Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp bứt phá bằng công nghệ

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (sửa đổi) kỳ vọng tạo ra một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích doanh nghiệp bứt phá.

VietnamPlusVietnamPlus07/05/2025

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (sửa đổi) đứng trước yêu cầu cần phải tạo ra một "cú hích" khơi dậy tiềm năng sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để làm rõ hơn về những điểm mới và đột phá của dự luật này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội.

Ra đời rất kịp thời

- Thưa Đại biểu, những điểm đột phá của dự án Luật này sẽ cởi trói và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào đổi mới khoa học công nghệ như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Dự luật lần này ra đời rất kịp thời, là một hoạt động nối tiếp Nghị quyết 193 của Quốc hội đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dư luận, cử tri, doanh nghiệp và giới khoa học rất háo hức chờ đợi, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 57 được ban hành. Để đưa nghị quyết vào thực tế cuộc sống, cần phải thể chế hóa bằng pháp luật. Nỗ lực đầu tiên của Quốc hội là ban hành Nghị quyết 193/2025/QH15. Tuy nhiên, do thời gian ngắn và nghị quyết của Quốc hội không thể có độ bao trùm như luật, nên việc sửa đổi Luật khoa học công nghệ lần này là một bước tiến quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế của luật cũ (năm 2013) và Nghị quyết 193.

Luật sửa đổi lần này đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng. Ví dụ, luật cũ chưa đề cập đến việc các doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, thì luật mới đã bổ sung quy định này. Về thủ tục hành chính, luật mới đã bỏ tới 9-11 thủ tục, chỉ giữ lại 2 thủ tục cũ và bổ sung 4 thủ tục mới do có nhiều hoạt động mới của doanh nghiệp được đưa thêm. Đây là một bước cải tiến rất mạnh mẽ.

Luật mới cũng khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra cơ chế rõ ràng để nghiên cứu khoa học mà không lo rủi ro. Cơ chế thử nghiệm có thể thành công hoặc không thành công, doanh nghiệp sẽ không bị truy cứu trách nhiệm, trừ khi cố tình làm sai. Đây là những điểm rất tiến bộ của luật.

Việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ đang đối diện nhiều thách thức, đặc biệt về tên gọi và tính khả thi. Nhiều đại biểu Quốc hội và Cơ quan thẩm tra vẫn còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của luật, liệu nên tập trung vào khoa học ứng dụng hay bao gồm cả khoa học chính trị, xã hội.

cay-giong.jpg
Luật mới cũng khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra cơ chế rõ ràng để nghiên cứu khoa học mà không lo rủi ro. (Ảnh: Vietnam+)

Trong khi, tiến độ triển khai nhanh chóng là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của các Nghị quyết 57, 59, 66 và 68 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ cần đi đôi với việc kế thừa và đánh giá kỹ lưỡng Nghị quyết 193 của Quốc hội đồng thời đảm bảo chất lượng để đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị quyết 66, tránh tình trạng luật không chuẩn chỉnh và khó thực thi.

Kỳ vọng của cử tri là Luật sửa đổi sẽ tạo ra một thị trường khoa học và công nghệ sâu rộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để đạt được điều này, luật cần giải quyết những vướng mắc hiện tại, như cơ chế thử nghiệm và chế tạo sản phẩm khoa học, quy định về thành lập Hội đồng khoa học. Nếu không có những công cụ pháp lý cụ thể, việc đưa tinh thần Nghị quyết 57 vào cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn.

Con đường tăng năng suất lao động

- Thưa Đại biểu, các doanh nghiệp tư nhân đang muốn ứng dụng khoa học công nghệ vào các sản phẩm, công nghệ mới, công nghệ xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn. Vậy, ông cho biết những chính sách trong dự luật đã đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp thực sự tạo động lực để doanh nghiệp nghiên cứu ra các sản phẩm ứng dụng theo hướng xanh?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Luật mới khuyến khích các doanh nghiệp thành lập quỹ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các chi phí cho hoạt động này được tính là chi phí trước thuế, thay vì phải đóng thuế xong mới phân thành các quỹ như trước đây. Đây là một sự khích lệ lớn.

Việc phát triển công nghệ xanh, công nghệ số không chỉ nằm trong luật này, mà còn được khuyến khích ở nhiều luật khác, nghị quyết của Thủ tướng và nghị định của Chính phủ. Điều này tạo ra sự lan tỏa từ sớm. Nếu doanh nghiệp nắm bắt được công nghệ hạ tầng số và đầu tư ngay, họ sẽ bắt kịp sự phát triển của các nước tiên tiến. Trước đây, các doanh nghiệp tiên tiến đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, còn doanh nghiệp chúng ta không theo kịp. Giờ đây, chúng ta có thể "đi tắt đón đầu," xây dựng nhanh và phát triển cùng với họ trong lĩnh vực công nghệ số. Do đó, nếu doanh nghiệp đưa công nghệ số vào quản lý, đó là con đường tăng năng suất lao động nhanh nhất.

Doanh nghiệp rất trông đợi vào Luật khoa học công nghệ vì nó giúp họ đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí, dám nghĩ, dám làm và giảm thiểu rủi ro.

02-robot-hoa-khau-lap-rap-san-pham-3.jpg
Nếu doanh nghiệp đưa công nghệ số vào quản lý, đó là con đường tăng năng suất lao động nhanh nhất. (Ảnh: Vietnam+)

Thúc đẩy thương mại hóa các đề tài khoa học

- Theo ông, chính sách đặt hàng doanh nghiệp để phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược lần này có điểm gì mới và đột phá so với trước đây?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, việc tạo ra một thị trường khoa học công nghệ thực sự là yếu tố then chốt. Điều này đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều đề tài khoa học vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn Nhà nước, dẫn đến tình trạng nghiên cứu không đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế tạo và thử nghiệm sản phẩm khoa học.

Trên thực tế, doanh nghiệp luôn nắm bắt rõ hơn nhu cầu của thị trường và sẽ sẵn sàng đầu tư nếu thấy đề tài mang lại lợi ích. Sau khi thử nghiệm thành công, việc công nhận và phân chia bản quyền giữa nhà khoa học và doanh nghiệp cần được quy định rõ ràng và thông thoáng hơn. Như, Điều 28 của Luật hiện hành có vẻ còn quá chặt chẽ, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vì vậy, dự luật cần tạo cơ chế để nhà khoa học và doanh nghiệp tự thỏa thuận về phân chia bản quyền đồng thời Nhà nước cũng nên tham gia đầu tư vào những đề tài có quy mô lớn, tính ứng dụng cao. Sau giai đoạn chế tạo và thử nghiệm, cần tiến hành cấp bằng sáng chế và thương mại hóa sản phẩm. Luật cần quy định rõ ràng hơn các bước này để thúc đẩy thương mại hóa các đề tài khoa học công nghệ, đưa khoa học và công nghệ vào phục vụ đời sống kinh tế-xã hội một cách hiệu quả./.

Xin cảm ơn Đại biểu!

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/khoi-day-tiem-nang-sang-tao-thuc-day-doanh-nghiep-but-pha-bang-cong-nghe-post1037175.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm