Vì sao cơ sở 2 của hai bệnh viện chưa thể đi vào hoạt động?
Hiện trạng cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức thời điểm tháng 1 (Ảnh: Nguyễn Hải).
Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được thực hiện theo Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu xây dựng 2 bệnh viện này thành các bệnh viện tuyến trung ương đạt tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ, cơ chế quản lý điều hành tiên tiến, có trình độ khám, chữa bệnh ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực... Đồng thời, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương và giảm tình trạng người dân phải đi ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành.
Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng Covid-19.
Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
Khu khám bệnh của cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian sau đó tạm dừng (Ảnh chụp vào tháng 1: Nguyễn Hải).
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến 2 dự án chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là thực hiện các hợp đồng xây dựng, nên phát sinh các vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.
Cụ thể, trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi nhiều hạng mục theo ý kiến của 2 bệnh viện như thay đổi hệ thống điều hòa, nước nóng, số lượng điều hòa, khu vực nội trú cho y bác sĩ… nên thời gian thực hiện bị vượt quá.
Năm 2019, Bộ Y tế đã xin tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tiến độ dự án đã được điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2020.
Quá trình thi công, tổ chức thực hiện hợp đồng có nhiều vướng mắc liên quan. Đầu năm 2021, dự án đã tạm dừng thi công.
Đến nay, cả hai bệnh viện này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thành. Phần lớn trang thiết bị y tế chưa được mua sắm, lắp đặt. Đặc biệt nhiều khu vực phụ trợ xuống cấp, một số khu vực tường bị bong tróc phủ rêu, sân, vườn cỏ dại mọc um tùm, trở nên hoang hóa.
Tháng 11/2024, thi công trở lại dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức
Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan đã tích cực chủ động tìm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ trưởng Bộ Y tế là Tổ trưởng; Lãnh đạo một số Bộ, ngành là thành viên.
Bộ Y tế và Tổ công tác đã nỗ lực rà soát, nghiên cứu, đề xuất phương án nhằm xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án này và đã hoàn thiện Phương án xử lý để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Từ đầu tháng 11/2024, nhà thầu đã bắt đầu triển khai thi công trở lại. Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu khẩn trương tập trung tối đa nguồn lực để triển khai thi công, bảo đảm hoàn thành xây dựng các dự án.
Chúng ta đã ban hành Nghị quyết 34 nhưng đó chưa phải là tất cả. Nghị quyết mới giúp chúng ta có một số cơ chế, nguyên tắc lớn để thực hiện, mà để đưa 2 dự án vào hoạt động thì còn rất nhiều công việc phía trước. Vì thế, chúng ta không thể thở phào là đã xong việc mà phải tổ chức thực hiện. Chúng ta cố gắng quyết tâm rút ngắn tiến độ ít nhất 1 tháng
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói trong buổi làm việc chiều 19/2 về cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại 2 dự án này.
Ngày 16/1, Bộ Y tế đã có tờ trình số 11/TTr-BYT gửi Chính phủ xin phê duyệt Nghị quyết về cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại hai dự án này.
Ngày 13/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP về cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Nghị quyết này đưa ra các cơ chế, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo hoàn thành đầu tư xây dựng hai dự án trong năm 2025, đồng thời bảo đảm điều kiện về nhân lực và các yếu tố cần thiết khác để vận hành hiệu quả hai bệnh viện ngay sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Thực hiện Nghị quyết số 34 này, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 17/2 về việc thành lập Tổ Công tác và Kế hoạch số 218/KH-BYT ngày 19/2 để triển khai thực hiện.
Bộ Y tế đang chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu, hai bệnh viện và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục điều chỉnh hợp đồng, tổ chức thi công, mua sắm và lắp đặt thiết bị y tế.
Trong đó, đảm bảo hoàn thành xây dựng Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong năm 2025 theo đúng Nghị quyết số 34 của Chính phủ.
Sớm đưa 2 cơ sở vào hoạt động trong năm nay
Chiều 19/2, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tại dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: Trần Minh).
Cũng theo văn bản trên, về đảm bảo nguồn nhân lực, Bộ Y tế đã chỉ đạo hai bệnh viện chủ động trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực qua công tác tuyển dụng nhân lực cho cơ sở 2. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai có Trường Cao đẳng y tế, đây là yếu tố thuận lợi cho đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cả 2 cơ sở.
Đồng thời, các bệnh viện cần xây dựng đề án vị trí việc làm, kế hoạch nhân lực theo giai đoạn, lộ trình phù hợp với giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế (bao gồm quy hoạch, bổ nhiệm, luân phiên, tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo trong nước và đào tạo tại nước ngoài...) cho cơ sở 2 của 2 bệnh viện. Nghiên cứu bổ sung nguồn kinh phí đào tạo nhân lực cho 2 bệnh viện theo quy định.
Đối với cơ chế quản lý tài chính, đầu tư, mua sắm thiết bị, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền để bổ sung kinh phí phù hợp với đề án quy hoạch của 2 bệnh viện, hỗ trợ 2 bệnh viện những năm đầu vận hành cơ sở 2.
Nhằm sớm đưa 2 dự án vào vận hành, tránh lãng phí, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu, 2 bệnh viện và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các thủ tục điều chỉnh hợp đồng, tổ chức thi công, mua sắm và lắp đặt thiết bị y tế. Trong đó, bảo đảm hoàn thành xây dựng 2 dự án trên trong năm 2025.
Phần xây dựng của 2 dự án đã gần hoàn thiện (Ảnh: Nguyễn Hải).
Theo đại diện ban quản lý dự án, đơn vị đã phối hợp với các tổng thầu để bảo đảm tiến độ dự án Bệnh viện Bạch Mai dự kiến ngày 15/8 sẽ hoàn thiện, lắp đặt trang thiết bị.
Nhà thầu thi công Bệnh viện Việt Đức cam kết ngày 15/10 sẽ hoàn thiện phần xây dựng.
Trả lời phóng viên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 8/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cam kết Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc của dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, phấn đấu đưa vào hoạt động trong 2025.
Trước đó, trả lời báo chí chiều 20/12/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cũng cho biết, về phần xây dựng, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thiện 97%, còn 3%, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức cũng đã xây dựng được 85% chỉ còn 15%. Theo Thứ trưởng, về phần xây dựng với phần 6 tháng (như yêu cầu của Thủ tướng trước đó) chắc không khó khăn gì.
"Liên quan đến thiết bị y tế đã được phê duyệt từ năm 2014-2015, chúng tôi sẽ rà soát để đối chiếu với thực tiễn thực hiện và tổ chức mua sắm thiết bị y tế, mỗi dự án gần 1.000 tỷ đồng. Mục tiêu là nếu các khó khăn vướng mắc được các cấp có thẩm quyền chấp nhận, chúng ta sẽ hoàn thiện việc xây dựng trong năm 2025", Thứ trưởng Luận nói.
Thời điểm năm 2014, vấn đề giảm quá tải của các bệnh viện tuyến trên trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Khi đó cảnh bệnh nhân nằm ghép 3-4 người một giường, thậm chí nằm dưới gầm giường khiến nhiều người không khỏi cảm thán.
Cũng vì thế, tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TPHCM", trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức.
Tháng 12/2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư mới cơ sở 2 bệnh viện tuyến trung ương này. Thời gian thực hiện cả hai bệnh viện là từ năm 2014 đến năm 2017. Dự án do Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm, Bộ Y tế làm chủ đầu tư.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 118.941m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ và nguồn khác.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng 117.714m2 sàn. Tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4.500 tỷ và nguồn khác.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/khi-nao-2-benh-vien-nghin-ty-bi-bo-hoang-se-di-vao-hoat-dong-20250402211611160.htm
Bình luận (0)