Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trung Võ hầu Lê Trần Giám

(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra ở vùng đất cổ Kẻ Đừng - nay là làng Phú Khê (xã Hoằng Phú, Hoằng Hóa), Trung Võ hầu Lê Trần Giám là nhân vật lịch sử cuối thời Lê - Trịnh. Công tích, sự nghiệp của ông đến nay còn để lại niềm tự hào cho hậu thế nhắc nhớ.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa04/04/2025

Trung Võ hầu Lê Trần Giám

Di tích cấp quốc gia Từ đường Lê Trần làng Phú Khê, xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) những năm qua đã được tôn tạo khang trang. Ảnh: Khánh Lộc

Theo tài liệu lưu giữ và truyền ngôn dân gian tại địa phương, Lê Trần Giám, sinh năm 1725 trong gia đình nông dân nghèo. Từ nhỏ, cậu bé Lê Trần Giám đã nổi bật giữa chúng bạn cùng trang lứa bởi sự thông minh, nhanh nhẹn, học đâu hiểu đó. Không chỉ hay chữ, Lê Trần Giám còn giỏi võ nghệ. Hoàng tiên sinh - thầy giáo nổi tiếng trong vùng trực tiếp dạy dỗ Lê Trần Giám khen học trò “thông minh hơn người” và “văn võ toàn tài”.

Lớn lên, Lê Trần Giám lựa chọn tiến thân bằng võ nghệ. Năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) triều vua Lê Hiển Tông, với tài năng võ nghệ, Lê Trần Giám được tuyển làm quan, giữ chức Phủ quân khâm phụng. Thời gian sau đó, ông được thăng lên Thượng tướng quân, Đô chỉ huy sứ, tước Trung Võ hầu. Từ cậu bé nhà nghèo, bằng sự nỗ lực tự thân, rèn giũa không ngừng nghỉ, Lê Trần Giám đã từng bước vươn lên, khẳng định bản thân, làm rạng danh gia tộc.

Tuy nhiên, “thời gian ông làm quan cũng là lúc chế độ phong kiến thời Lê - Trịnh bước vào khủng hoảng trầm trọng. Trong nội bộ chính quyền trung ương diễn ra sự phân hóa sâu sắc. Tệ mua quan, bán chức, tham ô, hối lộ hoành hành... khắp các địa phương, quan lại ra sức vơ vét, nhũng nhiễu Nhân dân. Hạn hán, lũ lụt, đói rét, dịch bệnh xảy ra liên miên. Đời sống Nhân dân vô cùng khốn khổ. Các phong trào nông dân đấu tránh chống áp bức bóc lột nổ ra liên tiếp, rộng khắp, thu hút mọi tầng lớp lao động tham gia (sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa).

Trong thời gian này, có những cuộc khởi nghĩa quy mô rộng lớn như khởi nghĩa của Lê Duy Mật “chống lại chế độ độc đoán chuyên quyền của chúa Trịnh. Đây cũng là phát súng mở màn cho phong trào khởi nghĩa nông dân giữa thế kỷ XVIII. Mặc dù cuộc khởi nghĩa do tầng lớp quý tộc lãnh đạo với ngọn cờ “Phù Lê diệt Trịnh” nhưng trong quá trình phát triển đã bộc lộ rõ nét phong trào khởi nghĩa của nông dân mà lực lượng chủ yếu là dân nghèo người Kinh và đồng bào các dân tộc ít người miền thượng du” (sách Danh nhân Thanh Hóa).

Làm quan trong triều đình Lê - Trịnh, Lê Trần Giám hiểu rõ sự khủng hoảng, rối ren và suy yếu, bạc nhược của vua Lê, chúa Trịnh. Sinh ra, lớn lên trong gia đình nông dân, Trung Võ hầu Lê Trần Giám thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân trong xã hội thời bấy giờ. Ông quyết định từ bỏ vinh hoa phú quý riêng bản thân, từ bỏ quyền lực vua ban để tham gia khởi nghĩa nông dân do Hồ Nhật Tương lãnh đạo ở vùng đất Mỹ Lương (Sơn Tây).

Khi quân của Lê Duy Mật từ Thanh Hóa - Nghệ An tiến ra Sơn Tây, “hội quân” cùng với quân khởi nghĩa của Hồ Nhật Tương, Lê Trần Giám cũng cùng gia nhập cuộc khởi nghĩa do Lê Duy Mật lãnh đạo. Trong thời gian này, ông trổ tài thao lược, cầm quân đánh trận. Lê Trần Giám thường được tin tưởng giao nhiệm vụ tiên phong trong các trận đánh tiêu diệt cường hào, lấy của người giàu chia cho dân nghèo. Với tài năng võ nghệ, tính cách hào sảng, rộng rãi, dẫu sống trong thời loạn lạc nhưng Lê Trần Giám vẫn được người trên, kẻ dưới quý mến

Cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật dẫu kéo dài song không đạt được kết quả như kỳ vọng. Năm 1770, sau hơn 30 năm, khởi nghĩa đã hoàn toàn thất bại. Bấy giờ, tuổi đã cao, lão tướng Lê Trần Giám quyết định trở về quê nhà, làm bạn với kiếm cung, sách vở, dạy dỗ cháu con. Năm 1804, Trung Võ hầu Lê Trần Giám qua đời.

Công tích, sự nghiệp của võ quan Lê Trần Giám được các triều vua Nguyễn ghi nhận. Sau khi ông mất, cùng với việc sai dân làng Phú Khê lập dựng đền thờ thì triều đình còn ban cho con cháu dòng họ biển ngạch sơn son 6 chữ “Hoa Vương khê - Trung Võ hầu”. Về sau, nhiều lần ban sắc phong là “Phúc nhạc tôn thần”, suy tôn “tuyên lực, hiệp mưu đồng đức công thần, Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ, Đô chỉ huy sứ ty, Trung Võ hầu”. Đến thời vua Bảo Đại, được gia ân phong tặng “Trác vĩ Thượng đẳng tôn thần”.

Về vùng đất cổ Phú Khê, ghé thăm Di tích cấp quốc gia Từ đường Lê Trần - nơi thờ Trung Võ hầu Lê Trần Giám và các vị tiền nhân dòng họ Lê Trần, thắp nén tâm hương lên tiền nhân, ông Lê Trần Sơn, hậu duệ dòng họ Lê Trần, chia sẻ: “Dòng họ Lê Trần đến đất Kẻ Đừng - Phú Khê sinh sống đã trên 400 năm. Tiền nhân Lê Trần Giám với tài năng, trí dũng và những cống hiến đã được sử sách lưu danh, người đời nhắc nhớ. Sau khi cụ Lê Trần Giám qua đời, triều đình phong kiến đã ban tiền cho dân làng Phú Khê lập đền thờ phụng. Bấy giờ, đền thờ bằng gỗ, lợp ngói khang trang. Trong kháng chiến chống Pháp, đền thờ là nơi hội họp, cất giữ vũ khí, súng đạn dược của dân quân du kích trong vùng. Tuy nhiên, khi thực dân Pháp ném bom xuống làng Phú Khê, vào khu đền thờ đã thiêu rụi tất cả đồ thờ, sắc phong, chỉ còn sót lại một số hiện vật đá. May mắn, gia phả mấy trăm năm cất giữ ở nhà một người trong dòng họ vẫn còn giữ lại được. Để đến ngày nay, nhìn vào đó hậu thế hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của tiền nhân. Với lòng kính ngưỡng và biết ơn, những năm qua Từ đường Lê Trần đã từng bước được dân làng và con cháu trong dòng họ chung tay tôn tạo khang trang".

Đã trở thành mỹ tục lâu đời, hằng năm vào dịp đầu xuân và cuối năm, tại Từ đường Lê Trần lại diễn ra việc tế lễ. Cùng với đó, ngày 13 tháng 3 (âm lịch) - ngày mất của tiền nhân Lê Trần Giám cũng là dịp để cháu con tề tựu, tri ân, tưởng nhớ người đã khuất.

Khánh Lộc

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Danh nhân Thanh Hóa; Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa và một số tài liệu lưu giữ tại dòng họ).

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/trung-vo-hau-le-tran-giam-244588.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm