Tham dự lễ khởi công có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ của tỉnh và lãnh đạo một số tỉnh, thành.
Công trình có ý nghĩa đặc biệt
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà nho yêu nước, thi cử đỗ đạt trong bối cảnh nước mất nhà tan. Thấu hiểu nỗi khốn khổ, bị áp bức của dân tộc, Cụ đã từ bỏ chốn quan trường để đi khắp miền Nam truyền bá tư tưởng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, tìm đường đánh đuổi ngoại xâm.
Trong hành trình lớn của cụ từ quê hương Nghệ An đến nơi dừng chân cuối cùng ở tỉnh Đồng Tháp, cụ đã đến, sinh sống và hoạt động tại chùa Hội Khánh thuộc phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hiện nay. Đây cũng là nơi cụ lưu lại và tham gia các hoạt động yêu nước với thời gian lâu nhất và liên tục nhất, hơn 3 năm (từ năm 1923 đến 1926). Trong khoảng thời gian này, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã phối hợp với các nhà nho, nhà sư yêu nước tại đây thành lập Hội Danh dự yêu nước và thông qua các hoạt động dạy học, bốc thuốc, chữa bệnh cho người dân để truyền bá tư tưởng yêu nước.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh, nhấn mạnh, đây là một công trình có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương. Công trình chính thức được khởi công đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang ý nghĩa chính trị và tinh thần tri ân sâu sắc đối với thân sinh của Bác - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. |
Với tình cảm sâu sắc dành cho cụ, trong nhiều năm qua, chùa Hội Khánh vẫn trân trọng gìn giữ và duy trì việc thờ cúng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại chùa. Hàng năm, vào ngày 27-10 âm lịch, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh phối hợp cùng chùa Hội Khánh tổ chức Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và sự kính trọng đối với một bậc chí sĩ đã hiến trọn đời mình cho lý tưởng yêu nước và vì nghĩa lớn của dân tộc.
Từ ý nghĩa đó và để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, thể hiện tấm lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc của nhân dân Bình Dương đối với công lao, nhân cách cao cả của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người đã có công truyền bá tư tưởng yêu nước cho các tầng lớp nhân dân trong cả nước nói chung và nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng; người đã sinh thành, dưỡng dục và định hình nhân cách đạo đức, tinh thần yêu nước cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc, tỉnh Bình Dương đã có chủ trương xây dựng Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, kết hợp với chỉnh trang đô thị các khu vực liền kề khuôn viên chùa Hội Khánh - nơi cụ từng sinh sống, hoạt động trong thời gian ở tại Bình Dương.
Với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương, công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng, không chỉ thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ.
Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, công trình hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến văn hóa - lịch sử tiêu biểu, gắn kết với không gian đô thị hiện đại, nghĩa tình của Bình Dương.
Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân
Khu lưu niệm được xây dựng theo hướng không gian mở, hài hòa, phù hợp với kiến trúc của chùa Hội Khánh, kết hợp chỉnh trang đô thị, nhằm hình thành một quần thể không gian văn hóa, lịch sử linh thiêng, công viên xanh sạch đẹp, phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập, phát huy, giáo dục truyền thống yêu nước, tham quan, vui chơi, giải trí của các tầng lớp nhân dân.
Theo đó, khu lưu niệm có diện tích khoảng 3,6 ha, với các hạng mục chính, gồm: Nhà thờ và nhà lễ Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đây là hạng mục trung tâm của dự án, được thiết kế theo kiến trúc dân gian Nam bộ kết hợp truyền thống Việt, tạo nên không gian trang nghiêm, gần gũi và mang giá trị lịch sử - văn hóa cao, phù hợp với kiến trúc chùa Hội Khánh và sự giản dị, thanh bạch như chính cuộc đời của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Không gian trưng bày, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Quảng trường phía trước lấy cảm hứng từ họa tiết trống đồng, phục vụ sinh hoạt cộng đồng và giáo dục truyền thống. Hạ tầng cảnh quan đô thị được chỉnh trang đồng bộ, tạo điểm nhấn cho khu trung tâm TP.Thủ Dầu Một.
Nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án kết hợp giữa đầu tư công và xã hội hóa. Trong đó, hạng mục xây dựng nhà thờ, nhà lễ của khu lưu niệm được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa do Tổng Công ty Becamex đầu tư, với chi phí xây dựng hơn 83 tỷ đồng; các phần còn lại của dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
HỒNG THUẬN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/khoi-cong-du-an-khu-luu-niem-cu-pho-bang-nguyen-sinh-sac-cong-trinh-co-nhieu-y-nghia-dac-biet-a347272.html
Bình luận (0)