẽ chắp nối thông tin, lần theo từng manh mối để tìm đồng đội, với ông Lâm, đó không chỉ là hành trình của ký ức, mà còn là bổn phận thiêng liêng của người ở lại trước những hy sinh lặng thầm năm ấy. Hành trình đưa các liệt sĩ đặc công Tiểu đoàn 404 trở về với gia đình chỉ là lát cắt nhỏ trong bản trường ca tri ân vẫn đang âm thầm tiếp nối trên khắp dải đất hình chữ S. Biết bao con người đang đào từng tấc đất, chắt chiu từng lời kể để đưa các Anh hùng liệt sĩ trở về với đất mẹ.
Máu xương các anh đã hòa vào đất, hóa thành mùa lúa trĩu bông, thành dòng nước tưới mát ruộng đồng, thành cánh rừng xanh che chở bản làng, thành ánh nắng soi bước thế hệ hôm nay. Tháng Bảy tri ân, cả dân tộc cúi mình tưởng nhớ, để mỗi người tự nhắc mình về bổn phận gìn giữ từng tấc đất, bảo vệ cuộc sống yên bình, vun đắp ngày mai tốt đẹp, để xứng đáng với những hy sinh đã hóa vào hồn đất nước.
“
”
(“Các anh ơi” - Đào Mạnh Thạnh)
TRẦN HẢI LY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục " xem các tin, bài liên quan
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/kham-duc-oi-tim-thay-cac-anh-roi-838775
Bình luận (0)