Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cập nhật kiến thức chuyên đề: Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã chủ động tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát và hoàn thiện các quy định, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ KHCN, ĐMST&CĐS; ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch hành động số 27-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 5519-QĐ/UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh chú trọng tăng cường bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn khoa học, kỹ thuật tham gia cấp ủy các cấp, ban hành các chính sách thu hút nhân tài, xây dựng cơ chế đặc thù trong hợp tác đào tạo, phát triển đội ngũ nhà khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm vay vốn ưu đãi từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các chợ công nghệ, thiết bị, các diễn đàn kết nối cung - cầu công nghệ; xúc tiến các hoạt động hợp tác khoa học công nghệ với nước ngoài.
Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ được nâng lên, KHCN từng bước trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Từ năm 2020 đến năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 179 nhiệm vụ KHCN, nhiều nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều công nghệ mới được nghiên cứu, chuyển giao thành công đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thanh Hóa như: sấy lúa bằng bức xạ hồng ngoại; sấy cói bằng công nghệ tuy nen; sản xuất gốm mỹ nghệ tráng men bằng công nghệ đốt gas kết hợp đốt than; sản xuất gạch không nung Terrazzo; ép thủy lực đa năng và in kỹ thuật số trong sản xuất gạch ốp lát cao cấp; khai thác đá “cắt dây”; sản xuất cát nhân tạo...
Nhiều thành tựu y học hiện đại đã được nghiên cứu, ứng dụng vào phục vụ công tác khám, điều trị bệnh, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh thuộc top đầu cả nước về lĩnh vực y tế như: ứng dụng kỹ thuật SPECT, MRI, PET/CT; ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm Cyfra 21-1, CEA, SCC, ProGRP trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư phổi; chẩn đoán mô bệnh học bằng phương pháp nhuộm Hematoxyline Eosin, nhuộm Giemsa; ứng dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch điều trị nhồi máu não sớm; ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt thận; kỹ thuật ghép giác mạc, ghép thận; nghiên cứu sản xuất thành công nhiều phần mềm ứng dụng phục vụ sản xuất, chế biến thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải...
Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các nhiệm vụ KH&CN tập trung vào nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học nhằm cụ thể hoá đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện cụ thể của tỉnh, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nhận thức về quê hương, con người xứ Thanh.
Chuyển đổi số được đẩy mạnh, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện kết nối, chia sẻ và trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý. Đồng thời, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được chú trọng, với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hiện nay, tỉnh đã có 31 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, là một trong những địa phương đứng đầu cả nước. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy phát triển bền vững.
Bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về đột phá phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW với mục tiêu đến năm 2030 Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao KHCN, ĐMST&CĐS với tiềm lực về hạ tầng, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế. Phát triển nhanh, vững chắc KHCN, ĐMST&CĐS, thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Đến năm 2045 KHCN, ĐMST&CĐS phát triển vững chắc, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập cao.
Để thực sự cất cánh, tỉnh phải thực hiện thành công cuộc cách mạng phát triển KHCN, ĐMST&CĐS. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, KHCN, ĐMST&CĐS sẽ có bước tiến mạnh mẽ, phát triển nhảy vọt, trở thành động lực chính để đưa tỉnh Thanh Hóa phát triển bứt phá, giàu mạnh, trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc.
Đỗ Duy Đông (Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-chuyen-doi-so-dong-luc-quan-trong-dua-tinh-thanh-hoa-phat-trien-manh-me-trong-ky-nguyen-vuon-minh-244589.htm
Bình luận (0)