Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khởi nghiệp trong kỷ nguyên số

Việt NamViệt Nam09/04/2025


Công nghệ số phát triển mạnh mẽ, thanh niên không chỉ là người thụ hưởng mà còn tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ và xã hội.

Thích nghi, chuyển mình

Chị Hồ Thị Mỹ Phúc (SN 1990, ở xã Tây Bình, huyện Tây Sơn) - chủ cơ sở sản xuất bánh ít lá gai Hoàng Đông, sau nhiều năm cùng mẹ duy trì mô hình kinh doanh bánh truyền thống, đã quyết định đưa sản phẩm của mình tiếp cận rộng rãi hơn thông qua các nền tảng trực tuyến.

Chị Hồ Thị Mỹ Phúc (trái) đang livestream cùng KOL Sammy để bán sản phẩm bánh ít lá gai Hoàng Đông. Ảnh: D.L

Cụ thể, từ năm 2023, chị Phúc mạnh dạn đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất, giúp nâng cao năng suất và kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm bánh ít lá gai Hoàng Đông từ 3 - 4 ngày lên 7 - 10 ngày. Chị cũng tự học kỹ năng livestream, phối hợp cùng các KOL livestream giới thiệu sản phẩm trên TikTok, Facebook. Chị Phúc “bật mí”, một buổi livestream trong chưa đầy 1 giờ như vậy, chị có thể bán từ 5.000 - 10.000 chiếc bánh. Cùng với đó, chị còn làm thêm các video ngắn về cách làm bánh để quảng bá một cách khéo léo, qua đó thu hút khách hàng tương tác, hiểu hơn về sản phẩm.

Khác với chị Phúc, chị Phạm Đặng Ái Khương (SN 1993, Giám đốc HTX TM&DV Quy Nhơn Xanh) cùng các thành viên HTX mở cơ sở bày bán hơn 20 mặt hàng OCOP của tỉnh tại địa chỉ 02 Trần Thị Kỷ (TP Quy Nhơn). Điểm khác biệt của cơ sở là toàn bộ quy trình từ quản lý hàng hóa đến thanh toán đều được số hóa; chú trọng xây dựng nội dung trên Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm, qua đó nhận biết phân khúc khách hàng chính; đồng thời, giới thiệu tóm tắt về nguồn gốc và chứng nhận của các mặt hàng sản phẩm OCOP bằng mã QR.

“Chúng tôi đã tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số do Tỉnh đoàn tổ chức để áp dụng vào mô hình của mình cho hiệu quả. Đồng thời, HTX đang nghiên cứu việc cân đối mức giá để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận với khách hàng ở xa, đặc biệt là những người trẻ tuổi, năng động, am hiểu công nghệ”, chị Khương chia sẻ.

Ngoài số hóa phương thức kinh doanh, không ít thanh niên tích cực ứng dụng KHKT, công nghệ mới vào sản xuất. Anh Chế Hoài Kết (SN 1987, chủ cơ sở sản xuất tượng - khuôn mẫu Bảo Khang, ở phường Hoài Tân, TX Hoài Nhơn) là trường hợp như vậy.

Xác định hướng đi là các sản phẩm tượng có kích thước nhỏ để trưng bày, làm quà tặng, anh Kết sử dụng công nghệ in 3D và phần mềm thiết kế chuyên dụng để tạo ra sản phẩm có độ chính xác, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, từ đó tăng giá trị cho sản phẩm. Mới nhất, vào tháng 1.2025, cơ sở của anh có đơn hàng xuất khẩu qua Úc, giúp anh củng cố niềm tin với lựa chọn của mình.

Tuy nhiên, hiểu rằng công nghệ luôn không ngừng đổi mới, anh Kết quyết định sang Nhật Bản để tiếp tục trau dồi kiến thức, từ thiết kế mẫu đến hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Đồng hành, hỗ trợ

Để người trẻ có thêm động lực và điều kiện lập thân, lập nghiệp trong thời đại 4.0, các cấp bộ Đoàn, Hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực.

Từ năm 2024 đến nay, thông qua quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ vốn vay cho 4 dự án (200 triệu đồng/dự án); ngoài ra, hỗ trợ không hoàn lại cho 1 dự án; hỗ trợ vốn vay từ nguồn quỹ quốc gia về việc làm cho 1 dự án. Hiện toàn tỉnh có 224 tổ thanh niên vay vốn, với 9.618 hộ vay từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hơn 609 tỷ đồng.

Ngoài vốn, Tỉnh đoàn cũng chủ động triển khai các lớp tập huấn về chuyển đổi số trong kinh doanh, giúp ĐVTN không chỉ làm quen mà còn áp dụng thành thạo các công cụ số vào kinh doanh, sản xuất; ra mắt chuyên trang quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên, giúp kết nối với thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, các lớp chuyển giao KHKT và tập huấn kiến thức khởi nghiệp cũng được tổ chức thường xuyên, trang bị cho ĐVTN nhiều kỹ năng cần thiết.

Các tổ chức đoàn, hội ở cơ sở cũng có sáng tạo riêng để hỗ trợ ĐVTN. Thành lập vào tháng 9.2024 với 11 thành viên, CLB Thanh niên phát triển kinh tế TX Hoài Nhơn (trực thuộc Hội LHTN Việt Nam TX Hoài Nhơn) đã kết nối với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh để vừa giải quyết đầu ra sản phẩm cho hội viên, vừa tuyên truyền các chính sách hỗ trợ và hướng dẫn kỹ năng kinh doanh thời 4.0.

Ở quy mô nhỏ hơn, CLB đã thiết lập mạng lưới gồm những chủ cơ sở kinh doanh với các thanh niên mong muốn khởi nghiệp trên địa bàn; tổ chức các hoạt động tham quan cơ sở kinh doanh, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất để tiện hỗ trợ nhau…

“CLB tạo nên môi trường cởi mở, hiện đại để các thành viên giao lưu, học hỏi từ các DN thành công. Hữu ích nhất là những kinh nghiệm thực tế về thị trường, về sự cần thiết của việc duy trì mô hình kinh doanh hiện đại trong thời buổi số hóa hiện nay. Nhờ đó, chúng tôi yên tâm hơn và có thêm động lực để khởi nghiệp”, anh Nguyễn Văn Xong, Chủ nhiệm CLB Thanh niên phát triển kinh tế TX Hoài Nhơn, cho biết.

DƯƠNG LINH



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=4&mabb=354006

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm