Uống nước nhớ nguồn là một thành ngữ nói về lòng tri ân hiểu theo nghĩa bóng, nhưng “uống nước”, hiểu theo nghĩa đen, thiết thân với con người sinh học, đó là điều diễn ra hàng ngày với mỗi người. Vì vậy, sự tri ân không chỉ diễn ra trong một ngày lễ được ghi trên tờ lịch, mà phải cần được nhắc nhớ thường xuyên.
Cách nay 78 năm, ngày 27 tháng 7 được chọn là ngày tri ân thương binh, liệt sĩ - nhưng tri ân không phải là chuyện diễn ra hay gói gọn chỉ trong một ngày lễ. Vì vậy, điện ảnh, âm nhạc, văn học…, những phương tiện nghệ thuật giàu sức lay động cần trở thành con đường để ký ức chiến tranh tiếp tục sống động trong đời sống hôm nay. Mới mấy hôm trước, chiều 23-7, tại Hà Nội, phim Mưa Đỏ được ra mắt dưới hình thức “showcase” (sự kiện gặp mặt truyền thông dự án phim) trước khi phim được dự định công chiếu trên hệ thống rạp vào ngày 22-8 tới đây.
Mưa Đỏ là câu chuyện bi tráng về những người lính và cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai. Trong buổi chiếu giới thiệu ấy, trên pano của phim có một dòng chữ Máu xương đổ xuống, đất trời lưu danh!. Dù chưa chính thức ra rạp nhưng dõi theo hành trình của bộ phim, nhất là khi được quay tại chính Quảng Trị với phim trường bên dòng sông Thạch Hãn, cùng với kịch bản, đạo diễn, diễn viên được đầu tư, bộ phim đã được dự báo sẽ tạo nên “cơn sốt phòng vé” dù làm về đề tài chiến tranh cách mạng. Đó cũng là điều mà bộ phim Địa đạo mới mấy tháng trước, khi được công chiếu đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã thu hút một lượng khán giả ngoài dự báo, và bất ngờ hơn khi rất đông khán giả của phim là những người trẻ, thế hệ trẻ!
Lâu nay, một số phim về đề tài chiến tranh cách mạng thường mang tính minh họa, thiên về tuyên truyền, ít tính điện ảnh, thậm chí bị gắn với tâm lý “cúng giỗ”. Nhưng giờ đây, những tác phẩm “tri ân” đã mang một cách kể chuyện mới, điện ảnh hơn, hiện đại hơn, chú trọng chiều sâu nhân vật, không né tránh mất mát và bi kịch, nhưng vẫn gìn giữ được tinh thần bất khuất và hào khí cách mạng. Địa đạo lấy cảm hứng từ hệ thống địa đạo Củ Chi huyền thoại trong kháng chiến, và bộ phim không chỉ tái hiện kỳ tích chiến tranh nhân dân mà còn khai thác chiều sâu tâm lý, thân phận con người nên giàu sức thuyết phục. Điều đặc biệt là Địa đạo đã tạo nên cơn sốt phòng vé - điều vốn rất hiếm với phim chiến tranh cách mạng trong suốt hàng chục năm qua. Chính những bạn trẻ tìm đến với bộ phim này không chỉ để thưởng thức một tác phẩm điện ảnh chất lượng mà còn để bày tỏ lòng tri ân với thế hệ cha anh đã hy sinh cho hôm nay, và thế hệ trẻ ấy biết mình phải làm gì để viết tiếp câu chuyện hòa bình. Sau Địa đạo, sắp tới là Mưa Đỏ, vẫn tiếp tục thủy chung một mạch nguồn tri ân với những người đã ngã xuống hôm qua.
Hy sinh - đó cũng là điều đang diễn ra rất cụ thể trong những ngày này, khi hàng vạn người lính đang lao vào vùng thiên tai để cứu dân ở miền Tây Nghệ An, như họ đã lăn lộn mấy tháng trời ở Làng Nủ (Lào Cai) để cứu dân, dựng làng mới cho dân sau hoạn nạn hồi năm ngoái. Và biết đâu đến một ngày nào đó, sẽ có những bộ phim kể về hôm nay, như hôm nay đang kể về hôm qua! Những tác phẩm điện ảnh như đã kể đâu chỉ nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn. Bởi tri ân không chỉ là nhìn lại mà còn là sống tiếp, sống xứng đáng với những người đã ngã xuống. Và ngày 27-7 đã và đang trở thành mốc thời gian không chỉ để tưởng nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc, mà còn để soi lại cách một dân tộc ứng xử với lịch sử của mình. Tưởng nhớ không chỉ bằng hoa, không chỉ qua nghi lễ. Bởi nếu chỉ dừng ở sự kiện, sẽ sớm phai nhạt theo thời gian. Nhưng nếu tri ân là một phần của văn hóa sống sẽ tồn tại lâu dài như một bản sắc riêng của dân tộc.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/khi-tri-an-tro-thanh-mot-dong-chay-van-hoa-post805640.html
Bình luận (0)